ClockThứ Sáu, 19/08/2016 15:21

San lấp 1.000ha vùng trũng: Nước sông Sài Gòn dâng 1cm

Lâu nay, không ít người nghĩ nước sông Sài Gòn dâng chỉ do trời đất. Song nghiên cứu của tiến sĩ Bùi Việt Hưng (khoa môi trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) đã đưa ra một góc nhìn khác.

Nghiên cứu của tiến sĩ Hưng rút ra được dữ kiện đáng chú ý. Theo đó, cứ khoảng 1.000ha đất ngập nước ven sông Soài Rạp và vùng trũng ven sông Sài Gòn bị san lấp sẽ làm gia tăng mực nước sông Sài Gòn lên 1cm. Diện tích san lấp càng lớn thì mực nước sông Sài Gòn sẽ càng dâng lên cao.

Phác thảo những khu vực có nhu cầu san lấp mặt bằng tại TP.HCM và Long An - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Nước dâng chưa hẳn 
tại trời

Mực nước sông Sài Gòn dâng cao cũng có nghĩa là gia tăng nguy cơ gây ngập cho TP.HCM.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, khi đỉnh triều từ +1,5m trở lên thì có chín tuyến đường ở TP bị ngập.

Còn khi mưa kết hợp với triều cường sẽ gây ngập ở nhiều khu vực của chín quận (2, 4, 5, 6, 7, 8, Bình Thạnh...) và hai huyện (Bình Chánh, Nhà Bè).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Hưng cho rằng điều đó cũng có nghĩa là nếu giữ được đất ngập nước tự nhiên vùng cửa và ven sông Soài Rạp, tương ứng với diện tích khoảng 1.000ha, là có thể mang đến cơ hội giảm được mực nước dâng trên sông Sài Gòn 1cm, góp phần hạn chế ngập do triều cường...

Tiến sĩ Hưng cho biết từ kết quả tính toán thực tế đã có thể khẳng định san lấp mặt bằng khu vực đất ngập nước, vùng trũng ven sông Soài Rạp và sông Sài Gòn đã làm ảnh hưởng rất lớn tới diện tích ngập cũng như mực nước triều trên sông Sài Gòn. Khi diện tích san lấp tăng dần, mực nước triều cũng tăng lên 6-10cm.

Kết quả tính toán cũng cho thấy san lấp mặt bằng ven sông Soài Rạp (khu vực thuộc tỉnh Long An) có tác động đến mực nước sông Sài Gòn, lớn hơn khoảng 1,6 lần so với tác động của các dự án san lấp mặt bằng thuộc khu vực ven sông này.

Nghiên cứu trên cũng dẫn ra những cứ liệu khoa học cho thấy: tình trạng ngập lụt gây ra do triều dâng tại TP.HCM xuất phát từ luồng nước được đẩy vào nội địa, từ hướng sông Soài Rạp.

Trong một ngày triều dâng và rút, các nhà khoa học cũng tính toán được có đến khoảng 84% của một lượng nước khổng lồ được tích lại trong kênh rạch các vùng đất ngập nước của vịnh Gành Hào (khu vực tiếp giáp rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM và tỉnh Long An)...

Thêm ngập vì đua nhau san lấp

Với một số cứ liệu khoa học và tính toán chuyên môn, tiến sĩ Hưng khẳng định: các vùng đất ngập nước ven sông có vai trò rất quan trọng không chỉ cho đa dạng sinh học, mà còn cho việc điều tiết thủy triều xâm nhập hệ thống sông.

Giữ được vai trò này sẽ làm giảm mức độ cũng như phạm vi ảnh hưởng gây ngập của dòng triều.

Trong khi đó, trên thực tế nhu cầu phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp ven sông Soài Rạp đã làm giảm diện tích các vùng đất ngập nước, gia tăng mực nước trên sông Sài Gòn, góp phần làm ngập lụt ở TP.

Hiện trạng này cũng mang đến lo lắng: các vùng đất ngập nước ven sông ngày một thu hẹp, vai trò trữ nước lúc triều dâng, mưa lớn... cũng vì thế ngày càng giảm đi.

Quan điểm của tiến sĩ Bùi Việt Hưng cũng chính là kiến nghị của nghiên cứu: muốn góp phần làm giảm những tác động tiêu cực của ngập nước, nhất là do triều cường, cần duy trì một diện tích vùng đất ngập nước ở khu vực vịnh Gành Hào trên 80.000ha.

Hiện tại có khoảng một nửa diện tích đất ngập nước trong số này (chính là những cánh rừng ngập mặn), nên cần duy trì tối thiểu khoảng 40.000ha đất ngập nước nữa để góp phần đảm đương vai trò “nhốt” nước, không để nước chảy sâu vào thượng nguồn quá nhiều, làm gia tăng mức độ ngập.

