ClockThứ Sáu, 29/04/2016 05:26

Rừng trồng “đổi phận”

TTH - Từ những vùng đồi núi trọc, hoang sơ ngày nào, giờ đây đã được chính con người “gầy dựng” trở thành cánh rừng xanh bạt ngàn, “đơm hoa kết trái”, không chỉ tạo “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường sinh thái mà còn làm đổi thay biết bao phận người.

“Sỏi đá thành cơm”

Đi giữa những cánh rừng keo ở Lộc Bổn (Phú Lộc) trong buổi trưa oi ả tôi vẫn cảm thấy dịu mát bởi một màu xanh ngắt. Ít ai ngờ rằng cách đây mấy chục năm, nơi đây từng là vùng đất hoang sơ, không bóng người qua lại. Giờ đây, “vùng đất chết” ấy đã biến thành những cánh rừng keo, làm đổi thay biết bao phận nghèo.

Trồng rừng ở Lộc Bình (Phú Lộc)

Sau ngày đất nước thống nhất, cũng như bao hộ ở địa phương, ông Nguyễn Hữu Cường ở xã Lộc Bổn luôn trăn trở, tìm hướng làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Ông Cường nhớ lại: “Hồi đó, bà con chỉ biết trồng khoai, sắn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, hầu như không ai nghĩ đến chuyện trồng rừng kinh tế. Khi Nhà nước có chủ trương, vận động người dân tham gia trồng rừng phát triển sản xuất, tạo màu xanh cho những vùng đồi góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, một số hộ mới bắt đầu nhận đất trồng rừng”. Việc khai hoang trên vùng đất khó để sản xuất, canh tác lúc này là điều không dễ. Nhưng ông Cường luôn nghĩ: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Suốt mấy tháng ròng rã, cả gia đình ông Cương gồm 6-7 người, ngày nào cũng bám đất, bám đồi phát quang, đào hố… Gian khó rồi cũng qua đi, mấy ha rừng keo tràm của ông Cường bắt đầu xanh tốt.

Cùng thời điểm, các hộ Nguyễn Tùy, Nguyễn Thêm… ở Lộc Bổn cũng khai hoang, trồng cả chục ha rừng keo tràm. “Điều bất ngờ đối với chúng tôi là những cánh rừng keo “bén duyên” với “vùng đất khó”, phát triển rất nhanh, chỉ vài năm đã xanh tốt. Đây là động lực để các hộ mạnh dạn nhận thêm đất mở rộng diện tích rừng trồng”, ông Nguyễn Thêm chia sẻ. Chừng chục ha ban đầu, chỉ 5-7 năm sau ở Lộc Bổn có gần cả trăm ha keo gần đến kỳ thu hoạch. “Ngặt nỗi, lúc này chưa có các cơ sở thu mua, chế biến nên gỗ keo tràm rất khó bán, giá lại thấp. Nhưng chúng tôi vẫn luôn đặt niềm tin vào chủ trương, vận động của chính quyền địa phương nên không nản chí, vẫn tiếp tục mở rộng diện tích rừng”, ông Tùy tiếp lời.

Cách đây hơn mười năm, một loạt cơ sở, đại lý thu mua, chế biến gỗ rừng trồng lần lượt ra đời, mở ra vận hội mới cho người dân. Đầu ra lúc này thuận lợi, giá gỗ lại cao và ổn định nên hầu hết các hộ trồng rừng đều có nguồn thu nhập khá lớn… Mô hình trồng rừng kinh tế từ đó trở thành phong trào phổ biến rộng khắp toàn tỉnh, từ các vùng gò đồi Hương Thủy, Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà đến vùng cao Nam Đông, A Lưới. Các hộ tiên phong trồng rừng, điển hình như ông Nguyễn Hữu Cường, Nguyễn Thêm, Nguyễn Tùy ở xã Lộc Bổn, Trần Xuân Tâm ở xã Lộc Sơn (Phú Lộc); Đoàn Phước Hóa ở xã Hương Lộc (Nam Đông), Ngô Thị Cúc ở Bình Thành (TX Hương Trà)… có từ vài chục đến vài trăm ha keo. Từ diện nghèo của địa phương, các hộ này đều có nguồn thu từ 100 triệu đến cả tỷ đồng/năm nhờ bán gỗ rừng trồng.

