ClockThứ Ba, 12/09/2017 13:21

Rừng trồng FSC không lo đầu ra

TTH - Trồng rừng gỗ lớn theo chuỗi giá trị, có chứng chỉ rừng, quản lý rừng bền vững (FSC) là hướng đi tất yếu, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng trước yêu cầu hội nhập.

Cơ quan chức năng kiểm tra rừng FSC tại xã Lộc Bổn

Bước đi ban đầu

Ông Hồ Đa Thê ở khu tái định cư (TĐC) Bến Ván, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) tỏ ra hào hứng khi tham gia trồng rừng theo chuỗi giá trị được cấp chứng chỉ FSC.

Rừng trồng của ông Hồ Đa Thê được dự án WB3 cấp chứng chỉ FSC cách đây hơn 4 năm, đến năm 2015 cho thu hoạch lần đầu tiên 3 ha gỗ lấy ván thu về gần 1 tỷ đồng và bán gỗ dăm gần 70 triệu đồng. Ông Thê nhẩm tính: “Gỗ rừng trồng 5 năm cho thu hoạch chỉ đạt bình quân 85 tấn/ha, có trị giá từ 80-100 triệu đồng/ha; còn rừng trồng 7-8 năm có chứng chỉ FSC đạt trên 200 tấn/ha. Chất lượng gỗ cao hơn, đồng nghĩa giá trị kinh tế cao hơn, có giá 250-300 triệu đồng/ha. Lợi nhuận rừng có chứng chỉ FSC cao hơn rừng trồng bình thường từ 85-100 triệu đồng/ha”.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Đổng ở khu TĐC Bến Ván thu hoạch hơn 1 ha rừng trồng có chứng chỉ FSC, sản lượng đạt gần 300 tấn, bán được 300 triệu đồng. Điều mà ông Đổng cũng như gần 60 hộ dân ở Bến Ván tham gia chứng chỉ FSC là thời gian trồng rừng kéo dài nên có nguy cơ rủi ro do bão gây ra. Tuy nhiên, điều này đã được đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm cam kết mua hết số gỗ bị gãy đổ với giá như cam kết.

Người dân Bình Thành chăm sóc rừng trồng FSC

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Võ Văn Dự cho rằng, sản xuất, kinh doanh rừng trồng gỗ lớn theo chuỗi giá trị là định hướng trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển rừng bền vững. Trong đó, trồng rừng  gỗ lớn có chứng chỉ FSC quy mô nhóm hộ, nông hộ là cơ hội để sản phẩm gỗ rừng trồng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ sở để gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế hộ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát huy hiệu quả rừng trồng FSC, được  Tổng cục Lâm nghiệp hỗ trợ về nguồn giống và phân bón, năm 2016, Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh đã triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. Nguồn giống được tuyển chọn từ Công ty Đồng Tiến và Công ty Lâm nghiệp miền Trung đóng trên địa bàn tỉnh. Chi cục vận động 36 hộ tham gia trồng 55 ha, tập trung tại huyện A Lưới 25 ha và TX.Hương Trà 30 ha. Kiểm tra thực địa cho thấy, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Cùng thời điểm, CCKL và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Dự án Mây- Tre- Keo bền vững (SBARP) và Công ty Scansia Pacific (SP) triển khai kế hoạch quản lý rừng bền vững theo hướng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn, có chứng chỉ FSC.

Cuối năm 2016, Đoàn Tư vấn đánh giá Quốc tế (GFA) đã khảo sát và công nhận, cấp chứng chỉ FSC cho gần 1.000 ha của 14 nhóm hộ (241 hộ) tại 11 xã, phường thuộc các huyện: Phong Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Trà, Hương Thủy. Riêng Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong được cấp chứng chỉ FSC với 3.096 ha rừng trồng.

Nhiều ưu đãi

Từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Thuận lợi lớn là mới đây, UBND tỉnh ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng gỗ lớn theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các hộ tham gia sản xuất  được hỗ trợ 50% giá cây giống với diện tích tối thiểu 2 ha, nhưng tối đa không quá 4 triệu đồng/ha và 50 triệu đồng/dự án.

Ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, từ năm 2017 đến 2020, toàn tỉnh sẽ phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn lên 13 ngàn ha, riêng rừng có chứng chỉ FSC khoảng 6.000 ha. Năm 2017, toàn tỉnh có 497 hộ đăng ký tham gia trồng 2.025 ha, nâng tổng số rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC của các hộ dân đến nay lên 3.000 ha và trên 3.000 ha của Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong. Các hộ đã thành lập 20 nhóm hộ và 14 chi hội trồng rừng gỗ lớn để quản lý, khai thác.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, đại diện Công ty SP cho biết, đơn vị đã cam kết thu mua toàn bộ sản lượng gỗ rừng trồng của các nhóm hộ tham gia chứng chỉ FSC giai đoạn 2016-2020. Loại gỗ có đường kính từ 13cm trở lên có chứng chỉ FSC được công ty thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 15-20%. Nếu xảy ra rủi ro, thiên tai làm đổ gãy, công ty vẫn thu mua gỗ với giá đã cam kết, tuyệt đối không ép giá.

Các hộ gia đình gặp khó khăn khi kéo dài tuổi rừng để kinh doanh gỗ lớn, Công ty SP cam kết cho vay vốn để đầu tư chăm sóc, đối với rừng 4 năm tuổi trở lên được vay 4 triệu đồng/ha/năm với lãi suất 2%/năm. Công ty sẽ thu hồi vốn và lãi khi chủ rừng thu hoạch sản phẩm và bán cho đơn vị.

Các chủ rừng tham gia chứng chỉ FSC còn được trang bị kiến thức về quản lý rừng bền vững, kỹ thuật lâm sinh, an toàn lao động và được trang bị bảo hộ lao động khi khai thác, tỉa thưa do dự án SBARP tài trợ.

Ông Thắng thông tin, Công ty CP thuộc Tập đoàn SCANSIA (TP. Hồ Chí Minh) có chi nhánh đóng tại Phú Bài, TX.Hương Thủy. Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về phát triển cây gỗ lớn, phát triển rừng bền vững, tập đoàn thu mua gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC để sản xuất sản phẩm gỗ có chứng chỉ.

Nhu cầu về gỗ tròn có chứng chỉ FSC của tập đoàn phục vụ sản xuất từ 80 - 100 ngàn m3/năm. Riêng tại Thừa Thiên Huế, nhu cầu của chi nhánh tại Phú Bài và một số nhà máy liên kết khai thác trên địa bàn tỉnh năm 2016 có tổng nhu cầu 20 ngàn m3 gỗ tròn và từ 2017-2020, mỗi năm khoảng 40 ngàn m3 gỗ tròn có chứng chỉ FSC. 

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng chất lượng đầu ra để tăng tỷ lệ có việc làm

Tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường của sinh viên chính là “thước đo” quan trọng nhất để khẳng định chất lượng đào tạo. Đây cũng là yếu tố quyết định thu hút người học của các cơ sở đào tạo đại học.

Nâng chất lượng đầu ra để tăng tỷ lệ có việc làm
Giống cho rừng trồng

Có nhiều cơ sở kinh doanh giống cây lâm nghiệp có chất lượng, nhưng người dân khó tiếp cận do giá cao, bình quân 2.500 đồng/cây. Vì vậy, việc người dân sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc với giá thấp khoảng 1.000 đồng/cây, đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh rừng, nhất là mục đích kinh doanh rừng gỗ lớn.

Giống cho rừng trồng
Xử phạt 780 triệu đồng 3 đối tượng trốn thuế

Ngày 29/8, Tòa án Nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử 3 đối tượng Nguyễn Thị H. (SN 1978), Lê Ngọc T. (SN 1976, là vợ chồng, cùng trú huyện Phong Điền) và Nguyễn Đăng S. T. (SN 1985, trú tại huyện Phong Điền) về hành vi trốn thuế.

Xử phạt 780 triệu đồng 3 đối tượng trốn thuế
Chuyển hóa rừng gỗ lớn, FSC

Tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn đối với loài keo để đa dạng hóa sản phẩm gỗ rừng trồng, kết hợp vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh rừng trồng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC để gia tăng giá trị sản phẩm là ưu tiên hiện nay của tỉnh.

Chuyển hóa rừng gỗ lớn, FSC

TIN MỚI

Return to top