Theo tiến sĩ Hưng, cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để có thể tìm kiếm thêm lời giải hiệu quả, hài hòa cho bài toán ngập triền miên của TP.

Còn nếu chỉ với việc xây dựng các công trình kiểm soát triều ở TP.HCM thì chưa thể giải quyết hết ngập úng.

Chống ngập, cần có sự phối hợp

Tình trạng san lấp mặt bằng, đô thị hóa các vùng đất tự nhiên thấp trũng đã làm giảm hiệu quả chức năng điều tiết triều tự nhiên của các vùng đất ngập nước ven sông, hệ quả là gây khó khăn cho việc thoát nước, ngập úng cục bộ.

Cần có sự phối hợp với các vùng lân cận TP.HCM, đặc biệt là khu vực đầu nguồn của triều như Long An và Đồng Nai, trong nghiên cứu tìm ra giải pháp chống ngập tổng thể và trên cơ sở phát huy quyền phát triển kinh tế của địa phương.

TS Bùi Việt Hưng

Nên tôn trọng quy luật tự nhiên

Với con số nghiên cứu: cứ khoảng 1.000ha đất ngập nước ven sông Soài Rạp (khu vực giáp TP.HCM và Long An), vùng trũng ven sông Sài Gòn bị san lấp sẽ làm tăng mực nước sông Sài Gòn lên khoảng 1cm về nguyên lý là đúng.

Khi các vùng trên bị san lấp sẽ giảm dung tích chứa, chắc chắn làm tăng mực nước phía thượng lưu, làm cho triều vào sâu trong đất liền, kể cả xâm nhập mặn.

Không chỉ san lấp, mà làm đê bao cũng có những tác động tương tự. Vấn đề là quá trình san lấp, làm đê bao đã được người dân làm lai rai từ bao đời nay.

Chỉ là bây giờ do tốc độ phát triển đô thị nhanh quá, cơ sở hạ tầng (hệ thống cống thoát nước) không kịp đối phó với ngập, chưa có công trình kiểm soát triều nên ngập lụt mới trở thành vấn đề thời sự.

Trong quy hoạch thủy lợi chống ngập cho TP.HCM, theo quyết định 1547 của Thủ tướng, phải dành 17% diện tích quy hoạch để điều tiết chứa nước.

Vùng ven sông Soài Rạp thuộc Cần Giuộc, Cần Đước (Long An) là bán ngập triều có tác dụng rất tốt để điều tiết nước, vì vậy nên tôn trọng theo quy luật tự nhiên trong bài toán chống ngập của TP.

TS Tô Văn Trường (chuyên gia thủy lợi, chống ngập)

Theo Tuổi trẻ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Tiêu chí lựa chọn văn phòng chia sẻ TPHCM

Văn phòng chia sẻ ngày càng phổ biến và trở thành một thành viên nổi bật trong ngành kinh doanh bất động sản văn phòng được ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có không ít những ý kiến, nhận định không đúng về loại hình cho thuê này. Vậy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về văn phòng chia sẻ và những tiêu chí lựa chọn văn phòng cho thuê chất lượng nhé!

Tiêu chí lựa chọn văn phòng chia sẻ TPHCM
Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 2: Chống ngập để phát triển bền vững

Câu chuyện chống ngập tại khu đô thị, khu công nghiệp (KCN) không phải là việc sớm chiều. Song, trước khi bàn đến những giải pháp dài hơi cần tính toán, giám sát việc triển khai, thi công các công trình. Việc này phải đặt trong mối tương quan, hài hòa giữa phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống dân sinh.

Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 2 Chống ngập để phát triển bền vững
Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 1: Thách thức cho bài toán chống ngập

Thực trạng ngập úng tại các đô thị, nhất là đô thị mới, hay gần đây, việc thoát lũ tại các khu công nghiệp đặt ra bài toán cần lời giải từ hiện tại và cả trong tương lai. Các chuyên gia cũng nhiều lần chỉ rõ, biến đổi khí hậu sẽ tạo ra những thách thức không hề nhỏ cho khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 1 Thách thức cho bài toán chống ngập
Thông tin doanh nghiệp
Khám men gan miễn phí tại Bệnh Viện Quốc Tế DNA Quận 5 TPHCM

Gan là một cơ quan quan trọng của cơ thể chúng ta. Chỉ số men gan cao là triệu chứng cảnh báo gan đang bị tổn thương. Nhằm giúp người dân có cơ hội được kiểm soát chỉ số này cũng như những vấn đề sức khỏe liên quan đến gan, Bệnh viện Quốc tế DNA khám miễn phí chỉ số men gan cao cho người dân trên phạm vi toàn quốc.

Khám men gan miễn phí tại Bệnh Viện Quốc Tế DNA Quận 5 TPHCM

TIN MỚI

Return to top