ClockThứ Hai, 09/08/2021 06:30

Sẵn sàng các phương án tựu trường

TTH - Ngót nghét 1 tháng nữa là đến ngày tựu trường, nhưng ngành giáo dục vẫn còn bao bộn bề. Dịch bệnh chưa được khống chế, nhất là khi trên 70% cơ sở trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung.

Chuẩn bị các phương án đón học sinh trong ngày tựu trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)

Đã có khá nhiều trường kích hoạt làm điểm cách ly. Nhiều nơi chọn trường mầm non và tiểu học làm khu vực cách ly, bởi cơ sở vật chất khang trang hơn khi có tổ chức bán trú và nhà vệ sinh khép kín. Tất nhiên, các trường khi được huy động sử dụng làm địa điểm phòng, chống dịch đều lập nội quy cách ly cụ thể, đảm bảo theo các quy định. Vấn đề đặt ra là, liệu sau khi các cơ sở giáo dục được làm địa điểm cách ly có kịp trả lại nguyên hiện trạng cho các trường khi năm học mới sắp bắt đầu?

Ông Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng cho biết, trường đã bố trí 20 phòng học làm khu cách ly tập trung cho bà con. Sau khi hoàn thành cách ly trường sẽ khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trạng và có phương án sửa chữa, khắc phục cơ sở vật chất nếu hư hỏng, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh, an toàn phòng, chống dịch để đón học sinh đến trường theo kế hoạch.

Thời điểm này, nhiều giáo viên không đến trường. Các trường đã tổ chức linh hoạt khi họp hội đồng sư phạm phân công nhiệm vụ thực hiện kế hoạch năm học mới; tập huấn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới... Mọi hoạt động trong thời điểm này chủ yếu ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả trong quản lý, dạy và học.

Vẫn còn thời gian để chuẩn bị và không ít giáo viên “đứng tuổi” chia sẻ, đã chủ động tiếp cận bài giảng bằng công nghệ thông tin để sẵn sàng dạy học online nếu dịch bệnh kéo dài. Cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc để tiếp cận với công nghệ số cũng đã được các trường tính toán. Lẽ dĩ nhiên, phải “liệu cơm, gắp mắm”, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa.

Ngay cả chuyện học online, không phải học sinh nào cũng tiếp cận được với các hình thức học tập trên. Không loại trừ nguyên do gia đình không có điều kiện như không có điện thoại thông minh, máy tính, tivi để kết nối mạng internet… Thế nên, phương án hỗ trợ các em trong mùa dịch cũng được bàn đến để không có sự chênh lệch về kiến thức giữa học sinh với nhau, đặc biệt là những em thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn. Thêm thông tin giúp phụ huynh yên tâm, năm học 2021-2022, học phí ở các cấp học vẫn giữ nguyên như nhiều năm trước.

Có rất nhiều nỗi lo của giáo viên chủ nhiệm. Tôi đọc được điều đó khi suốt mùa hè nhiều cô chạy đôn, cháy đáo để xin nguồn hỗ trợ cho học sinh nghèo. Nhiều cô lo lắng, thời điểm này phải theo sát các em, nhất là học sinh trung học cơ sở vì các em có thể nghỉ học bất cứ lúc nào. Đó là hệ lụy của dịch bệnh, bố mẹ mất việc làm và các em có thể trở thành lao động sớm.

Trường tiểu học Quảng Phú chuẩn bị trường lớp đón học sinh trong năm học mới

Khoan bàn đến chuyện “cơm áo, gạo tiền”, đơn giản các em phải đủ sách vở, áo quần để đến trường và cả tấm thẻ BHYT để phòng khi đau ốm. Trong "cái khó, ló cái khôn", một số trường phát động cán bộ, giáo viên giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực, trong đó có việc thầy cô tặng sách cho học sinh khó khăn nhân dịp đầu năm học mới. Cô Lê Thị Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Phú (Quảng Điền) kể: Trường đã phát động học sinh lớp trên tặng sách giáo khoa đã sử dụng cho học sinh lớp dưới, đối với những sách dùng được nhiều năm. Sử dụng các nguồn kinh phí của nhà trường để tăng lượng sách giáo khoa trong thư viện.

Sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới tăng giá, hơn nữa, mỗi trường đều chọn mỗi bộ sách giáo khoa khác nhau nên các nhà sách chưa cung ứng đủ. Công văn của ngành giáo dục cũng nêu rõ, các trường chủ động liên hệ với các nhà xuất bản để đảm bảo đủ, đúng sách giáo khoa cho học sinh.

Theo bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Giáo dục huyện A Lưới, ở các trường có học sinh dân tộc thiểu số đều xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung để cho mỗi học sinh mượn 1 bộ sách tương ứng với từng lớp học. Hằng năm, trường được mua bổ sung số SGK bằng 10% số đầu sách giáo khoa của tủ sách dùng chung. Riêng học sinh thuộc diện hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập với mức 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác.

Năm học mới sắp bắt đầu, dẫu học sinh được đến trường hay tiếp tục học online thì mọi phương án cũng đã được chuẩn bị để đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như an toàn cho học sinh trong mùa dịch.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng cho mùa du lịch biển

Khởi động mùa du lịch biển và chương trình “Thuận An Biển gọi năm 2024”, tại bãi tắm Thuận An, UBND TP. Huế và phường Thuận An đã và đang hoàn thiện hạ tầng, chỉnh trang khuôn viên bãi tắm cũng như kiện toàn các tổ bảo vệ, cứu hộ… nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng
Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, chỉ huy, vai trò tham mưu của cơ quan, đơn vị các cấp, trong hai ngày 4 & 5/3, Trung đoàn 6; Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3 và Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Hương Thủy đã tổ chức luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) từ thường xuyên lên cao, cao lên toàn bộ.

Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top