ClockThứ Tư, 27/04/2016 13:58

Rừng dẻ Phú Hải đang bị xà xẻo

TTH - Bao đời nay khu rừng dẻ ở thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) như “lá phổi” xanh che chắn, điều hòa khí hậu cho con dân trong làng. Thắng cảnh quý hiếm này đang bị xẻ, mất đi từng ngày.

Những gốc dẻ bị cháy dần

Báu vật của làng

Cách trung tâm xã về phía nam hơn 2 cây số  là rừng dẻ thôn Phú Hải, một địa chỉ thiên nhiên ban tặng bao đời này của người dân xã Lộc Vĩnh với du khách gần xa mỗi khi về thăm cảng Chân Mây, biển đẹp Cảnh Dương. Lúc mưa gió giông bão, rừng dẻ là bức tường thành chống cát bay, cát nhảy, xói lở từ phía biển Cảnh Dương lấn vào; mùa hè nóng nực, nó là “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu mát mẻ cho dân làng.

Ông Trương Công Bằng, 76 tuổi, thôn Phú Hải tự hào, đi nhiều nơi nhưng hiếm ở đâu có rừng dẻ đẹp, dày như rừng dẻ Lộc Vĩnh. Ông cho biết, không rõ rừng dẻ có từ  bao giờ nhưng thời ông còn mặt quần cụt, ngóng chờ quà sau mỗi dịp mẹ đi chợ về đã thấy rừng dẻ này xanh tươi, trải dài một màu xanh bát ngát ở góc làng. Như lời bố ông kể, ngày trước làng xây dựng một giao ước bất di bất dịch không cho ai đặt chân vào chặt phá, săn bắt thú hoang ở rừng dẻ. Định lệ, 2-3 năm là mở cửa rừng khoảng 1 tuần để người dân vào vệ sinh khai thác lâm sản phụ; đến ngày lễ làng chỉ cho một tốp vào dùng lưới vây bắt thú để làm lễ vật. Nếu ai vi phạm, vào rừng chặt cây hay săn thú thì sẽ bị phạt một con lợn, một tạ nếp để làng “tạ lỗi” với rừng... Quy định nghiêm ngặt như thế nên hồi đó rừng dẻ này không bị phá mất một cây. Con dân trong trong làng xem đó là một báu vật, gia sản của làng truyền từ đời này sang đời khác nên gìn giữ bảo vệ.

Câu chuyện xưa của rừng dẻ Phú Hải, ông Bùi Ngọc Ga, người nhiều năm làm lãnh đạo địa phương cung cấp thêm, việc bảo vệ, rừng dẻ này được người dân đưa vào hương ước của làng từ thời vua Minh Mạng (1821-1840). Hồi đó, làng Phú Hải có tên gọi là phường Yên Xuân. Qua bao đời, rừng dẻ dù ít có giá trị về kinh tế, nhưng là báu vật phòng chống thiên tai, gió bão. Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, khu rừng dẻ là địa điểm che chở, trú ẩn  bộ đội. Kỷ niệm đáng nhớ chính là đoàn bộ đội C14 công binh trong thời kháng chiến chống Mỹ đã có nhiều trận đánh nhằm cắt chi viện của địch ra QL1A. Năm 1966-1967, dù quân Mỹ dùng chất độc hóa học hủy diệt rừng dẻ, phá nơi trú ẩn của quân, dân ta, nhưng sau đó rừng xanh tươi trở lại...

Mất dần

Trung tuần tháng 4, chúng tôi lại có dịp ghé thăm rừng dẻ Phú Hải. Thật không ngờ, khu rừng dẻ với bóng dáng xanh mát không còn như trước. Đập vào mắt tôi là những đám rừng loang lổ, cháy trơ gốc đen xịt kéo dài nằm bên tuyến đường nhựa xuôi về Lăng Cô. Thay vào đó là những cây tràm bắt đầu đâm chồi non - giống cây lấy gỗ hiện có giá trị kinh tế. Anh cán bộ xã vừa dẫn tôi đi vừa tiếc rẻ, rừng dẻ Lộc Vĩnh cứ mất dần theo thời gian. Rừng mất không phải do thiên tai, biển cuốn mà chính sự hám lợi của bàn tay con người...Vị cán bộ này bức xúc: “Không ai hết, một số người sở tại tham lam lợi dụng mùa khô, thời điểm vắng người đã tỉa hạ rừng dẻ rồi phi tang. Lúc này một vài cây, lúc khác vài ba cây để chiếm đất. Những cây rừng được giữ gìn từ ông cha giờ bị mất dần khiến bất kỳ ai hiểu biết về giá trị của nó cũng phải đau lòng”.

