ClockThứ Năm, 06/03/2014 04:33

Rùa đá Phú Lộc của đền Tùng Giang?

TTH - Khoảng hai mươi năm trước, một số cộng tác viên của bảo tàng thuộc Phòng Thông tin Văn hóa Huế từng về nghiên cứu rùa đá ở xóm Rùa thuộc huyện Phú Lộc. Tác giả Tiến Vinh trong bài “Bí ẩn rùa đá xóm Rùa” (Thừa Thiên Huế Cuối tuần, số 694, 9/5 đến 12/5/2013) đã cung cấp một số phát hiện mới ở xóm Rùa như đá kê cột, gạch ngói,… Để góp phần nghiên cứu giải mã bí ẩn rùa đá xóm Rùa ở Phú Lộc, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một giả thuyết.

Phải chăng ở xóm Rùa thuộc xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, gần Bệnh viện huyện Phú Lộc từng có Đền Tùng Giang, thờ Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục, xây dựng từ năm 1471, sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, dựng bia sự tích của thần năm Kỷ Mùi 1499, thời vua Lê Hiến Tông. Giả thuyết này dựa trên những cơ sở sau.

Di vật

Rùa đá xóm Rùa được tạc từ một tảng đá Thanh nguyên khối nên có khả năng hiện vật được tạc trước năm 1627 (năm mở đầu cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn) hoặc sau năm 1786 (Nguyễn Huệ ra Bắc phò Lê diệt Trịnh). Trên đầu rùa đội bia có chữ “vương”, chứng tỏ bia mà rùa đội ghi sự tích của một nhân thần được hoàng đế phong tước vương. Ở Thừa Thiên Huế, sau năm 1786 chỉ có hoàng đế Quang Trung, các hoàng đế triều Nguyễn, không thấy phong một vị nhân thần nào ở gần cửa Tư Khách (cửa Tư Hiền), tước vương. Trong khi đó, trước 1627 chỉ có các hoàng đế thời Lê sơ và Mạc. Vậy rùa đá phải được tạo tác vào thời Lê-Mạc (thế kỷ 15 - 16). Thời Lê Mạc không có một vị tước vương nào sống và làm việc ở Phú Lộc, ngoài Phi vận tướng quân Nguyễn Phục, trong đoàn quân thân chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1470 - 1471, bị trảm theo quân lệnh và sau đó được phong thần “Đông Hải đại vương”. Vậy chữ “vương” trên đầu rùa đá, đội bia ghi hành trạng của Đông Hải đại vương Nguyễn Phục.

Rùa đá trên đầu có chữ VƯƠNG

Ba tảng đá kê cột và nền xây bằng gạch vồ chứng tỏ ở xóm Rùa từng có công trình đền miếu với bộ khung gỗ. Riêng gạch vồ tạo tác bằng đất sét mịn, không có hồ vữa kết dính, mang phong cách gạch Chăm, có thể đoán định thế kỷ 15, 16, người Việt gốc Chăm ở Thuận Hóa còn nhiều. Những người thợ nung gạch xây đền có người Chăm với kỹ thuật truyền thống của họ.

Nhân vật lịch sử

Căn cứ vào chính sử, thần tích một số làng có đền thờ Đông Hải đại vương Nguyễn Phục, do các nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ, Lê Đức Kiên, Chu Đức Soàn, …công bố, có thể tóm lược thân sử của vị nhân thần này như sau:

Nguyễn Phục hay còn gọi là Phục Công, sinh năm 1434, quê xã Đoàn Tùng (sau đổi là Đoàn Lâm), huyện Trường Tân (nay là Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Năm 20 tuổi, ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Dậu niên hiệu Thái Hoà 11 (1453) đời vua Lê Nhân Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, kiêm Phó tả thị giảng (thầy dạy học cho vương tử). Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đưa đại quân đi đánh Chiêm Thành, giao cho ông giữ chức Đốc lương lo việc vận chuyển lương thực. Nguyễn Phục là thầy của Bình Nguyên vương Tư Thành thời Lê Nhân Tông, góp công đưa vương lên ngôi vua sau vụ tiếm ngôi của Nghi Dân. Khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông trọng dụng Nguyễn Phục, cử ngay Nguyễn Phục đi sứ nước Minh ba lần. Mặc dầu trọng dụng Nguyễn Phục nhưng vua Lê Thánh Tông thường viết dụ trách cứ, buộc tội cận thần Nguyễn Phục khá gay gắt. Điều này chứng tỏ có nhiều đồng liêu ghét ông nên gièm pha ông khi họ gần vua. Bi kịch xảy ra khi ông theo vua bình Chiêm năm 1470, thuyền lương qua cửa Tư Khách (Tư Hiền ngày nay) gặp bão, ông cố ý phạm quân luật để bảo vệ quân lương khi gặp bão, cho neo thuyền ở bờ phá Cao Đôi (phá Cầu Hai) để tránh bão. Ông bị phạm tội, người ta bắt ông đến bãi Nam (bán đảo Sơn Trà), chiếu luật bị hành hình, đến lúc nhà vua hối lỗi quyết tha tội thì ông đã bị trảm. Tương truyền trên đường rút quân, sau khi thắng lớn, đoàn thuyền gặp gió lớn, vua Lê Thánh Tông mộng thấy ông đến chầu vua và hứa phù trì đoàn quân về Thăng Long an toàn… Vua Lê Thánh Tông hối lỗi, quyết định phong Nguyễn Phục làm phúc thần.Vua cũng truyền chỉ địa phương nào ngày trước có công tích của Nguyễn Phục thì cho lập miếu đền để thờ thần. Về sau vua Lê Thánh Tông gia tặng, ban sắc phong ông làm Thần Đông Hải đại vương và dựng đền thờ cúng. Có 72 nơi lập miếu thờ nhân thần Nguyễn Phục.

Đền Tùng Giang trong Ô Châu cận lục

Ô Châu cận lục chép khá chi tiết về Đền Tùng Giang, ở cửa biển Tư Khách, tức cửa Tư Hiền ngày nay, chứng tỏ tác giả sách từng đọc tấm bia ở đền. Đặc biệt Ô Châu cận lục còn cho biết, người viết văn bia ở đền là quan huyện bản hạt có tên là Phạm Chính. Do trên bia có ghi năm dựng là Quý Mùi (1499), nên về sau có người nhầm lẫn vị nhân thần Nguyễn Phục đỗ tiến sĩ năm Quý Mùi. Ở cửa biển Đà Nẵng, nơi Phi vận tướng quân bị trảm, nhân dân còn lập miếu thờ, từng có mộ của Nguyễn Phục và các binh sĩ chết theo, sau khi con cháu cải táng về quê ở xã Đoàn Tùng, dân sở tại biến thành mộ vọng. Ở xã Dương Xuân xứ Bộ Hóa còn có miếu thờ Nguyễn Phục, nơi từng có bản doanh của quan Phi Vận, đóng quân để thu mua, sản xuất lương thảo.Trên bờ sông Hương và bờ phá Tam Giang, các nhà nghiên cứu từng phát hiện một số am thờ có bài vị Phi Vận tướng quân… Vì lẽ đó, nơi Phi Vận tướng quân cho đoàn thuyền lương dừng lại, tránh bão, gần cửa Tư Khách là địa điểm xóm Rùa hiện nay. Khu vực xóm Rùa vừa gần cửa Tư Khách, vừa kín gió tránh bão. Sau khi Nguyễn Phục bị trảm oan, nơi trú quân với lượng lương thảo lớn, các bộ tướng, binh sĩ và nhân dân đã lập Đền Tùng Giang.

Nên chăng các cơ quan hữu trách có kế hoạch khảo cổ học ở xóm Rùa, tìm tấm bia thất lạc, thám sát nền móng… nhằm kiểm chứng giả thuyết khoa học nêu trên.

Trần Viết Điền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top