ClockChủ Nhật, 28/08/2016 15:08

Rừng kinh tế, có kinh tế?

TTH - Năm ngoái, đi thăm một “đại gia rừng” ở Phú Lộc (xin gọi là ông A) - nói như vậy vì ông sở hữu khoảng 80 ha, toàn ở vị trí đẹp. Nghĩa là đất đồi bằng phẳng, dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ khai thác.

Ở nhiều nơi khác, những người sở hữu 30 - 40 ha rừng không nhiều, nhưng cũng không hiếm. Tuy nhiên, nếu xem xét trong tổng số người sở hữu đất rừng, đây vẫn là một tỷ lệ cực nhỏ.

Thi thoảng đọc trên báo chí, thấy nêu gương người này người kia trồng rừng kiếm tiền cả hàng trăm triệu đồng/năm. Nghe thế, cứ tưởng rằng người nào trồng rừng cũng giàu, tỷ lệ giàu từ rừng cao. Nhưng kỳ thực không như thế.

Thời gian qua, nhu cầu gỗ dăm xuất khẩu cao, mỗi ha rừng ở những nơi thuận lợi có thể cho lợi nhuận chừng trên dưới 60 triệu đồng. Ví dụ như một người sở hữu 10 ha, đương nhiên họ thu lại lợi nhuận trên dưới 600 triệu trong một chu kỳ khai thác (thường là 4,5 – 5 năm)

Tỷ mẩn tính toán, 1ha rừng thu lợi nhuận 60 triệu đồng một chu kỳ, cứ tính tròn là 5 năm (cộng trừ 10%), nghĩa là mỗi năm lợi nhuận đưa lại trên dưới 10 triệu/ha.

Xét ở khía cạnh môi trường, mà lâu nay chúng ta hay đề cập là tỷ lệ “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” thì việc trồng rừng có ý nghĩa rất lớn. Nhưng xét ở khía cạnh khai thác tài nguyên đất đai, để đất sinh lợi, đây là một sự lãng phí .

Hàng chục năm trước, khi điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, chúng ta khuyến khích giao đất trồng rừng. Những người khai phá trồng rừng là những người tiên phong, chịu nhiều cực khổ, thiệt thòi, mặc dù có nhiều chương trình của Nhà nước và của nước ngoài tài trợ. Trong nước có Chương trình 327, quốc tế thì có chương trình trồng rừng của Nhật Bản tài trợ...  Qua một quá trình dài giao đất trồng rừng, thật ra những vùng đất trồng rừng thường là vùng hẻo lánh, khó khăn về thủy lợi, giao thông... nhưng đến thời điểm này, các điều kiện đã có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, cứ giữ nguyên những diện tích đất trồng rừng như trước đây là hết sức lãng phí về sử dụng tài nguyên đất đai.

Đến thời điểm này, khi thực hiện việc giao đất nông nghiệp lâu dài cho người dân, việc quy hoạch lại mục đích sử dụng đất không phải là một việc dễ dàng. Bởi người dân đã có quyền sử dụng đất nên người ta cũng có quyền trồng bất cứ cây gì trên mảnh đất mà họ được giao. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng tài nguyên đất đó hiệu quả, trong khi bây giờ, nhiều người muốn tiếp cận đất để sử dụng tài nguyên đất một cách hiệu quả lại rất khó khăn.

Đến đây lại nhớ câu chuyện sử dụng đất của một quốc gia 80% là núi đá, rất khan hiếm về đất trồng trọt nhưng lại có nền nông nghiệp phát triển, một quốc gia khai thác tài nguyên đất hiệu quả bậc nhất thế giới – Israel. Từ trong sự khan hiếm, họ đã phát minh ra nhiều công nghệ để khai thác tài nguyên đất đai hiệu quả, mà công nghệ cấy mô và tưới nhỏ giọt là 2 công nghệ tiêu biểu.

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nhưng tỷ lệ nhà đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Có lẽ là vì còn nhiều ngành đầu tư thuận lợi hơn, thời gian thu hồi vốn nhanh hơn nên nông nghiệp vẫn chưa được chú ý. Nếu tài nguyên đất đai được sử dụng một cách hiệu quả, chắc chắn đất nước ta sẽ bổ sung thêm một nguồn lực để phát triển.

Đi qua vùng đồi Lộc Sơn, Phú Lộc, thấy con kênh cấp I dẫn nước hồ Truồi chạy dọc trong veo, đường cũng thuận tiện, điện cũng thuận tiện; thấy nhiều diện tích người dân vẫn  trồng rừng tràm, chợt nghĩ, đất này có thể trồng nhiều loại cây khác sẽ có hiệu quả hơn trồng rừng. Người dân không làm được thì Nhà nước phải có những chính sách cho những vấn đề như thế.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Return to top