ClockChủ Nhật, 10/05/2020 07:48

Rồi đất sẽ “trở mình”

TTH - Trên cánh đồng, những vồng rau xanh mướt, lúa cũng vàng rộ một màu tít tắp tận chân trời, nhưng nông dân chừng như lam lũ hơn thường nhật. Song họ vẫn có niềm tin rồi dịch bệnh sẽ qua và vụ mùa lại bội thu như trước.

Mở rộng cánh đồng mẫu lớnMùa xuống đồng

Lúa bị đổ rạp khiến chất lượng hạt không cao

Mùa vụ khó

Thời nào chăng nữa, cây lúa như “mẹ hiền” cưu mang bao phận đời lam lũ. Lúa cho cái ăn và cả tương lai của lớp lớp người. Nhưng lần này, đồng đang vào mùa gặt, người đàn bà độ ngũ tuần tên Xoa chẳng ngó xuống, ánh mắt lăn dài vào khoảng không dài thườn thượt. Tầm này những năm trước, cảm giác của bà không như bây giờ, đồng lúa chín vàng ở vùng Phú Gia (huyện Phú Vang) luôn được mùa, dòng người tấp nập xuống đồng với niềm vui hiển hiện. “Lúa chừ đổ rạp như kiểu không thèm đón tụi tui. Hầu như ruộng ở Vinh Thái (bây giờ đã sáp nhập với Vinh Phú trở thành xã Phú Gia) vùng mô cũng bị đổ. Tưởng chừng như có một mùa vụ bội thu, ai ngờ đùng một cái, qua một đêm mưa gió, mất sạch, người dân không kịp trở tay”, bà Xoa nói giọng nghèn nghẹn.

Hỏi về năng suất, bà Xoa giơ hai ngón tay, nhưng ngón duỗi ngón thụt. Phía dưới đồng, người lái máy gặt đập liên hợp liên tục điều khiển hạ mặt cắt, dí sát mặt đất để cứu những nhành lúa đang sóng soài giữa ruộng. “Mỗi năm tui trồng 2 vụ lúa, vụ đông xuân năng suất thường cao hơn hè thu. Thế nhưng nay, đông xuân coi như mất mùa. Theo khung lịch thời vụ, phải 10 ngày nữa mới đến kỳ thu hoạch, vì thiên tai buộc phải gặt sớm để vớt vát. Chưa khi mô lúa đông xuân chỉ đạt 1,5 tạ/sào”, bà Xoa buồn rầu.

Cơn mưa lớn kèm theo gió vừa qua khiến hơn 10.000 ha lúa trên địa bàn tỉnh chuẩn bị thu hoạch vượt quá sức chịu đựng. Tại nhiều địa phương, cây đổ, ngập úng, tạo nên hình xoắn ốc tựa như bức tranh trừu tượng. Ở các vùng ruộng cạn nước, mùa gặt đến sớm hơn thường nhật, trái với vẻ hồ hởi, ánh mắt nông dân ẩn chứa nhiều tiếc nuối. Với nghề nông, không niềm vui nào lớn hơn được mùa lúa, nhưng cầm nắm lúa mất đến 7 phần trên tay, ông Hồ Văn Thanh (xã Phú Thanh) cười buồn: “Anh thấy lúa hạt lúa như ri răng có gạo. Tui trồng 7 sào ruộng, 5 sào bị đổ rạp phải thu hoạch sớm nếu không muốn bị mất trắng. Diện tích đổ chỉ được khoảng 2 tạ/sào, phơi xong số còn lại chỉ được hơn 1 tạ/sào. Xong vụ động xuân, đến hè thu không biết lúa giống lấy mô ra. Ngoài lúa, tui còn trồng thêm 2 sào rau xanh các loại, nhưng giờ giá cũng rẻ, không bán được”.

Bà Xoa (xã Phú Gia, huyện Phú Vang) thẫn thờ bên diện tích lúa chỉ đạt 1,5 tạ/sào

Guồng quay của xã hội đang chậm lại bởi dịch bệnh COVID- 19, nhịp sống của nông dân cũng không nằm ngoài xu thế đó. Những sản phẩm một nắng hai sương, họ nhọc công chăm sóc rơi vào tình trạng không lối thoát. Nếu thường nhật, nhìn những cánh đồng rau xanh mướt tại các địa phương huyện Quảng Điền thì ai cũng nghĩ nông dân được mùa. Dù có thời điểm, thị trường hỗn loạn khiến giá rau dập dìu nhưng với nhiều người đây là cây trồng mang lại nhu nhập khá, giúp xóa đói giảm nghèo, có loại sau khi được chế biến trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Bây giờ, ruộng rau xanh mướt một màu nhưng ít người hỏi thăm. Dịch bệnh COVID-19, lượng khách giảm sâu; chợ lèo tèo, vắng bóng người; chợ phiên bị cấm khiến sản phẩm nông dân không được bán dù tầm này, rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đang vào vụ thu hoạch. “Làm nông nói sướng e khó, nhưng siêng năng, gia tài sẽ là những đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Năm mô cũng rứa, dù khó, dù khổ nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết bám lấy ruộng đồng. Dịch bệnh ập đến, được lệnh hạn chế ở nhà nhưng những luống rau vẫn phải chăm sóc. Cây đến lúc phải thu hoạch, để có đồng vô đồng ra. Nhưng chừ bán ít người mua. Thu hoạch rồi thì phải gieo sạ lại. Trời thuận, chỉ vài ngày cây trồng luống sau cây cao gần bằng luống trước nhưng cứ phơi phới, đứng đồng”, ông Phan Đình Toại (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) nói.