Theo cán bộ này thông tin, trước đây khu rừng dẻ có hơn 246ha kéo từ Cửa Khe, giáp thị trấn Lăng Cô đến Hói Bại, xã Lộc Vĩnh; trong đó, ngoài cây dẻ còn có nhiều phi lao, cây gỗ có giá trị đan xen như rỏi, kiền, bứa....Năm  2001, qua rà soát, lượng dẻ khu rừng này chỉ còn khoảng 115ha và tiến hành bàn giao cho cộng đồng thôn Phú Hải quản lý, theo quyết định của UBND tỉnh. Trong diện tích rừng dẻ, những năm gần đây đã giải phóng làm đường giao thông và chuyển giao cho 3 dự án xây dựng khu du lịch sinh thái hơn 20ha. Đến thời điểm này, khu rừng dẻ này chỉ còn lại 69ha. Ngoài ra, hơn 10 ha nằm cạnh rừng dẻ trồng phi lao, rừng quý như gõ, kiền bị đốn hạ để chiếm đất!.

Cán bộ này bức xúc, không hiểu sao dù trong thời gian này khu rừng dẻ đã có chủ là cộng đồng thôn Phú Hải quản lý, có thành lập đội bảo vệ gồm 60 thành viên tuần tra kiểm soát, bảo vệ, nghiêm ngặt...nhưng hàng chục ha rừng dẻ đã không cánh mà bay theo thời gian.

Đặt vấn đề này với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh chỉ diễn giải liệt kê một số diện tích rừng dẻ đã chuyển giao cho các chương trình dự án xây dựng khu du lịch và những trường hợp vi phạm rừng dẻ bị chính quyền xử phạt hành chính... Còn nguyên nhân xa hơn để diện tích rừng dẻ, rừng phi lao, rừng cây gỗ khác mất dần là “câu chuyện dài tế nhị” với vị Phó Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Bảo vì anh là cán bộ trẻ mới được giao việc.

Khi tôi rời khu rừng dẻ Lộc Vĩnh trở về, nhiều ý kiến ở địa phương đã tiếc nuối và mong muốn làm sao để cứu rừng dẻ Phú Hải. Không thể để phó thác cho những người vì lợi ích cá nhân mà làm mất dần báu vật của làng như bao năm qua.

Minh Văn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chôn cất xác cá voi trôi dạt vào bờ biển xã Lộc Vĩnh

Sáng 2/6, chính quyền địa phương và người dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc phát hiện một con cá voi trôi dạt vào bờ biển Cảnh Dương và đã chết nên tiến hành chôn cất theo phong tục truyền thống của địa phương.

Chôn cất xác cá voi trôi dạt vào bờ biển xã Lộc Vĩnh
Tình thương nơi vùng cát trắng

Đã ba năm nay, mỗi tháng, hàng chục con người già có, trẻ có tại Lộc Vĩnh (Phú Lộc) lại cùng nhau góp tiền để làm thiện nguyện.

Tình thương nơi vùng cát trắng
“Quê mới” không còn khó

Gần một thập niên trước, để nhường đất cho Công ty TNHH Laguna-Lăng Cô (Laguna Lăng Cô) hơn 110 hộ dân thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đã di dời đến vùng đất mới. Ngày đó họ gặp muôn vàn khó khăn nhưng bây giờ mọi thứ nơi đây đã đổi khác.

“Quê mới” không còn khó
VỀ 15 LÔ ĐẤT RỪNG CẤP CHO CÁN BỘ Ở XÃ LỘC VĨNH:
Yêu cầu kiểm tra, báo cáo sự việc

Từ phản ánh của một người dân ở xã Lộc Vĩnh liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phát hiện 24 ha đất rừng tại thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (nằm trong khu vực người dân phản ánh) được cấp cho 15 cá nhân là cán bộ cấp huyện trước đây (đa số đã nghỉ hưu).

Yêu cầu kiểm tra, báo cáo sự việc
Ân tình cho đi

Niềm vui của người lính già Nguyễn Minh Chiến, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) là làm việc làm “ích nước, lợi dân”.

Ân tình cho đi
Return to top