ClockChủ Nhật, 05/04/2020 07:07

Rồi sẽ ổn...

TTH - Phải ngồi nhà tới tận bao giờ nữa đây, mới mấy bữa mà muốn mốc meo luôn rồi”.

Màu quê vương nắng xuân thìNỗi lòng của má

Đang cọ rửa cái bình gốm tròn phủ men xanh ngọc lâu nay để trong kho không xài tới, nhìn qua thấy Vân vò đầu bứt tai, anh an ủi: “Thôi coi như nghỉ tết bù, mấy bữa tết hai đứa đều có nghỉ được đâu. Với lại còn ngồi nhà là mừng rồi, chứng tỏ mình không đau, không bệnh”.

“Biết rồi, anh thật đúng là tình cảnh nào cũng trong khổ tìm vui được. Người bình thường bị té gãy một tay người ta kêu xui, nếu đó là anh thì anh cũng sẽ thấy không đến nỗi nào, ít ra tay kia vẫn lành lặn chứ gì?”.Vân hầm hừ.

Nghe vợ nói vậy, anh cũng chỉ cười.

Đôi khi Vân nghĩ, mình nên có khuôn mặt của một bà cô già, kiểu mặt nghiêm nghị, khó gần, ít nói ít cười, như vậy mới hợp với toàn bộ con người mình: Khó tính, kén ăn, hay bắt bẻ, hay để ý tiểu tiết. Có lúc nghĩ rồi nói ra, anh xoa xoa đầu Vân, nói không sao đâu, như vậy cũng có chỗ dễ thương, chớ không sao anh thương được hồi đó tới giờ. Với lại, nhờ cái tính kén và khó, làm gì cũng muốn tới nơi, làm cho ra tấm ra miếng của Vân mà nhà mới ra nhà, gọn đẹp ấm cúng, hai vợ chồng điều kiện thường thường cũng có thể ăn ngon mặc đẹp, chứ nếu cả hai đều tính tình sao cũng được như anh thì thôi rồi.

Vân liếc anh, nói, miệng ngọt như ri, hồi xưa chắc tán gái thần sầu, tán rụng xếp lớp từ đầu Đông sang đầu Tây luôn phải không?

“Có đâu,” anh chối liền. “Xưa tán có cô Huế kia mà chạy tới chạy lui gần hai năm trời. Một lần đủ tởn tới già”.

Vân tuy hừ một tiếng, trong mắt lại đong đầy ý cười. Hai năm anh theo đuổi Vân, hai người đều còn làm việc ở Sài Gòn, chỉ có hai lần anh theo Vân ra tới Huế khi Vân về quê ăn tết, vậy mà anh kể hoài, như thể anh đã làm nên công tích chi ghê gớm lắm, phải ngang ngửa mấy lần vượt nửa vòng trái đất hay lội núi băng rừng gì đó. Nhưng cũng nhờ hai lần “theo gái” đó, rồi mấy lần ăn tết quê vợ khi hai đứa đã lấy nhau, anh mới đồng cảm với Vân, thươngVân đứng ngồi không yên nhớ tết quê những năm hai đứa phải ở lại London vì không thu xếp được thời gian nghỉ đủ dài để về nhà. Người châu Á ở nước ngoài vẫn ăn tết.

Tết ở phố người Hoa có múa lân, có lồng đèn đỏ, trong siêu thị Việt có bán hoa đào, có khay mứt bày sẵn năm bảy loại, nhưng Vân nói tết không có người người nhà nhà cùng chờ đón cùng chuẩn bị, tết cũng không thực sự là tết. “Thèm là thèm hơi tết chứ ai thèm ăn thèm uống chi đâu nà,” Vân nói.

Từ gần tết tây, Vân cách mấy ngày lại nhìn lịch âm trên điện thoại rồi lẩm bẩm, đến tháng Chạp rồi, chắc mấy anh sắp xuống làng bàn chuyện góp tiền trong họ, rồi dặn o Đỏ để heo cho nhà mình. Giữa tháng, Vân ngồi lo mưa nhiều, không biết nhà đã phải lặt lá mai cho nở hoa kịp tết. Hoặc là, giờ chắc nhà bắt đầu chuẩn bị đồ tết rồi, đang làm cái ni cái kia. Dù chỉ một cú điện thoại là biết được chính xác, nhưng Vân cứ thích đoán. Khi nào thì may áo dài mới cho tụi cháu, khi nào thì bắt đầu làm bò ngâm nước mắm, khi nào làm kim chi, làm mấy thẩu cho những ai những ai, khi nào cả nhà hè nhau gói bánh chưng, khi nào chị Tần bắc mấy cái chảo lớn trên bếp gạch ngoài sân cùng lúc sên mứt dừa mứt bí đao mứt gừng rồi chiên đậu phộng da cá.

Tháng Ba, cây đâm chồi nảy lộc khắp nơi. Vân nói, nhìn nhớ mấy cây bàng ở Huế ghê, lúc mới trổ lá non lá cũng cỡ đồng xu ri nè, nhìn dễ thương. Anh tự nhiên nhớ cây bàng thật to bên bờ sông Hương chỗ anh ngồi uống cà phê chờ Vân dài cổ tết năm nào lâu lắc rồi. Vừa đúng lúc cây đầy lá non, nhìn tươi tắn như chính mùa xuân, làm anh thỉnh thoảng nhìn lên cũng đỡ sốt ruột. Khi đó chưa “cưa đổ”, đi tàu hỏa ra gọi điện hẹn gặp nhau Vân còn chưa chịu dắt anh về nhà, bắt anh ngồi quán cà phê chờ, anh ngồi cả buổi sáng, trời khi trong xanh lúc đầy mây xám, gió sông thổi qua anh run, cây bàng cũng run.

