ClockThứ Hai, 08/01/2018 12:51

Rèn luyện kỹ năng qua các hoạt động xã hội

TTH - Điểm nổi bật của sinh viên Đại học (ĐH) Huế thời gian qua là tích cực trong các hoạt động xã hội, qua đó phát huy tính năng động và tự rèn luyện những kỹ năng cần thiết.

Tập huấn kỹ năng giám sát và viết báo cáoKhởi nghiệp: Đòi hỏi kiến thức và kỹ năngTrang bị kỹ năng để luôn chủ động

Sinh viên Đại học Huế tham gia hiến máu tình nguyện

Tích cực trong các hoạt động xã hội

Theo chân Đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế lên xã Bắc Sơn, huyện A Lưới tổ chức chương trình “Noel yêu thương và áo ấm mùa đông” dịp cuối năm 2017, suốt một ngày với nhiều hoạt động, từ trao quà đến các trò chơi, văn nghệ đều được làm bài bản, đúng kế hoạch, họ đã mang lại niềm vui thật sự cho người dân. Chị Hồ Thị Mai, trú ở xã Bắc Sơn, huyện A Lưới, cho biết: “Các sinh viên rất nhiệt tình và tốt bụng. Họ nghĩ ra những trò chơi, hình thức giao lưu cho các em nhỏ và cả người lớn tuổi. Gặp họ, chúng tôi được nhận cả hai món quà vật chất và tinh thần”.

Chương trình của Đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ chỉ là một trong rất nhiều hoạt động xã hội tiêu biểu mà sinh viên ĐH Huế tham gia trong năm 2017. Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Đoàn ĐH Huế cho biết, trong năm, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên ĐH Huế và các trường thành viên cùng các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm tổ chức gần 40 hoạt động xã hội lớn nhỏ, trong đó có những chương trình định kỳ mà hầu hết các trường thành viên đều tham gia như Xuân yêu thương, Tiếp sức đến trường, Trung thu cho trẻ em vùng khó khăn, Áo ấm mùa đông, Lễ hội xuân hồng… So với giai đoạn trước, lượng sinh viên đăng ký tham gia tăng, quy mô và chất lượng các chương trình tốt hơn. Sinh viên cũng tích cực, chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, trực tiếp tổ chức, triển khai các hoạt động.

Hiện, nhiều CLB, đội, nhóm ở các trường thành viên thuộc ĐH Huế cũng mở rộng hoạt động ra khỏi khuôn khổ chuyên môn, hướng đến các công tác xã hội. Điển hình như CLB Sách và Hành động Khoa Du lịch – ĐH Huế không chỉ tổ chức hoạt động phát triển văn hóa đọc mà còn triển khai bán hàng handmade gây quỹ giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người nghèo. Hay như CLB Sao Bắc Đẩu, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế ban đầu thành lập với phương hướng tổ chức các hoạt động kỹ năng cho sinh viên nhưng hiện nay còn mở rộng các hoạt động như Trung thu, Tết thiếu nhi, Giáng sinh… cho trẻ em các vùng khó khăn. “CLB thiên về hoạt động kỹ năng nên khó kêu gọi tài trợ. Tuy nhiên, các thành viên mong muốn làm công tác xã hội nên đồng lòng chọn giải pháp như bán vé số hay móc khóa gây quỹ”, Phan Đình Lộc, Chủ nhiệm CLB Sao Bắc Đẩu chia sẻ.

Anh Bùi Hữu Hùng, Bí thư Đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế khẳng định, điểm đáng mừng là sinh viên của trường ngày càng quan tâm đến các hoạt động xã hội. “Nhà trường có 8 CLB thuộc Đoàn trường, trong đó có một số CLB như sinh viên tình nguyện, hiến máu tình nguyện, văn nghệ, báo chí… Dù ra đời với phương hướng hoạt động khác nhau nhưng các CLB đều tích cực tham gia hoạt động xã hội. Năm qua, các hoạt động xã hội do Đoàn trường và các CLB tổ chức có quy mô hơn và được các địa phương nơi chúng tôi tổ chức đánh giá cao”, anh Hùng nói.

Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế tổ chức trò chơi cho trẻ em xã Bắc Sơn, huyện A Lưới

Cải thiện điểm yếu kỹ năng

Việc sinh viên ĐH Huế tham gia các hoạt động xã hội là cách giúp họ rèn luyện và cải thiện được điểm yếu kỹ năng – vấn đề mà các nhà tuyển dụng đang đòi hỏi hiện nay. Nguyễn Văn Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế chia sẻ, trước đây em vốn là người trầm tính, ngại giao tiếp và hạn chế nhiều kỹ năng. Từ khi tham gia các hoạt động xã hội do Đoàn, hội và các CLB tổ chức, em thấy mình tự tin, nhanh nhẹn và giao tiếp tốt hơn, biết cách ứng xử những tình huống khó, khi đi thực tập cũng được doanh nghiệp đánh giá cao.

Khảo sát một số sinh viên vừa ra trường và có việc làm đúng chuyên ngành, đa phần thừa nhận một trong những yếu tố họ được đánh giá trong đợt tuyển dụng ngoài kiến thức chuyên môn và thái độ là đáp ứng cơ bản được các kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu. Nguyễn Bích Trâm, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế, hiện là nhân viên kinh doanh của một công ty truyền thông về ẩm thực cho biết, quá trình tham gia các hoạt động xã hội do nhà trường tổ chức, ngoài cơ hội giao tiếp nhiều để rèn luyện kỹ năng ăn nói, em còn được đến nhiều vùng đất để hiểu tâm lý, tính cách người dân từng địa phương, nhờ đó tạo thuận lợi cho việc rèn luyện các kỹ năng phục vụ công việc hiện tại.

Theo anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Đoàn ĐH Huế, các hoạt động xã hội không chỉ giúp sinh viên hiểu hơn về cuộc sống, lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái” mà còn là môi trường tốt để sinh viên rèn luyện các kỹ năng, như: giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống, tổ chức các hoạt động tập thể… thông qua việc lên ý tưởng, xây dựng kịch bản tổ chức chương trình và tham gia trực tiếp các khâu trong từng hoạt động. Thời gian tới, Đoàn ĐH Huế duy trì và tổ chức tốt hơn các hoạt động xã hội nhằm tạo môi trường để sinh viên rèn luyện các kỹ năng. Trong năm 2018, Đoàn ĐH Huế cũng sẽ tạo ra những cơ hội để sinh viên các đơn vị giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động, phong trào, góp phần thúc đẩy việc rèn luyện kỹ năng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Return to top