ClockThứ Bảy, 20/04/2019 10:55

“Sân chơi” bình đẳng trong hoạt động khai thác khoáng sản

TTH - Đấu giá quyền khai thác khoáng sản (KTKS) là phương thức đổi mới trong thu hút, cấp phép đầu tư KTKS theo hướng công khai, minh bạch, có tính cạnh tranh để nâng giá trị tài nguyên, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Trao đổi về những quy định liên quan đến hoạt động đấu giá trong lĩnh vực khoáng sản, ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết:

Khai thác khoáng sản: Quy hoạch tích cực nhưng vướng thuếThu hồi dự án nạo vét, tận thu cát không hiệu quảCông bố quy hoạch khoáng sản

Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở TN&MT

Đấu giá quyền KTKS được quy định tại Điều 78 và 79 Luật Khoáng sản 2010, chi tiết thực hiện theo Nghị định số 22 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền KTKS. Theo quy định tại nghị định này, khái niệm đấu giá quyền KTKS là hình thức bán quyền KTKS công khai theo phương thức trả giá tăng cao theo 3 nguyên tắc. Thứ nhất: minh bạch, công khai, liên tục, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá. Thứ hai: phiên đấu giá quyền KTKS chỉ được tiến hành khi có ít nhất 3 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá. Tuy nhiên, bổ sung thêm rằng, nội dung này có sự thay đổi khi Nghị định số 158 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, cụ thể là khoản 1 Điều 68 với nội dung: “Phiên đấu giá quyền KTKS chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá”. Thứ ba: chỉ tiến hành đấu giá quyền KTKS tại các khu vực đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu giá.

Trước đây khi chưa có quy định này, việc cấp phép KTKS được tiến hành như thế nào? Nhóm khoáng sản nào sẽ được đưa vào “thí điểm”?

Trước đây, khi chưa có quy định Luật Khoáng sản 2010, việc cấp phép hoạt động khoáng sản thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản 1996 và sau đó thực hiện đồng thời với quy định của Luật số 46 đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản 1996. Theo đó, việc cấp phép các hoạt động khoáng sản được quy định thực hiện theo quy định tại 2 luật trên và chưa có khái niệm đấu giá quyền KTKS trong việc cấp phép.

Mặc dù dự kiến trước mắt sẽ tổ chức đấu giá quyền KTKS đối với nhóm cát sỏi, tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước sẽ đồng thời tập trung thực hiện các thủ tục để thực hiện Kế hoạch 78 của UBND tỉnh về đấu giá quyền KTKS thuộc thẩm quyền UBND tỉnh năm 2018-2019. Trong đó đã nêu cụ thể, công khai kèm theo Kế hoạch 78 danh mục gồm 5 nhóm khoáng sản, khu vực được đưa ra đấu giá: khoáng sản đất sét (có 9 vị trí mỏ), đất làm vật liệu san lấp (15 vị trí mỏ), cát sỏi làm vật liệu xây dựng (7 vị trí mỏ), cát nội đồng làm vật liệu xây dựng (1 vị trí mỏ) và đá làm vật liệu xây dựng thông thường (1 vị trí mỏ).

Ông có thể nói rõ lợi ích của việc thực hiện đấu giá quyền khai thác này?

Đất làm vật liệu san lấp nằm trong danh mục tổ chức đấu giá quyền KTKS của tỉnh​

Có thể nói đấu giá quyền KTKS là sự đổi mới cơ chế, chính sách trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, đảm bảo thực thi đúng quy định của pháp luật về khoáng sản. Việc triển khai thực hiện đấu giá quyền KTKS trên nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư; khai thác sử dụng hợp lý, có hiệu quả khoáng sản; hạn chế thất thoát tài nguyên, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đảm bảo thực hiện việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân trên cơ sở quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền KTKS phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì từ việc đấu giá này?