Xuân ở xứ lạnh đến muộn hơn, tết tới cây cối đa số đều trơ cành, đến cuối tháng Ba mới thấy màu xanh lục nhạt của lá non và màu hồng của hoa đào vừa hé nụ. Anh lấy cưa nhỏ ra vườn, cưa một cành mộc qua và một cành anh đào đầy nụ vô cắm vào cái bình mới lau rửa, cũng không hơ gốc thúc cho hoa nở sớm mà cứ để tự nhiên. Xong rồi anh nói, tết này đi làm, còn chưa ăn bánh chưng thịt kho gì hết Vân ơi, giờ cây có mùa xuân mình cũng ăn tết đi.

“Chính phủ khuyên ở nhà, không ra đường kìa, muốn ăn phải đi mua đồ mấy chỗ, lỡ dính bịnh ai nuôi”. Nói vậy, nhưng Vân cũng cầm điện thoại lên, không đến tận nơi lựa hàng thì mua qua mạng, qua điện thoại tạm vậy.

Năm nào đủ siêng, Vân sẽ vừa than “Ăn thì ăn chớ tết chi” vừa chuẩn bị đồ ăn chẳng khác gì ở nhà. Bò, heo ngâm nước mắm, kim chi kiểu Hàn Quốc, dưa món mặn, dưa món chay. Nhà không ai hảo bánh mứt, Vân chỉ sên ít mứt gừng cho anh uống trà, rồi làm bò khô. Mấy món ấy đều dễ, nguyên liệu đặt mua siêu thị đều có đủ, mất công nhất vẫn là bánh chưng.

Người Việt xa quê lâu, nhiều nơi mua đồ không tiện, cái khó ló cái khôn, người gói bánh bằng giấy nhôm, giấy nến, cột bằng dây gai nhỏ, người hấp nếp, xào nhân trước để đỡ thời gian luộc bánh, thành ra cái bánh chưng “sáng tạo” nhiều chỗ chỉ nhìn giống, và ăn hơi giống bánh chưng.

Vân tính cầu kỳ, không làm thì thôi, đã làm thì phải đủ lễ bộ. Vân ghé tiệm tạp hóa của người Việt tận bên Camberwell mua lá dong, lá chuối vận chuyển bằng đường hàng không, xấp lá đến nơi còn tươi rói. Lạt tre chẻ sẵn. Gạo nếp cái hoa vàng mua ở Longdan. Thịt ba chỉ mua ở tiệm người Hoa bên East Street. Thịt cắt thành dải dài, độ dày vừa phải, ướp gia vị vừa thấm.

Anh hay nói, nếu sau này thất nghiệp, hai vợ chồng cũng có thể mở tiệm bán đồ ăn, tết tới nhận đặt bánh chưng, đảm bảo bán chạy như tôm tươi. Vân nói, thôi đi ông, người không làm đâu có biết cực, làm ăn đã muốn xụi rồi còn đòi bán.

Vân gọi một vòng các siêu thị quen, người than các hãng hàng không cắt chuyến, hàng hóa lưu thông khó khăn, người nói dạo này lượng đặt hàng qua mạng nhiều, các hãng vận chuyển bận rộn, phải chờ lâu đó nghen. Cuối cùng, rồi hàng cũng gom đủ, đến khi Vân cắt bánh bày lên bàn cùng với dưa món và thịt kho Tàu, hai cành hoa anh cắm tuần trước cũng đã nở rộ.

“Chúc mừng năm mới!”. Chạm ly Coca của mình vào ly bia của anh, Vân nói.

“Chúc mừng năm mới!”. Anh cụng ly thêm lần nữa. Tết năm nay anh đi công tác, tuy hai vợ chồng có gọi điện chúc mừng nhau, nhưng anh biết Vân vẫn ít nhiều có chút buồn, phần nhớ tết quê phần vì nhà bên này chỉ có hai người, thiếu một người càng không có chút tết nào, bởi vậy Vân cũng coi như ngày thường, không chuẩn bị gì.

“Cầu quốc thái dân an”. Vân bỗng nhiên nói. “Ừ- anh gật đầu-Mong mọi người đều bình an”.

Những ngày này, tình hình thế giới trở nên căng thẳng bất thường vì dịch bệnh, anh cũng bất an. Sợ lây nhiễm, sợ công việc, thu nhập bị ảnh hưởng, sợ hỗn loạn, rồi lo lắng cho người thân của hai vợ chồng lẫn lo cho những người đang bị dịch bệnh đe dọa đến tính mạng, hay buồn lo khi đọc tin mỗi ngày thấy những con số thống kê đều tăng chóng mặt. Nhưng có lẽ, như cây rồi đều đợi được mùa xuân. Anh hy vọng, sức sống của con người cũng mạnh mẽ như vậy, sẽ vượt qua thời kỳ gian nan nhất dù sớm hay muộn.

Rồi sẽ ổn thôi. Nhất định sẽ ổn!

MẪN THỤC (London, Anh)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước về việc giữ lại chánh điện cũ hay hạ giải. Việc hạ giải cũng đồng nghĩa xóa sổ tuyệt tác này.

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”
Return to top