ClockThứ Hai, 14/03/2016 06:01

Săn dương xỉ

TTH - Với những người chơi phong lan, gốc cây dương xỉ là giá thể cho phong lan phát triển tốt. Cùng với phong trào chơi lan nở rộ ở Huế, nghề săn tìm cây dương xỉ rộ lên ở xã Bình Điền (thị xã Hương Trà).

Nhọc nhằn mưu sinh

Theo sự hướng dẫn của người dân xã Bình Điền (thị xã Hương Trà), chúng tôi tìm vào lòng hồ thủy điện Bình Điền, nơi được xem là địa điểm xuất phát và trở về sau mỗi chuyến săn tìm gốc cây dương xỉ ở khu vực rừng thượng nguồn sông Hương của người dân địa phương.

Thành quả một ngày làm việc của anh Nguyễn Văn Ry 

Trời xế chiều, cập chiếc xuồng máy vào mép bờ lòng hồ thủy điện, anh Nguyễn Văn Ry (51 tuổi) ở thôn Đông Hòa, xã Bình Điền thoăn thoắt mang những tấm dương xỉ vuông vắn cưa được sau một ngày làm việc cực nhọc ở rừng chất lên chiếc xe máy dựng sẵn trên bờ.

Anh Ry bộc bạch: “Trước đây, ngoài công việc trồng keo tràm, anh đi làm te keo tràm thuê để mưu sinh là chủ yếu. Ba năm trở lại đây, nhận thấy người chơi phong lan chuộng trồng lan trên gốc cây dương xỉ nên anh chuyển sang nghề cưa gốc cây dương xỉ về bán”.

Để tìm được những gốc dương xỉ độc, lạ hợp ý người chơi phong lan, người hành nghề như anh thường tìm vào khu vực khe suối có đá, nơi cây dương xỉ thường mọc. Tìm được những nơi có cây dương xỉ to lớn sinh sống đã khó, việc cưa và đưa ra khỏi rừng đòi hỏi người hành nghề phải có sức khỏe, có sự khéo léo, cộng thêm chút may mắn. Có những cây dương xỉ bám chặt vào đá, phải mất rất nhiều thời gian và công sức tách mới ra được. Anh Ry tâm sự.

Vừa trở về sau chuyến đi, anh Trần Văn Thiện (20 tuổi) thôn Đông Hòa, xã Bình Điền, phấn khởi kể: “Cây dương xỉ mọc ở khu vực rừng sâu, muốn đến được nơi phải mất hơn một giờ đồng hồ chạy xuồng máy dọc theo lòng hồ lên thượng nguồn sông Hương, sau đó đi bộ. Gốc cây dương xỉ sẽ được cưa ra thành những tấm hình chữ nhật ngay tại rừng trước khi chuyển đến tay các thương lái.

Với những người lấy nghề săn dương xỉ mưu sinh như anh, chuyện bám trụ ở rừng nhiều ngày đã trở nên quen thuộc. Lo ngại lớn nhất là thiếu thốn thức ăn, nước uống nếu ở lại nhiều ngày. Chính vì vậy, trước mỗi chuyến đi, bên cạnh chuẩn bị rựa, cưa bén, ai cũng mang theo bên mình thức ăn, nước uống dự trữ. Anh Thiện chia sẻ.

Phục vụ công nghệ trồng lan

Gắn bó với nghề đã ba năm nay, anh Nguyễn Văn Ry nhận thấy công việc đi săn tìm, cưa gốc cây dương xỉ tuy vất vả, nguy hiểm nhưng cho anh thu nhập khá ổn định so với công việc đi tước vỏ keo tràm thuê.

Anh Ry phân tích: “Đi làm te keo tràm thuê cả ngày, công sức bỏ ra  nhiều mà công cao lắm cũng chỉ từ 180.000 -  200.000 đồng/ngày. Với nghề tìm dương xỉ, trừ chi phí xăng dầu đi lại trong lòng hồ, trung bình thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, nếu may mắn gặp được những gốc ây dương xỉ đẹp, độc, lạ có thể bán giá vài trăm nghìn đồng là chuyện thường”.

Tưởng chừng nghề đi cưa cây dương xỉ chỉ dành cho nam giới có sức khỏe, nhưng với việc gốc cây dương xỉ có giá do nhu cầu thị trường lớn,  nhiều phụ nữ ở xã Bình Điền cũng theo chồng tham gia hành nghề để kiếm thêm thu nhập.

Đang buộc dang dở những tấm dương xỉ lên chiếc xe máy, chị Trần Thị Thúy (44 tuổi) ở thôn Đông Hòa, xã Bình Điền cho hay: Hai năm trở lại đây, chị cũng thường theo chồng và con trai vượt lòng hồ vào rừng phụ giúp việc săn tìm và cưa gốc cây dương xỉ.

 Với ba lao động, có ngày gia đình chị cưa ra được hơn 60 tấm dương xỉ thành phẩm. Trung bình một tấm dương xỉ thành phẩm được người buôn lên tận nhà thu mua với giá từ 15.000 – 30.000 đồng/tấm. Bên cạnh đó, người trồng lan ở Huế rất thích thân dương xỉ để nguyên, nếu giữ được nguyên  thì sẽ có giá cao hơn. Chị Thúy chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà cho biết, cây dương xỉ không phải cây gỗ che phủ rừng nên tình trạng người dân tìm gốc cây dương xỉ về trồng lan không ảnh hưởng nhiều đến môi trường rừng. Bên cạnh đó, dương xỉ chỉ là thảm thực vật, mọc rất nhanh, ở các khe suối.

Bài, ảnh: Võ Thạnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mất an toàn giao thông qua trung tâm xã Bình Điền

Nhiều người dân tự ý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán trên tuyến QL 49A đoạn qua trung tâm xã Bình Điền gây lộn xộn, nhếch nhác, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị tại địa phương.

Mất an toàn giao thông qua trung tâm xã Bình Điền
Return to top