ClockThứ Bảy, 03/05/2014 05:37

Sân khấu tại gia

TTH - Sân khấu tại gia đã có từ thời các Chúa Nguyễn và nay, đó là cách người Huế nuôi dưỡng tâm hồn mình.

Trong lịch sử nghệ thuật diễn xướng của sân khấu truyền thống Huế, ngày xưa thường được sử dụng trong các cuộc tế, lễ hoặc các dịp hiếu, hỉ, giải trí ở triều đình và các phủ đệ. Ở các phủ đệ của quan lại triều Nguyễn thì xuất hiện thêm một loại hình nghệ thuật khác, đó là ca nhạc Huế thính phòng - sau này được phát triển và trở thành một thể loại sân khấu mới là Ca kịch Huế. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) nghệ thuật diễn xướng cung đình khá phát triển. Bấy giờ Đào Duy Từ đã lập ra Hòa Thanh Thự trong triều đình gồm ba đội: đội nhất và đội ba chuyên về nhạc, đội nhì chuyên về ca, múa. Mỗi đội này có một suất đội và 120 người lính, các đội này chuyên phục vụ trong các dịp nghi lễ, tế bái, yến tiệc của triều đình.

Ca Huế ngày càng được xã hội tôn vinh. Ảnh: Diên Thống

Thời đó, tuồng là hình thức sân khấu phát triển nhất, loại hình nghệ thuật này được các chúa Nguyễn và vua Nguyễn rất yêu thích. Về sau, bên cạnh tuồng, sân khấu ca kịch Huế cũng đã vang bóng trong các phủ đệ của quan lại triều Nguyễn cũng như trong các gia đình danh giá có mang dòng máu hoàng thất. Đây chính là môi trường diễn xướng nguyên thủy của hai loại hình nghệ thuật sân khấu mà người Huế xưa rất đỗi tự hào. Chính những người lính trong các đội nhạc, sau các buổi phục vụ ở triều đình, khi về nhà đã bày vẽ lại cho con cháu và cũng phục vụ khi các phủ đệ có nhu cầu…

Sân khấu tại gia của Huế như vậy đã có từ thời các chúa Nguyễn, cách đây trên 400 năm.
Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, tiếp theo những cuộc chiến tranh kéo dài trong những năm của thế kỷ XX, hai loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đã mất dần môi trường diễn xướng. Các nhạc công, ca công, vũ công bỏ nghề bôn ba tìm kế mưu sinh, sân khấu tuồng Huế và ca kịch Huế mai một dần dần. Tuồng Huế sau 1975 còn sáng đèn trên các sân khấu làng quê, nhưng sau 1990 thì gần như vắng bóng, chỉ có ca Huế biết cách gắn liền với sự phát triển du lịch nên có đất phát triển, đặc biệt ca Huế trên sông Hương là một loại hình sân khấu mới mẻ. Và khi Nhã nhạc Huế được UNESCO công nhận di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, ca Huế có cơ hội để phục hồi hơn.
Trở lại câu chuyện sân khấu tại gia. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ “quan nhạc” sau phổ biến ra thành “dân nhạc” là bởi những danh ca, danh cầm đều xuất phát từ trong dân gian. Ban ngày họ vào phục vụ trong cung đình hay các vương phủ, song đến đêm về nhà thì truyền lại cho con cháu. Thành ra, có những lời ca do các nhà thơ vương triều soạn mà lại dân gian hoá thành dân ca. Ở phủ đệ của tầng lớp quan lại quý tộc xưa, ca Huế có cơ hội phát triển qua những buổi các chủ nhân gọi ca kỹ đến đàn hát để đãi khách, do đó, nó vừa là môi trường diễn xướng, vừa là nơi gián tiếp truyền nghệ cho thế hệ sau. Nghệ nhân Minh Mẫn kể, chính những lần được diễn tại phủ đệ đã kích thích lòng yêu thích hát ca Huế của bà.
Ngoài lề một chút, hai nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu kể, vào khoảng năm 1936, một dịp để làm vui lòng bà chủ của ngôi nhà các ông trọ bên bờ sông An Cựu, hai ông cùng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã tổ chức diễn kịch tại gia. Bà chủ cũng đã tham gia rất vui. Không khí đó chính là sự ảnh hưởng từ những đêm sân khấu tại gia ở Huế thời xưa.
Ca Huế trên sông Hương đang tồn tại nhiều “thứ phẩm”, song cũng may là còn nhiều “chính phẩm” cũng đang được gìn giữ, bảo lưu trong dân gian. Các làng xã vào các dịp tế lễ, các gia đình lúc cần tổ chức hoan hỉ, thượng thọ, tang tế… cũng đã mời các đoàn ca Huế về biểu diễn. Một hình thức lưu tồn khác là các chương trình phát thanh, truyền hình đang góp phần quảng bá ca Huế đến với công chúng. Đặc biệt nhất là hình thức ca Huế sa-lon ở trong nhà, như ở gia đình nhà văn Bửu Ý nhiều năm trước đây, tuần nào cũng tổ chức một buổi trình diễn tại nhà, với sự góp mặt của các nghệ nhân hàng đầu như Minh Mẫn, Thanh Tâm…, ai muốn ca hay nghe ca Huế cứ đến đó… Hiện nay, nhiều gia đình khá giả, mỗi khi nhà có việc chạp giỗ, họ cũng mời các nhóm tài tử về “đánh thổi” tại nhà, là sự tiếp nối không khí ngày xưa ấy…
Không riêng chi ca Huế, những bài hát kinh điển của xứ Huế cũng đang được lưu giữ tại các sân khấu tại gia. Ví như nhóm nhạc của anh Phan Hữu Kính, ngoài tham gia biểu diễn tại các dịp lễ hội, như Lễ hội đường phố ở Festival Huế, nhóm thường tham gia biểu diễn ở các gia đình bạn bè mỗi khi hữu sự vui vẻ. Họa sĩ Kim Long, người khởi xướng của nhóm Họa sĩ “Lại về lại”, khi còn sống mỗi lần về Huế, thường cùng bạn bè tổ chức những buổi ca nhạc tại nhà. Họa sỹ Nguyễn Thượng Hải nhà ở vườn Tuyệt Tình Cốc cũng vậy… Nhiều khi những đêm văn nghệ ấy kéo dài đến nửa khuya về sáng dưới bóng cây cổ thụ trong vườn, họ cùng đọc lại những câu thơ hay, hát lại những tình khúc Huế vượt thời gian… Tạo nên một sinh hoạt văn hóa rất nên thơ và trí tuệ.
Sân khấu tại gia, đó là cách người Huế nuôi dưỡng tâm hồn mình vậy.
Nhiều khách phương xa đến tham dự những buổi diễn đó, đều cảm thấy hết sức may mắn. Đó cũng là điều mà những nhà làm du lịch Huế nên tính đến, một khi đã nhắc mãi về hai cụm từ “Homestay”…
Đặng Ngọc Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

TIN MỚI

Return to top