ClockThứ Sáu, 10/07/2015 22:33

Rừng tự nhiên ở Dương Hòa đang bị xâm hại

TTH - Gần đây, ở xã Dương Hòa (TX Hương Thủy) rộ lên tình trạng đốn hạ hàng chục ha rừng tự nhiên để trồng keo.

Mất đến vài giờ đi bộ theo tuyến đường Ông Lâm, đất đá gồ ghề, đồi dốc quanh co dài chừng 5km, chúng tôi đến một khu rừng thuộc tiểu khu 165, xã Dương Hòa, nơi theo người dân phản ánh đang xảy ra tình trạng chặt phá rừng. Cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là nhiều cây rừng tự nhiên bị đốn hạ bằng cưa máy, nằm ngổn ngang. Phần lớn cây rừng có chiều cao khoảng chục mét, đường kính tầm từ 10 cm đến vài chục cm, chủ yếu là gỗ sao, chò, lim… Nhiều cây gỗ dấu cưa đã cũ, nhưng cũng có cây xem chừng mới bị hạ gần đây. Ngoài ra, trên đường chúng tôi còn bắt gặp nhiều thân cây gỗ đã bị cưa ngắn chất thành đống, nằm ngổn ngang.

Cây đốn hạ, nằm ngổn ngang

Phản ánh của người dân Dương Hòa, tình trạng chặt phá cây rừng ở đây bắt đầu diễn ra từ đầu năm 2015, cao điểm vào khoảng tháng 2, tháng 3 và mới đây nhất khoảng 20 ngày đến một tháng. Rảo khắp khu rừng bị tàn phá, chúng tôi bắt gặp một số cây gỗ lim, gỗ gõ cỡ chừng một đến hai người ôm cũng bị đốn xuống. Phần gốc cây gỗ cháy đen nên không xác định được thời gian tàn phá từ bao lâu. Cây tự nhiên sau khi bị đốn hạ, khu rừng bị đốt cháy, thay vào đó là những cây keo vừa mới trồng, cao chừng hơn gang tay…

Trở về từ khu rừng bị tàn phá, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo chính quyền xã Dương Hòa để tìm hiểu sự việc. Khi hỏi có hay không tình trạng đốn hạ rừng tự nhiên để trồng keo thì chúng tôi nhận được câu trả lời từ ông Lê Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa là không có. Công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương được triển khai thường xuyên và nghiêm túc (!?)…

Cây tự nhiên bị đốn hạ

Ông Lê Văn Thức cho biết, trên địa bàn xã Dương Hòa có 27 tiểu khu rừng, trong đó UBND xã được giao quyền quản lý, sản xuất gồm các tiểu khu 162, 163, 164, 165, 168, 169. Nói là quản lý, bảo vệ nghiêm túc, nhưng ông Thức lại thừa nhận tại tiểu khu 162 cũng từng bị người dân lấn chiếm 53,3 ha thuộc vùng đệm để trồng keo. Điều đáng nói, thời điểm người dân lấn chiếm diễn ra trong 2 năm, từ 2011 đến 2012 chính quyền địa phương mới phát hiện. Tuy nhiên, ông Thức cho rằng, diện tích bị lấn chiếm chưa xác định được ranh giới giữa xã Dương Hòa hay Hương Thọ (TX Hương Trà). Theo sử dụng tọa độ quân sự VTM thì diện tích bị lấn chiếm là của Dương Hòa, còn theo tọa độ VN 2000 là của Hương Thọ (?).

Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Văn Thùy, cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Dương Hòa lại thừa nhận, qua kiểm tra mới đây, phát hiện có tình trạng người dân đốn hạ cây rừng ở tiểu khu 165 để trồng keo, có hộ đến “khai phá” cả trăm ha. Tại khu rừng này có cả các loại cây tự nhiên như gõ, lim, chò, sao… Theo ông Thùy, người dân chỉ được trồng keo trên những diện tích thuộc rừng sản xuất, được UBND thị xã Hương Thủy giao cho UBND xã Dương Hòa cấp cho người dân quản lý, khai thác. Tuy nhiên, tại khu rừng thuộc tiểu khu 165 bị tàn phá mà chúng tôi ghi nhận được, cũng như ông Thùy cho biết là khu rừng có rất nhiều loại cây tự nhiên, trong đó có cả các nhóm gỗ quý như lim, gõ, chò, sao… Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó phòng Quản lý - Bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Theo quy định, các khu rừng được xác định là rừng sản xuất, được trồng keo thì không có rừng tự nhiên, hoặc là rừng nghèo kiệt, không có các nhóm cây gỗ quý.

Ông Châu Văn Thùy thông tin thêm, tại tiểu khu 168 có khoảng 43 ha rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Thủy quản lý - cũng bị một nhóm hộ dân ở xã Dương Hòa chặt phá, lấn chiếm để trồng keo. Đến nay, người dân đã trồng và thu hoạch hai vụ tại khu rừng tự nhiên này. Các trường hợp trên đang được cơ quan chức năng tiến hành soát xét lại và xử lý theo quy định. Cũng tại tiểu khu 168 có hơn 655 ha rừng sản xuất, theo Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa Lê Văn Thức thì chính quyền địa phương đã cấp sổ đỏ cho dân quản lý, khai thác trồng rừng kinh tế. Nhưng khi chúng tôi hỏi rừng sản xuất tại tiểu khu này được cấp cho bao nhiêu hộ, mỗi hộ được cấp bao nhiêu ha thì ông Thức bảo rằng không rõ (!?). Theo phản ánh của nhiều người dân xã Dương Hòa, thì việc chính quyền địa phương cấp đất trồng rừng không công bằng, người có người không, hoặc người thì quá nhiều, người khác lại ít đã gây bức xúc đối với người dân.

Từ những ghi nhận trên cho thấy, tình trạng lấn chiếm đất rừng, chặt rừng tự nhiên để trồng keo tại xã Dương Hòa đang diễn ra một cách công khai, phức tạp. Cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, xử lý!

Bài, ảnh: Hoàng Triều-Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần nên nhu cầu đặt vé tàu lửa, máy bay để đi du lịch hay về quê hiện nay khá chộn rộn. Dịp lễ năm nay được nghỉ liên tục 5 ngày nên nhiều người có kế hoạch đặt mua vé sớm với hy vọng để “săn” vé giá rẻ.

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm

Ngày 19/4, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền tiếp nhận một cá thể trăn đất quý, hiếm của một người dân tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm
Return to top