ClockThứ Hai, 09/05/2022 05:38

Sẵn sàng phương án trước những thay đổi về tuyển sinh

TTH - Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học (ĐH) Huế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi phân tích những thay đổi về tuyển sinh ĐH, cao đẳng năm 2022 và phương án đảm bảo công tác tuyển sinh; giải pháp để tư vấn, trợ cho thí sinh trước ngưỡng cửa ĐH.

Chủ động phương án tuyển sinh năng khiếuĐH Huế tuyển sinh hơn 3.900 chỉ tiêu phương thức xét học bạ

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế

TS. Nguyễn Công Hào cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã dự kiến điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật, nhằm bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trước những thay đổi, ĐH Huế cũng lên các phương án để đồng hành, tư vấn, định hướng cho thí sinh.

Những thay đổi về tuyển sinh năm nay là gì, thưa TS?

Tại hội nghị tuyển sinh ĐH, cao đẳng toàn quốc năm 2022, Bộ GD&ĐT đưa ra 6 nội dung dự kiến điều chỉnh trong mùa tuyển sinh năm nay so với 2021.

Thứ nhất, việc đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, ĐH phải thực hiện trên cổng thông tin của bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thứ hai, thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) trực tuyến sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Đây là một điểm đặc biệt lưu ý, bởi các năm trước, thí sinh thường được ĐKXT trước kỳ thi, sau đó có đợt thay đổi nguyện vọng xét tuyển khi đã biết kết quả. Với điều chỉnh này, thí sinh sẽ không còn đợt điều chỉnh nguyện vọng.

Thứ ba, tất cả các nguyện vọng ĐKXT của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Thứ tư, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).

Thứ năm, cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra, rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển. Và cuối cùng, cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.

Những thay đổi trên đòi hỏi cơ sở giáo dục và thí sinh đều cần phải chú ý, nghiên cứu kỹ. Thí sinh cần làm theo các hướng dẫn để đảm bảo ĐKXT chính xác, phù hợp nguyện vọng và năng lực. Về phía cơ sở giáo dục ĐH, cũng phải dựa trên các hướng dẫn từ bộ để tư vấn, hướng dẫn cụ thể cho thí sinh, và có những điều chỉnh về phương án, kế hoạch tuyển sinh phù hợp.

Với ĐH Huế, sẽ có những điều chỉnh nào liên quan?

Mục tiêu và nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục không chỉ thu hút thí sinh mà còn tư vấn, hướng nghiệp cho các em để tránh những lựa chọn không phù hợp dẫn đến tình trạng bỏ học sau khi học một thời gian.

6 thay đổi trên, đáng chú ý nhất là ba nhóm vấn đề: Một là thay đổi thời gian cách thức ĐKXT, hai là bộ dùng hệ thống lọc ảo chung cho tất cả phương thức và ba là cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết.

Đối với ĐH Huế, chúng tôi cũng đã có những thay đổi về phương pháp tuyển sinh. Đầu tiên là hoạt động tư vấn. ĐH Huế và các trường, đơn vị trực thuộc chia làm 2 đợt tư vấn tuyển sinh - định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT. Đợt 1 bắt đầu từ giai đoạn sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến trước đợt thi. Giai đoạn này sẽ tư vấn những thay đổi về quy chế tuyển sinh, thi, xét tuyển, thông tin các ngành nghề, cơ hội việc làm… Đợt 2 từ khi thí sinh bắt đầu có kết quả thi đến khi các em bắt đầu ĐKXT. Đợt này sẽ hướng dẫn cho thí sinh cách thức đăng ký, chọn nguyện vọng… phù hợp năng lực các em. Mỗi giai đoạn cần có những tư vấn phù hợp, nhưng một số thông tin cũng phải được nhắc đi nhắc lại vì đã có nhiều trường hợp quên, đến khi đăng ký vẫn bị sai những lỗi cơ bản.

Giải đáp thắc mắc cho thí sinh về thông tin tuyển sinh năm 2022

ĐH Huế cũng sẽ kết nối liên thông tốt với bộ, các cơ sở giáo dục phổ thông không chỉ trong hướng nghiệp cho thí sinh mà còn đảm bảo dữ liệu. Trước đây, với việc các trường tuyển sinh đa dạng phương thức, thời điểm thông báo tuyển sinh và thời điểm cập nhật dữ liệu không đồng bộ ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo. Tình trạng này dẫn đến việc thí sinh có thể trúng tuyển nhiều phương thức, mặc dù chỉ chọn một phương thức và một ngành để học. Với sự đổi mới này thì thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng cho tất cả các phương thức. ĐH Huế và các trường sẽ phối hợp, tham gia lọc ảo tốt.

Vấn đề quan trọng không kém là cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết. Thực tế thì có những ngành khi xét tuyển lấy tỷ lệ trúng tuyển sát với chỉ tiêu cũng đáp ứng, có những ngành lấy nhiều hơn gấp 5 - 6 lần so với chỉ tiêu nhưng vẫn thiếu. Rủi ro trong tuyển sinh là không nhỏ. Năm nay, chúng tôi sẽ dựa vào thông tin từng ngành trong 3 - 4 năm vừa qua để làm bài toán nội suy, tính toán tỷ lệ trúng tuyển, tỷ lệ xác nhận nhập học, tỷ lệ nhập học, tỷ lệ sau 1 năm bỏ học để đưa ra kết quả điểm chuẩn phù hợp.

Còn với đề án tuyển sinh, ĐH Huế có những thay đổi nào mới, thưa TS?

Năm nay, chúng tôi tuyển sinh khoảng 14.500 chỉ tiêu cho khoảng 140 ngành, 146 chương trình đào tạo. Vừa qua, chúng tôi đã công bố dự thảo đề án tuyển sinh trình độ ĐH năm 2022. Năm nay, ĐH Huế áp dụng 5 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (điểm học bạ); Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (điểm thi TN THPT) năm 2022; Xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiêp trung học phổ thông (TN THPT) năm 2022 hoặc dựa vào điểm học bạ kết hợp với kết quả thi tuyển năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu); Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh hiện hành; Xét tuyển theo phương thức riêng của các đơn vị đào tạo trong ĐH Huế.

Cơ cấu chỉ tiêu giữa các phương thức được tính toán phù hợp, đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh.

Tình hình dịch bệnh có những thay đổi, ĐH Huế có giải pháp gì để thích ứng và hỗ trợ thí sinh?

Công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp rất quan trọng. Hiện, ĐH Huế và các trường đang tập trung triển khai.

Năm nay, chúng tôi vẫn tận dụng nền tảng công nghệ để livestream tư vấn tuyển sinh, tận dụng tất cả các kênh từ email, facebook, điện thoại, website… để tư vấn cho thí sinh 24/24 giờ, giải đáp đoạn cao điểm. Phân cấp và liên thông giữa bộ phận tư vấn của ĐH Huế, các trường, khoa…

Nhu cầu hướng nghiệp từ học sinh các trường THPT rất lớn. Tình hình dịch bệnh có chuyển biến tích cực, hiện một số đơn vị đào tạo cũng đã phối hợp với các Sở GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn nhiều tỉnh, thành để trực tiếp đi tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh. Ngoài ra, năm nay, nhiều trường cũng mở ra nhiều ngày hội Open day nhằm mang lại cơ hội trải nghiệm môi trường học tập, nghiên cứu cho thí sinh.

Xin cảm ơn những chia sẻ của TS!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

TIN MỚI

Return to top