ClockThứ Bảy, 18/03/2017 05:41

Rừng phòng hộ ven biển bị xâm lấn

TTH - Nhiều cánh rừng phòng hộ ven biển ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh bị chặt phá hoặc nguy cơ sạt lở do tình trạng khai thác cát làm vật liệu san lấp, xây dựng…

Nguy cơ ảnh hưởng rừng cây chắn cát do khai thác cát “chui” ven biển ở xã Quảng Ngạn

Nguy cơ trong mùa mưa bão

Cánh rừng phi lao ven biển tại thôn Thai Dương Hạ Bắc (Hải Dương, Hương Trà) từ lâu là “lá chắn” cho hàng nghìn hộ dân trong khu dân cư ven biển. Rừng được các thế hệ người dân, các nhóm hộ, HTX trồng, quản lý trong mấy chục năm qua nhằm mục đích chắn sóng, chống cát bay, lấp.

Thời gian qua, trên địa bàn xã Hải Dương xảy ra khá nhiều vụ xâm lấn rừng phi lao ven biển mà đối tượng không ai khác chính là người dân sở tại. Từ ngày 12 đến ngày 13/3, tổ giữ rừng tại thôn Thai Dương Hạ Bắc phát hiện ông Phạm Thuận trú xã Hải Dương chặt phá hơn 40 cây phi lao gần 20 năm tuổi, đường kính mỗi cây từ 15-20cm trên diện tích 1.500m2. Vụ việc được báo cho chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm Hương Trà tiến hành lập biên bản, xử lý.

Nhiều gốc cây phi lao ở Hải Duong khá lớn, vết chặt còn mới

Tại hiện trường, theo ghi nhận của PV, hàng chục gốc phi lao với vết cưa còn tươi mới nằm la liệt. Số cây phi lao bị chặt phá tuy không lớn nhưng đã tạo một “khoảng trống” thông ra biển; ảnh hưởng khu dân cư trong các mùa mưa bão sắp tới. 

Trong biên bản làm việc với cơ quan chức năng, ông Phạm Thuận cho biết, từ năm 1999 gia đình ông có trồng rừng phi lao trên diện tích 9.000m2 với mục đích chắn sóng vào mùa mưa bão, chống cát bay cát lấp. Đến nay thấy rừng cây đã lớn, ông thuê người về chặt hạ, khoán giá 17 triệu đồng để có chi phí sửa nhà và trồng lại cây con trên diện tích vừa chặt.

Ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, số diện tích rừng phi lao bị chặt nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ ven biển nên tuyệt đối cấm khai thác.

Tại xã Quảng Ngạn (Quảng Điền), những ngày giữa tháng 3, nhiều chuyến xe đầu kéo loại nhỏ (chở khoảng 2-3m3 cát/chuyến) đang tấp nập khai thác cát biển tại Tỉnh lộ 22 (tuyến đường Quốc phòng cũ) đi qua địa bàn thôn Vĩnh Tu cùng xã. Những xe này ngang nhiên múc cát, cạnh rừng dương phòng hộ ven biển chạy dọc Tỉnh lộ 22 rồi về tập kết san nền cho một công trình xây dựng trên địa bàn xã. Chỉ trong khoảng 30 phút trưa ngày 14/3, chúng tôi đã ghi nhận 5 xe chở cát tấp nập vào “ăn” cát.

Từ điểm khai thác cát “chui” ven tỉnh lộ này, có từ 4-5 người chực sẵn để múc cát. Cạnh đó, rừng cây chắn cát bay, cát lấp ven biển đang bị “đe dọa” vì việc khai thác cát nguy cơ dẫn đến sạt lở, làm “hỏng chân” rừng cây. Cũng từ ngã ba thôn Vĩnh Tu, theo những xe này, mới biết việc múc cát “chui” đang phục vụ san nền cho công trình nhà văn hóa của thôn Vĩnh Tu. Ghi nhận tại hiện trường, công trình này khá lớn, cho thấy lượng cát bị lấy đi khá nhiều.