Như đã nói ở trên, việc đấu giá quyền KTKS là sân chơi công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Do vậy, các nhà đầu tư quan tâm tham gia đấu giá quyền KTKS sẽ có được thông tin tham khảo khi quyết định đầu tư. 

Có nghĩa sẽ tạo ra một cuộc lựa chọn “sòng phẳng” giữa những đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu?

Đúng vậy, khi cơ quan nhà nước đưa ra vị trí đấu giá quyền KTKS ra đấu giá sẽ xây dựng thông tin cơ bản về các nội dung đã có về khoáng sản khu vực đấu giá, những yêu cầu, tiêu chí đối với hồ sơ tham gia đấu giá.

Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ có thông báo công khai danh mục các khu vực có khoáng sản đưa ra đấu giá; thông tin cơ bản về điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản; các thông tin về cuộc đấu giá quyền KTKS; xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước cho các khu vực mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá; lập hồ sơ mời đấu giá quyền KTKS và triển khai công tác đấu giá theo quy định. Qua phiên đấu giá sẽ tìm ra được nhà đầu tư phù hợp.

Đây có được cho là một đổi mới, bỏ cơ chế “xin cho” hay không, thưa ông?

Theo chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước đã ban hành, việc tổ chức đấu giá quyền KTKS là để đóng lại việc “xin cho” trong việc cấp phép KTKS, ngoại trừ việc cấp phép KTKS được quy định phù hợp với tiêu chí không đấu giá, cụ thể là Điều 22 Nghị định 158 ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

Vậy, Sở TN&MT đã chuẩn bị những bước nào để vừa làm tốt khâu kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp và tổ chức đấu giá quyền khai thác đạt hiệu quả, đúng quy định?

Để tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền KTKS theo thẩm quyền của UBND tỉnh và theo quy định pháp luật về khoáng sản, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 78 về “Đấu giá quyền KTKS thuộc thẩm quyền UBND tỉnh năm 2018-2019”. Theo đó, việc thực hiện đấu giá sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định 22 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 54 của liên Bộ TN&MT và Bộ Tài chính, Luật Đấu giá tài sản năm 2016; trong đó có các bước thực hiện là điều tra, khảo sát các khu vực khoáng sản đưa vào đấu giá để xây dựng thông tin liên quan của khu vực đấu giá; phối hợp đơn vị tư vấn đấu giá chuyên nghiệp để xây dựng nội dung đấu giá; thông báo công khai đấu giá khu vực sẽ đấu giá khoáng sản; tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

Có phải nhóm khoáng sản nào thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh thì tỉnh mới tổ chức đấu giá?

Tất nhiên, ngoại trừ những loại khoáng sản, khu vực thuộc thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác của Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ TN&MT khoanh định và công bố, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản. Điều này đồng nghĩa với việc giấy phép thuộc thẩm quyền cấp nào cấp thì cấp đó tổ chức đấu giá quyền KTKS. Danh mục các khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền UBND tỉnh tổ chức đấu giá trong năm 2019 cũng đã nêu cụ thể trong Kế hoạch số 78.

Đến nay đã có dự án đấu giá quyền KTKS nào đã được thực hiện chưa, thưa ông?

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa thực hiện đấu giá quyền KTKS. Nên nếu chưa thực hiện đấu giá theo kế hoạch thì vẫn tiếp tục trong thời gian tới.

Về phía doanh nghiệp đã có động thái gì để tham gia “quy tắc” của “sân chơi” này?

Hiện nay, đã có khá nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh và đã có một số tổ chức liên hệ với Sở TN&MT để tìm hiểu thông tin về khu vực sẽ đấu giá quyền KTKS trong thời gian đến.

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng
Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ sáng 9/4 tại buổi làm việc với các cơ quan, địa phương về việc triển khai thực hiện Thông báo kết luận 552-TB/TU ngày 11/12/2023 xây dựng lịch sử làng thông qua việc xây dựng địa chí làng.

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng
Return to top