ClockThứ Bảy, 30/04/2016 13:44

Rẽ trái

TTH - “Con đường hai làn, rộng, đẹp rất thuận tiện cho lưu thông, nhưng anh em mình kỳ lắm. Tôi để ý nhiều lần, thấy cán bộ của mình cứ ra khỏi cổng là rẽ trái chứ không chịu chạy lên chỗ quay xe cách đó không bao xa. Tôi nhắc mãi không sửa, phải nặng lời là ai lơ mơ cứ rẽ trái là phạt. Mà sẽ phạt nặng nếu còn tái diễn” người đứng đầu một cơ quan chia sẻ. Cũng trong câu chuyện của mình, anh nói, điều này không chỉ diễn ra ở cơ quan anh mà cả ở một vài cơ quan công quyền khác, thậm chí là hoạt động ở lĩnh vực pháp luật và thực thi pháp lệnh. Cũng không chỉ cán bộ, nhân viên mà cả lãnh đạo nữa. “Có dịp dừng xe ở đó, tôi quan sát và thấy mọi người thản nhiên lắm và nó đã gần như trở thành điều bình thường hàng ngày. Mình thế, làm sao nói được người khác!”

Trên bề mặt của vấn đề, điều này mang đến một thông điệp là việc chấp hành Luật Giao thông còn lỏng lẻo, cán bộ chưa mẫu mực làm gương. Tuy nhiên cái được xem là chuyện nhỏ, bình thường hàng ngày đã trở nên bất thường khi nó hình thành nên một thói quen xấu. Đáng buồn hơn là nó đi vào tiềm thức và trở thành vô thức về ý thức công dân trong chấp hành Luật, ngay cả những người làm việc với người khác bằng luật và các căn cứ khác của luật pháp.

Ở phương diện khác của khía cạnh này, việc không chấp hành Luật Giao thông cũng giống như cố tình vượt đèn đỏ. Không thể viện dẫn bất cứ một nguyên cớ nào để thanh minh cho hành vi của mình; cũng đừng nghĩ rằng chỉ là “tranh thủ” lúc đường vắng, hoặc không ai để ý đến mình. Đã có không ít những sự cố đau lòng và không thể nào biện minh được cho những lỗi lầm chết người từ sự tranh thủ vượt đèn đỏ hay rẽ trái không đúng chiều gây ra. Nhưng cũng có những tác động lớn hơn không đến ngay và người có hành vi này không thể, hoặc không hề nhận ra. Đó là sự nhờn luật, coi thường chính bản thân mình và người khác. Là hành vi xấu gieo tác hại lây lan đến cộng đồng (kiểu như người ta làm được, sao mình lại không?).

Ở góc nhìn sâu hơn và cũng là vấn đề mà nhân vật của chúng tôi muốn đề cập trong câu chuyện anh đã dẫn dắt là ở chỗ, trong hoạt động của đời sống kinh tế xã hội, chắc chắn người ta biết rẽ trái là phạm quy, nhẹ thì gọi là vận dụng, nặng thì là lách luật nhưng việc rẽ trái (và cả vượt đèn đỏ) vẫn được sử dụng để được việc trong sự đa nghĩa của nó. Người khôn bao giờ cũng biết cách về đích nhanh hơn. Vấn đề là ở chỗ, những biến đổi của tâm lý xã hội, tâm lý tiêu dùng và sự thực dụng cá nhân đã trở thành môi trường cho sự khôn lỏi, thành đất dung túng cho người biết tìm cách vượt lên người khác không phải bằng trí tuệ, năng lực đích thực mà chỉ bằng sự lọc lõi, cầu cạnh và các sở đoản khác...

Khác với sự xem như là bình thường trở thành bất thường của hành vi rẽ trái không đúng luật, việc rẽ trái và vượt đèn đỏ trong các mối quan hệ của đời sống xã hội đã từ cái bất thường trở thành bình thường. Điều giống nhau giữa chúng là được người ta ngó lơ, chấp nhận hoặc phải chấp nhận nó và chúng ngày cảng ảnh hưởng, tác động và chi phối trở lại đời sống xã hội như một điều mặc nhiên.

Nhưng có một thực tế là, nếu chỉ chăm chăm rẽ phải cũng dễ thua thiệt. Mấy khi trâu chậm được uống nước trong. Thế nên đôi khi người ta cũng ngó trước ngó sau rồi tặc lưỡi rẽ trái cho được việc. Một lần, hai lần rồi cứ thế hình thành thói quen, lại là một thói quen không dễ được chế tài bởi nội quy và có vẻ như đang được thông cảm và biện minh bởi sự “được việc”.

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top