Sức lan tỏa

Các vùng đồi núi trọc, hoang sơ trên địa bàn tỉnh giờ đây đã phủ xanh những cánh rừng keo tràm. Ngay sau khi khai thác những diện tích đến kỳ thu hoạch, người dân lại tiếp tục trồng mới, không để “đất nghỉ”. Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nam Đông, không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của người dân. Ông Son phân tích: “Nếu chỉ dựa vào trồng cây ngắn ngày thì may ra chỉ đủ ăn, không thể khá giàu. Trồng cao su cũng đang gặp khó vì giá rất thấp, khó bán. Giờ đây chỉ có trồng rừng là ổn định kinh tế, tạo cơ hội cho người dân vươn lên làm giàu”.

Khi mới triển khai thực hiện chủ trương trồng rừng kinh tế, người dân Nam Đông không mấy mặn mà, nhưng nay trên địa bàn huyện Nam Đông có hơn 4.500 ha rừng kinh tế, với gần 1.000 hộ trồng. Ông Son cho rằng, sự đổi thay nhanh chóng của huyện miền núi Nam Đông hôm nay một phần nhờ trồng rừng kinh tế. Với những hộ trồng chục ha rừng trở lên đều khá giả, vươn lên làm giàu. Những hộ trồng vài ha đến dưới 10 ha đều thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phong Điền đánh giá, kinh tế rừng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ngay từ khi có chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chính quyền địa phương vận động người dân tham gia trồng rừng. Mấy năm gần đây, mỗi năm trồng khoảng 1.000 ha rừng, đến nay diện tích rừng kinh tế toàn huyện trên 4.000 ha; mỗi năm cho khai thác khoảng 500 ha, doanh thu 35-40 tỷ đồng. Hầu hết các hộ trồng rừng ở các xã vùng gò đồi Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn đều thoát được nghèo, vươn lên khá giả, nhiều hộ có cơ hội làm giàu.

Ông Nguyễn Hữu Huy, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng-Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh đến nay trên 61 ngàn ha, bình quân mỗi huyện, thị xã từ 4.000 ha trở lên. Mỗi năm, diện tích rừng cho khai thác từ 3.000-4.000 ha, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng. Các cơ sở thu mua, chế biến gỗ xuất khẩu có doanh thu khá lớn, đạt hàng chục triệu USD. Từ khi phong trào trồng rừng phát triển mạnh đã có thêm nghề khai thác, vận chuyển, bóc vỏ gỗ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, có thu nhập quanh năm với mức trên dưới 250 ngàn đồng/ngày.

Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, những năm qua, các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất thành công giống keo hom chất lượng, với nhiều ưu điểm. Gần đây, Công ty TNHHNN 1TV Lâm nghiệp Tiền Phong nghiên cứu, sản xuất thành công giống nuôi cấy mô với hơn 1 triệu cây. Năng suất gỗ rừng trồng nuôi cấy mô đạt 35m3/ha/năm, so với keo hom chỉ 20-25m3/ha/năm. Công ty đang tiếp tục nhân giống để cung ứng nhu cầu thị trường.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng

Năm 2023, ngành lâm nghiệp đánh dấu cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.

Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng
COP28 thúc đẩy tài chính và đoàn kết toàn cầu vì rừng và Đại dương

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), Chủ tịch COP28 và các đối tác đã trình bày một loạt sáng kiến mới và đầy tham vọng với khoản tài chính cam kết ban đầu trị giá 1,7 tỷ USD để cùng lúc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học.

COP28 thúc đẩy tài chính và đoàn kết toàn cầu vì rừng và Đại dương
5,609 triệu USD cho giảm phát thải từ rừng

Mới đây, 10,3 triệu tấn carbon dioxide giảm phát thải từ rừng, tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng đầu tiên của Việt Nam đã nhận được chi trả 80% tổng kinh phí, tương đương hơn 41 triệu đô la Mỹ.

5,609 triệu USD cho giảm phát thải từ rừng
Return to top