ClockThứ Năm, 20/02/2014 05:02

Sắc phong chất liệu vải quý hiếm thời Gia Long

TTH - Trong quá trình chúng tôi khảo sát, điền dã, sưu tầm số hóa tài liệu Hán - Nôm, có thể khẳng định, sắc phong thời vua Gia Long (1802 - 1819) rất ít gặp, đặc biệt là sắc phong thần kỳ. Rất may mắn, chúng tôi đã số hóa được 6 đạo sắc phong thời vua Gia Long tại nhà thờ họ Tống - dòng họ của bà Tống Thị Lan (1761 - 1814) - Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, vợ cả vua Gia Long - vị vua đầu triều đại nhà Nguyễn - ở phường Vĩ Dạ, TP Huế.

Ông Tống Phước Thị, Trưởng họ Tống, năm nay đã trên 90 tuổi cho chúng tôi biết thông tin về hòm sắc của họ Tống đã nhiều chục năm không mở, cất giữ tại nhà ông Tống Phước Tá - Trưởng một chi của họ Tống cũng đã trên dưới 10 năm. Tài liệu gồm 6 sắc phong chất liệu bằng vải điều, xung quanh thêu họa tiết rồng, mây cách điệu bằng chỉ nhiều màu, chữ viết bằng mực màu đen, kích thước 113cm x 75cm, niên đại Gia Long năm thứ 3 (1804). Đây là những sắc phong của vị vua đầu triều Nguyễn ban cho những người giữ các chức tước khác nhau, có nhiều công trạng với triều đình, với đất nước của dòng họ Tống - Ngoại thích triều Nguyễn gồm: Nội tả cai cơ, Dương Trung hầu Tống Phước Dương; Nội thủy chưởng cơ kiêm Công bộ chưởng sứ sự, Thành Tín hầu Tống Phước Thành. Chính doanh cai cơ, Đức Nghĩa hầu Tống Phước Đức; Ngoại tả chưởng doanh kiêm Chưởng sứ cố Khuông Quận công Tống Phước Thực; Nội hữu cai cơ, cố Dương Trung hầu Tống Phước Dương và bà Lê thị là vợ lớn của Khuông Quận công Tống Phước Thực.

Xử lý, bảo quản sắc phong đã bị nhàu

Sắc được viết trên chất liệu vải (lụa điều) quý, dấu trên sắc “Phong tặng chi bảo”, dùng để đóng trên các đạo sắc, cáo phong cho các quan văn võ, công thần của triều đình. Trong hòm bộ còn có một tập gia phả gốc của họ Tống. Hòm đựng sắc và gia phả làm bằng gỗ đã hư hỏng, bên ngoài có một hòm bằng sắt đã rỉ, rét, vì vậy càng làm tăng nguy cơ xuống cấp, hủy hoại của tài liệu chất liệu bằng vải và giấy. Rất may, 6 sắc phong, tuy bị nhàu nhưng chưa bị mục, chúng tôi đã tiến hành xử lý kỹ thuật cấp thiết bằng phương pháp thủ công phun hóa chất bảo quản, dùng bàn là chuyên dụng làm phẳng và tiến hành số hóa.       

Một trong 6 sắc đó là sắc phong cho ông Tống Phước Thực từ Quận Công lên Quốc Công, ngày 11 tháng 6 năm Gia Long thứ 3 – 1804, trong đó có đoạn: “…Vốn tài thao lược, dòng dõi nhà quan, là rường cột trọng vọng nơi tông miếu, là trụ cột của triều đình. Bậc năng thần nhiều đời có công lao chiến trận, về tây dẹp loạn, về đông mở cõi. Hiền thần cận thân tả hữu, cốt cán cho nước nhà. Nhân nghĩa được tích giữ sâu dày, chốn mi môn lại có người trinh thục trợ giúp. Lo lắng việc của chốn triều quan, công mở mang gắn liền với nhiều triều trong nước, vẻ vang thay cho dòng tộc…”. Lời lẽ của một bậc Đế vương ngắn gọn, súc tích, mềm mỏng nhưng vẫn đầy quyền uy ca ngợi công trạng, phong tặng tước hiệu cho một công thần dòng họ Tống trên một văn bản hành chính quan trọng, cao quý nhất cách ngày nay trên 200 năm thật đáng để chúng ta suy ngẫm.

Bản sắc phong cho ông Tống Phước Thực

Những sắc phong trên đã được con cháu dòng họ Tống cất giữ trên 200 năm, là những sắc phong chất liệu lụa quý, hiếm gặp ở những dòng họ, các phủ, các làng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và nhiều tỉnh thành khác. Đây là những hiện vật gốc - thư tịch cổ quý hiếm đã được số hóa, trở thành nhóm tài liệu gốc trong ngân hàng dữ liệu số tài liệu Hán - Nôm ở Thư viện Tổng hợp tỉnh, cung cấp cho bạn đọc, các nhà nghiên cứu chuyên ngành Hán - Nôm, lịch sử, văn hóa... những thông tin chính xác về một số nhân vật lịch sử thời Gia Long thuộc dòng họ Tống. Về một loại chất liệu đặc biệt - lụa làm sắc phong, chế ngoài chất liệu giấy Long đằng phổ biến. Về giá trị nghệ thuật, thông qua các họa tiết trang trí trên sắc, về một dấu ấn triện “Phong tặng chi bảo”; về kiểu chữ thể hiện trên các sắc phong thời Nguyễn ở Thừa Thiên Huế đó là kiểu chữ chân phương, dễ nhìn, rõ ràng, dễ đọc. Đây là nét đặc trưng khác biệt của kiểu chữ viết sắc phong triều Nguyễn so với các triều đại trước đó như triều Lê, Tây Sơn.

Phạm Xuân Phượng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Huế lạ và xưa

Với khoảng 25 bức ảnh chụp về Huế từ hơn 130 năm về trước, một ngày giữa tháng 3 vừa qua, nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ đã phối hợp cùng không gian của Da:me coffee (đường Chu Văn An) kể chuyện về Huế xưa qua hình ảnh ngay trong lòng phố Tây, với tên gọi “Huế lạ và xưa”.

Huế lạ và xưa
Return to top