Hơn nửa đời người bám lấy ruộng đồng, dấu chân hàng ngày ngập trong bùn, ký ức ông Toại hằn sâu không ít gian khó. Nhưng nhìn luống xà lách, rau dền cao quá ống đồng, ông Toại nói thẳng: “1.000 đồng hay 2.000 đồng chi cũng bán. Bán để đất còn trồng vụ mới, tái sản xuất, để có tiền xoay xở trong những ngày khó khăn. Không chỉ tui mà ai cũng đang gồng mình qua cơn đại dịch này”...

Tiếp sức & thích ứng

Khắp các địa phương trong cả nước, người ta bàn đến chuyện “giải cứu” nông sản mùa COVID – 19. Ở Thừa Thiên Huế, cán bộ, Nhân dân và người lao động cũng đã hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nhưng khi dịch bệnh chưa qua, thiên tai ập đến, sức người thì có giới hạn, sâu trong đôi mắt nông dân còn lắm nỗi lo. Vẫn còn đó hàng tạ rau má/ngày chưa thể tiêu thụ, hàng chục tấn cá đang bí đầu ra, người nuôi trồng thủy hải sản cũng gồng gánh, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng…

Với nhiều nông dân, chuyện đổi thay đã từng bước len lỏi vào nhận thức mỗi con người. Rảo bước khắp những đồng ruộng không khó nhận ra điều này, nhiều giống lúa mới xuất hiện nhằm tăng năng suất, chất lượng; cơ giới hóa đồng ruộng khiến hình bóng con trâu thưa dần theo năm tháng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu; nuôi tôm trên cát cũng chuyển dần sang công nghệ sinh học… Từ những cuộc “cách mạng” hiệu quả một phần đã thấy. Ở nhiều diện tích, cây lúa đã được thay thế bằng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn, thủy sản có lúc được mùa được giá... Song, chỉ đầu năm 2020, nhiều biến cố ập đến khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. “Diện tích đồng ruộng của tôi chủ yếu trồng sắn và lúa. Đầu năm nay, vì dịch bệnh khảm lá sắn khiến 3 sào sắn phải nhổ bỏ, mất trắng. Chừ đến lượt lúa đổ ngã, năng suất chỉ còn lại hơn 1 nửa so với cùng kỳ”, ông Phan Gia Căng (huyện Phong Điền) chia sẻ.

Không đến nỗi mất niềm tin vào cây trồng, nhưng họ - những người bám lấy ruộng đồng buồn không phải vô cớ. “Tiết trời đang hạn, vụ hè thu chắc chắn thiếu nước, nông dân lại thêm một vụ mùa khó nhưng không thể không gắn bó với ruộng đồng”, ông Căng mường tượng.

Lan man với câu chuyện nông nghiệp, khi thời cuộc bây giờ lắm thứ khác xưa thì các cơ quan chuyên môn bàn đến hai từ “thích ứng”. Ngay trong hiện tại đó là thích ứng với hoàn cảnh - dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành; đó là thích ứng với biến đổi khí hậu ngày mỗi phức tạp… Ở chừng mực nào đó, bằng các cơ chế đầu tư và khoa học kỹ thuật, vai trò “ông chủ” trên ruộng đồng của người dân đang dần lộ rõ. Nhưng tâm thế dù có sẵn sàng, nông dân vẫn chưa đủ kiến thức để theo kịp sự biến đổi của khí hậu diễn biến nhanh. “Quá khứ lẫn hiện tại, nông dân bị thiệt hại trong vụ mùa dù cầm chắc thắng do thiên tai minh chứng điều đó. Do vậy, trong thời buổi hiện đại, nông dân cần được tiếp sức hơn nữa”, NGƯT, TS. Trương Đức Hưng, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế khẳng định.

Mùa gặt đang vào thời kỳ rộ. Dù có khó khăn, thiệt hại nhưng trong thời điểm các ngành kinh tế lao đao thì nông nghiệp vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Trong mắt người nông dân, có tiếc nuối, có lo âu, nhưng theo dặm dài năm tháng nông dân cũng phải gắn bó với ruộng đồng, để rồi đất sẽ trở mình. Nói như Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trong buổi kiểm tra về tình hình sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương mới đây: “Dù có những khó khăn trước mắt nhưng nông nghiệp sẽ là “cứu cánh” của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội trong mùa dịch bệnh COVID-19”.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Những nông dân thu nhập tiền tỷ

Thông qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình nông dân thu nhập tiền tỷ.

Những nông dân thu nhập tiền tỷ
Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang

Chiều 20/3, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 8/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho hơn 300 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phú Vang.

Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình kinh tế

Các cấp Hội Nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế thông qua việc phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân (HVND) tham gia các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình kinh tế
Return to top