ClockThứ Bảy, 24/04/2021 13:30

Sách & số

TTH - Tuần lễ áp cuối tháng 4 năm nay thật sự là tuần của sách, khi các hoạt động văn hóa đọc được diễn ra rất quy mô và sôi động trên khắp nước. Đó là các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21/4 cùng Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4.

Nhiều hoạt động hướng về Ngày sách Việt NamKhẳng định vai trò của sách và sự phát triển của văn hóa đọc

Thích thú với sách. Ảnh: TIẾN DŨNG

Ngày Sách VN do Chính phủ quy định từ năm 2014. Tiếp đó, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, quy định ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Trước đó, năm 1995, UNESCO cũng đã chọn ngày 23/4 là Ngày Sách và Bản quyền thế giới.

Tất cả những hoat động đó đều nhằm khuyến khích việc đọc sách trong cộng đồng, và tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của sách trong sự phát triển của các quốc gia cũng như sự sống của mỗi người. Nói một cách đơn giản: không ai chết vì không đọc sách, nhưng muốn sống một cách chất lượng thì phải đọc sách!

Thời trước ở Huế, người ta mua sách như sắm một thứ tài sản quý, không chỉ sử dụng mà còn để lại cho con cháu đời sau. Thầy Bửu Ý kể, một tuần mà không mua một cuốn sách mới là thấy mình nghèo đi; nghe kháo nhau về một cuốn sách mới mà mình chưa đọc là thấy thua kém bạn bè, phải mau mau qua nhà sách Ưng Hạ, Gia Long, Tân Hoa... mà mua, hoặc không mua thì lo mượn mà đọc. Sách vở cùng với văn hóa đọc được phát triển và làm giàu sang cho Huế. Đó cũng là một trong những nét đẹp của “cốt cách Huế” đã bị phai nhạt qua thời gian, cần phải phục hồi trong hành trình xây đắp “Giấc mơ Huế”.

Nhưng đó là câu chuyện của sách giấy, còn lúc này văn hóa đọc đang đứng trước một cuộc chuyển đổi, từ đọc sách giấy sang đọc sách số (ebook). Sách số tức là sách điện tử, thay vì in trên giấy thì “số hóa” để trở thành trang sách để đọc trên màn hình máy tính, điện thoại. Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay có một thông điệp mới, được đưa ra như là mệnh lệnh của cuộc sống: chuyển đổi số. Hiện tại văn hóa đọc ở VN vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, bình quân một người Việt đọc gần 2 cuốn sách mỗi năm (không kể sách giáo khoa), và chủ yếu là đọc sách giấy. Vì vậy, có ý kiến lo rằng, sách giấy thơm tho, đẹp đẽ vậy mà vẫn ít người đọc, thì sách điện tử khô khan làm sao có nhiều người đọc? 

Chính việc chuyển đổi này sẽ làm tăng người đọc sách, bởi lẽ người đọc bây giờ, nhất là giới trẻ, họ đều đọc mọi thứ trên các thiết bị điện tử, và nhiều nhất là điện thoại thông minh (smartphone). Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản VN, cho rằng cuộc chuyển đổi này không phải là cuộc thay thế, sách số thay cho sách giấy, mà là một cuộc phát triển. Tức là bên cạnh sách giấy với lối đọc truyền thống, thì sẽ có thêm sách số với lối đọc hiện đại. Người viết sách và làm sách sẽ có thêm sản phẩm mới, người mua và đọc sách có thêm lựa chọn, thị trường sách sẽ mở ra dư địa mới với tài nguyên vô cùng lớn.

Không hẹn mà gặp, cuối tháng 4 này cũng diễn ra Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2021. Câu chuyện chuyển đổi của sách số cũng nằm trong cuộc chuyển đổi mà Huế đang là một trong những địa phương đi đầu. Huế đã từng là “thành phố sách”, với những “pho vàng” chất đầy trong những phủ đệ, chùa chiền, tu viện, trường học và nhà dân, hy vọng sẽ tiếp tục là vùng đất sôi động của sách số. Lúc đó, Tủ sách Huế sẽ có đủ các loại sách cổ kim đông tây, giấy và số. Người đọc cả thế giới có thể tra cứu các bộ sử của triều Nguyễn, Địa chí Thừa Thiên Huế, mua tiểu thuyết của Tô Nhuận Vỹ hay truyện ngắn của Trần Thùy Mai trên trang ebook, một cách dễ dàng qua các thư viện điện tử, nhà sách trực tuyến. Và còn biết bao cuộc giao dịch mua bán sách vở sẽ diễn ra sôi động trên “con đường số”. Chỉ hình dung thôi cũng đã thấy sự tiện dụng và lợi ích rất lớn từ cuộc chuyển đổi này.

MINH TỰ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên

Với nhiều mô hình thiết thực và cách làm hiệu quả, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã lan tỏa những giá trị, nét đẹp của sách và văn hóa đọc đến với các bạn đoàn viên, thanh niên.

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên
Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Return to top