ClockThứ Bảy, 29/05/2021 06:15

Rẽ lối trường nghề

TTH - Hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào các trường nghề là mục tiêu đang được các ngành, chính quyền địa phương phối hợp đẩy mạnh thực hiện. Một phần nhằm phát huy năng lực và sở trường của mỗi học viên cũng như giúp họ sớm tham gia thị trường lao động.

Công nghệ số vào trường học: Bớt việc cho giáo viênCải tiến công nghệ, điều kiện lao động

Môi trường đào tạo tốt sẽ thu hút nhiều học viên

Kích thích học nghề, phát huy sở trường

Hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS là định hướng phân bổ tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hướng đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân học sinh và điều kiện hoàn cảnh thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội.

Thời gian qua, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện Quyết định 1882 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, trong đó, quan tâm đến việc đảm bảo tỷ lệ tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 THPT để thực hiện đúng định hướng phân luồng học sinh phổ thông gắn với đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Tuy nhiên, thay vì mục tiêu đề ra đến năm 2020 đạt tỷ lệ 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trường nghề (và đến năm 2025 đạt 40%) thì tỷ lệ này chỉ đạt chưa tới 17% toàn tỉnh. Nguyên nhân tỷ lệ đạt thấp một phần do xuất phát từ quan niệm chuộng “bằng cấp” hơn “tay nghề”. Hệ lụy là cơ cấu nhân lực “thừa thầy, thiếu thợ”, cử nhân thất nghiệp hoặc không làm đúng nghề, trong khi nhu cầu công nhân kỹ thuật lại rất thiếu nguồn tuyển. Do đó, không đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động và nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp (DN).

Hiệu trưởng Trường THCS Duy Tân, TP. Huế - Võ Thị Phương Khanh cho biết, năm học 2019-2020, trường có 36 học sinh tốt nghiệp lựa chọn học nghề. Mặc dù đạt cao hơn so với những năm học trước, song con số này vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Vừa có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó phải kể đến đội ngũ giáo viên giảng dạy chưa có nhiều kinh nghiệm trong dạy hướng nghiệp và học sinh còn xem nhẹ học hướng nghiệp, chưa tìm được cho mình một trường nghề để phát triển bản thân.

 Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, TP. Huế cho rằng, mặc dù công tác phân luồng học sinh sau THCS có chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Khó nhất là do tuổi đời của các em còn là vị thành niên, nhận thức và quyết định chưa “chín”. Vì thế, để đem lại hiệu quả, công tác và hình thức truyền thông được nhà trường đổi mới thực hiện bằng các hoạt động cụ thể như tổ chức ngày hội định hướng nghề nghiệp, các cuộc thi, hội thi sáng tạo... để khơi nguồn đam mê, sự sáng tạo của các em. Thông qua đó, nhà trường tổ chức buổi ngoại khóa lồng ghép trao đổi, nói chuyện giữa phụ huynh và những trường hợp điển hình đã “rẽ lối” đúng hướng để thực hiện đam mê và có được chỗ đứng trong xã hội đến với các em học sinh.

Củng cố chất lượng trường nghề

Điều kiện để tăng, thu hút số lượng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học trường nghề còn cần đến chất lượng, môi trường đào tạo. Một khi có môi trường giáo dục học tập an toàn, lành mạnh, phụ huynh mới yên tâm trao gửi con em mình vào trường nghề.

Hiện nay, các trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp trên địa bàn không ngừng đổi mới chương trình, nâng chất lượng đào tạo, đồng thời liên kết với các trường học phổ thông để thu hút học viên. Trong những đổi mới đó, mô hình 9+ đang được một số trường đào tạo nghề đưa vào giảng dạy. Chẳng hạn, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế áp dụng mô hình đào tạo cao đẳng 9+ học song song THPT. Qua đó, người học có 2 hướng lựa chọn. Một là sau khi tốt nghiệp THCS học 3 năm THPT, thay vì không chọn 4-5 năm học đại học, người có thể học 2 năm cao đẳng và 1,5 năm đại học. Hướng thứ hai, sau khi tốt nghiệp THCS, người học trải qua 2 năm học trung cấp (miễn học phí 100%), 2 năm cao đẳng và 1,5 năm đại học. Sau khi được đào tạo có bằng trung cấp, cao đẳng hay đại học nghề nghiệp, người học có thể tham gia thị trường lao động. Mô hình đào tạo trung cấp - cao đẳng học song song THPT giúp người học rút ngắn thời gian đào tạo so với mô hình truyền thống 2 năm; đồng thời, chương trình đào tạo chiếm 70% thực hành, giúp dễ học và sát với thực tế của DN.

Bên cạnh đó, phải tạo ra được một kết nối giữa phụ huynh, học sinh với DN thông qua diễn đàn DN giới thiệu về đơn vị, chiến lược phát triển, sử dụng lao động hay hình ảnh người lao động trực tiếp sản xuất hoặc tham quan thực tế tại DN, giúp học sinh định hình nghề nghiệp và có sự lựa chọn đúng đắn.

Bàn sâu về những giải pháp để hướng tới thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trên địa bàn tỉnh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH - Vũ Xuân Hùng cho rằng, ngoài sự bắt tay và có những đổi mới mạnh mẽ của các trường học, trường nghề, DN, chính quyền các cấp và phụ huynh học sinh, các bộ ngành liên quan cũng đang xây dựng, sửa đổi một số chính sách, quy định phù hợp. Đơn cử, chủ trương của Chính phủ sắp tới sẽ tạo điều kiện và giao cho các cơ sở GDNN có đủ điều kiện thực hiện tổ chức dạy văn hoá cho các em ngay tại trường nghề mà không cần phải phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên, giúp các em tiết kiệm về thời gian đi lại, chủ động thời gian biểu...; nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh lại khối lượng kiến thức văn hoá theo hướng “giảm tải”, nhằm giúp người học có đủ năng lực và thời gian để vừa học nghề và vừa học văn hóa tại trường.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu năm, không lo thất nghiệp

Hơn 9.000 vị trí việc làm trong và ngoài nước cần tuyển dụng vào đầu năm 2024 là con số không hề nhỏ để đáp ứng cho những lao động đang cần tìm việc, chuyển đổi môi trường làm việc mới.

Đầu năm, không lo thất nghiệp
Return to top