Khó xử lý

Việc phát triển ồ ạt nhiều trang trại chăn nuôi lợn, bò trên vùng rú cát xã Điền Hòa (Phong Điền) không chỉ gây ô nhiễm môi trường biển, khu dân cư mà còn tạo nguy cơ uy hiếp nhiều cánh rừng phòng hộ, rừng chắn cát ven biển. Ở những khu đất này, mặc dù đã có phê duyệt chi tiết quy hoạch khu chăn nuôi tập trung của UBND huyện Phong Điền nhưng chưa có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền, UBND xã Điền Hòa đã tự ý cho các đơn vị HTX, cá nhân xây dựng nhiều trang trại quy mô lớn.

Ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, toàn xã có hơn 188 ha rừng phòng hộ ven biển, được các nhóm hộ, HTX trồng và quản lý qua nhiều năm. Thời gian qua, xảy ra khá nhiều vụ người dân xâm lấn rừng phòng hộ ven biển, quy mô nhỏ chỉ một vài cây. Riêng vụ việc chặt hơn 40 cây phi lao của hộ ông Phạm Thuận là lớn nhất từ trước đến nay. Để quản lý rừng phòng hộ, UBND xã cũng đã lập tổ giữ rừng do trưởng thôn làm tổ trưởng.

“Hiện nay công tác quản lý, xử lý vi phạm chặt phá rừng phòng hộ khó khăn bởi đây đa số là diện tích rừng phi lao của người dân tự trồng khoảng 20 năm trước. Đến năm 2006, diện tích trên được đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ ven biển, nhiều hộ dân đã bỏ công ra trồng, chăm sóc nhưng đến nay không được khai thác thì cũng khó cho bà con. Nhiều lần địa phương đã kiến nghị lên cấp trên, Nhà nước cần cấp kinh phí đền bù, hỗ trợ cho người dân, khi đó giao phi lao về cho địa phương quản lý thì dễ dàng hơn”, ông Hướng nói.

Cũng theo ông Hướng, quy định người dân muốn khai thác thì chỉ cho phép chặt từ 1-3 cây, phải thông báo cho UBND xã để thẩm định và hạt kiểm lâm cấp giống mới trồng lại trên diện tích đã khai thác. “Tuy nhiên, địa phương quản lý rừng nhưng cũng “nặng tình” với người dân vì trước đây là rừng do họ trồng. Do vậy, việc quản lý, xử lý khi có vi phạm khó quyết liệt được”, ông Hướng giải bày.

Ông Nguyễn Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn cho hay, việc khai thác cát biển phục vụ san lấp nền làm sân bóng, khu vui chơi tại Nhà văn hóa thôn Vĩnh Tu địa phương có nắm rõ và đã ngăn chặn không cho khai thác cát nữa. “Đây là công trình văn hóa thôn, khi triển khai xây dựng ban điều hành thôn có xin phép chính quyền lấy cát. Thấy “chỉ lấy vài xe” nơi khu vực đồi cao để phục vụ công trình xây dựng trên địa bàn nên xã cũng đã “tạo điều kiện”. Khi biết khai thác nhiều, nguy cơ ảnh hưởng đến rừng chắn cát nên địa phương cũng đã cấm”.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ sáng 9/4 tại buổi làm việc với các cơ quan, địa phương về việc triển khai thực hiện Thông báo kết luận 552-TB/TU ngày 11/12/2023 xây dựng lịch sử làng thông qua việc xây dựng địa chí làng.

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng
Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề

Bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Huế như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, sinh thái... thì du lịch làng nghề đã và đang trở thành hướng đi triển vọng và thu hút khách.

Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Khai thác thị trường xuất khẩu rau, quả khu vực châu Á

Thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Trung Đông còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu rau, quả Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường và đảm bảo nguồn cung chất lượng.

Khai thác thị trường xuất khẩu rau, quả khu vực châu Á
Khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe

Sau quá trình nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, Thừa Thiên Huế sẽ đưa vào khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe một cách bài bản để thu hút khách trong và ngoài nước.

Khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe

TIN MỚI

Return to top