ClockThứ Ba, 09/02/2016 06:32

Rộn ràng chợ phiên Quảng Ngạn

TTH.VN - Chợ phiên Quảng Ngạn (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) không chỉ là một hoạt động thường niên trong những ngày Tết mà còn là nét văn hóa được địa phương này gìn giữ.

Sáng mồng 1 Tết, người dân ven phá chúng tôi lại í ới nhau đi chợ phiên Quảng Ngạn mua lộc đầu năm. Nhớ thời còn nhỏ, cứ sáng mồng 1 sau khi đưa chị em tôi lên chùa lễ Phật, ba lại chở chúng tôi về chợ phiên cho chúng tôi lựa chọn mỗi đứa một món đồ coi như quà Tết.

Ba tôi thường bảo “Mua hàng ở đây đầu năm, các con sẽ được may mắn suốt một năm dài”. Đó cũng là lý do vì sao dù nhà ở khá xa địa điểm tổ chức chợ phiên nhưng tôi luôn tranh thủ về quê vào đúng dịp xã Quảng Ngạn tổ chức chợ phiên, để chí ít cũng được đi chợ sắm một món đồ cầu may trong những ngày đầu năm.

Gian hàng đồ chơi thu hút nhiều khách tham quan mua sắm 

Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người dân trong vùng cũng có thói quen tương tự. Từ sáng sớm, người dân đã đưa những sản vật địa phương từ rau củ, cá, gà… đến những loại đồ chơi ra chợ bán. Người lại tranh thủ những ngày đầu năm đi mua sắm những loại nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày, hay đơn giản chỉ là du xuân ngắm không khí Tết.

Điểm khác biệt của phiên chợ đầu năm ở đây với những phiên chợ khác chính là về ý nghĩa của nó. Người bán không đơn giản muốn kiếm thêm thu thập và người mua cũng không chỉ để thỏa mãn nhu cầu mua sắm. Họ đến đây cùng với mục đích mua bán may mắn, cầu tài lộc đầu năm. Đó là lý do, người bán hàng ở đây không bao giờ nói thách, người mua cũng không bao giờ mặc cả.

Tuy nhiên, được bày bán nhiều nhất là cau trầu và đồ chơi trẻ em. Lý giải cho vấn đề trên ông Phan Văn Tuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn chia sẻ: Theo quan điểm của người xưa, đầu năm đi chợ mua cau trầu là mua tài lộc. Nhiều gia đình chở theo con nhỏ cho con khám phá những nét văn hóa bản địa vì lẽ đó, các loại đồ chơi trẻ em được các tiểu thương ở chợ bày bán khá nhiều. 

Nụ cười thường trực trên môi những người bán hàng

Ông Hồ Đăng Khải (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) tranh thủ ngày đầu năm đi thăm bà con cũng ghé qua chợ phiên cầu tài lộc. Ông kể: Vợ tôi không thích ăn đồ trữ tủ lạnh nên vào những ngày Tết khi các chợ khác đều đóng cửa, tôi lại phải chở vợ về đây đi chợ. Nghe nhiều người nói đi chợ này mua hàng hóa đầu năm sẽ có nhiều tài lộc nên tôi thấy rất vui khi đưa vợ con đi mua sắm.

Theo nhiều người dân địa phương trước đây, chợ phiên được tổ chức song hành với nhiều trò chơi dân gian như: bài vụ, bài chòi… Nhưng hiện nay, những trò chơi này đang dần dần mai một. 

“Chợ phiên có truyền thống cả trăm năm nay. Mỗi năm, cứ vào đúng mồng một Tết là người dân trong vùng lại tụ tập về đây để họp chợ. Dù chỉ hội họp trong 3 ngày nhưng chợ phiên thu hút hơn 10.000 khách đến mua sắm và du xuân. Chúng tôi đang phối hợp với huyện và các đơn vị liên quan phục hồi lại những nét đặc trưng, các trò chơi dân gian của chợ phiên xưa. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là diện tích đất họp chợ chưa được quy hoạch nên ngày càng bị thu hẹp, một số trò chơi dân gian gắn với chợ cổ truyền chưa được khôi phục và biến tướng khiến công tác duy trì và phát huy bản sắc chợ phiên gặp không ít khó khăn”, ông Phan Văn Tuyển chia sẻ.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top