ClockThứ Bảy, 13/11/2021 17:50

Sân nhà có nắng

TTH - Du ngồi lẳng lặng bên cạnh mộ Huy. Nắng sớm mai nhàn nhạt rớt trên vai áo. Trời mấy hôm trước mưa rỉ rỉ, không ngờ hôm nay lại nắng ráo. Không khí sớm mai trong vắt, ngọt lành. Du hít vào mùi đất ngai ngái ẩm ướt, mùi cỏ ngòn ngọt, và cả mùi trầm hương phảng phất bay trong gió. Thấy bao nhiêu năm qua rồi, nhìn gương mặt cười tươi rói của chồng trên bia mộ lạnh ngắt, tim Du vẫn cứ thắt lại, ân ẩn đau.

Chè đắngMùa gió ấmMưa rơi ngoài ngõ

Cơn gió lành lạnh quét qua khiến tàn hương cuối cùng rụng xuống. Du đứng dậy, bước qua vạt hoa chiều tím bên cạnh mộ chồng. Trước sân nhà chồng Du cũng có vạt hoa tím rịm như thế. Hồi đó, Huy hay bảo, hoa gì màu buồn hiu. Vợ thích nên Huy cũng mang một ít về trồng trước sân nhà. Huy nói, lúc nào hai đứa ra riêng, Huy sẽ trồng mấy dãy hoa chiều tím làm hàng rào. Nhưng Du chưa đợi được khoảng sân tím rịm màu hoa của riêng mình, thì Huy đi mất, trong một tai nạn giao thông. Hôm đó Huy thay Du đưa học sinh lên trung tâm thành phố thi học sinh giỏi, rồi không bao giờ trở về nữa. Hôm mộ Huy xây xong, Du lặng lẽ đem đám hoa tím lên đây trồng.

Khi Du vừa về đến sân nhà đã nghe tiếng đám học sinh rổn rảng nói cười. Căn bếp nhà chồng Du quanh năm lặng lẽ bỗng rộn ràng hẳn. “Vẫn đang còn hạn chế tụ tập vì dịch. Nhưng tụi em biết hôm nay nhà chỉ có cô với ông, nên mới dám ghé qua”, Dũng nói. Dũng là học sinh khóa đầu tiên của Du. Có lần Dũng nói với Du: “Thầy cô trường mình mỗi lần cần lấy ai đó ra làm gương đều réo tên học sinh Huyền Du. Học cực kỳ giỏi, mà hoạt động Đoàn vô cùng năng nổ. Không ngờ lại được học cô”, ánh mắt lấp lánh ngưỡng mộ của Dũng khiến Du phải bật cười. Du cũng không ngờ, sau khi Huy mất, những tin nhắn của người lạ động viên Du mỗi ngày, suốt một năm trời đều do Dũng gửi.

Du nghe tiếng đám học sinh cũ chí chóe vọng ra từ góc bếp, không hiểu sao lòng thấy nhẹ hơn một chút. Từ khung cửa sổ bằng gỗ có lớp sơn màu xanh biếc, mỗi sáng thức giấc, Du có thể thấy được đám chim sâu nhảy qua nhảy lại trên tán cây, ồn ào không chịu nổi. Chỉ cần có nắng, đám chim sẻ sẽ ùa về đó rất đông, ồn ào không dứt. Có đôi khi Du nghĩ, chẳng biết tụi nó đang ồn ào cãi vã chuyện gì, mà nhức cả óc. Nhưng hôm nào mưa, không nghe được tiếng chim líu ríu nơi cây măng cụt, lòng lại thấy trống vắng, tựa như cảm giác chờ đợi ai đó đi xa chưa về. Hồi Huy trồng xuống cây măng cụt này, cây chỉ mới cao hơn đầu người. Vậy mà giờ cây đã dang rộng tán lá, cho ra trái bói. Hôm hái xuống những quả chín đen thẫm đầu tiên, Du đặt lên bàn thờ chồng. Sáng hôm ấy nắng to, chẳng hiểu sao đám chim sẻ lại không về. Hôm Huy trồng cây, nắng cũng to như thế.

Năm Du 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học thì trở về dạy ở trường cấp ba cũ. Cũng năm đó, Du quen Huy. Ba năm sau thì cưới. Ba năm sau nữa thì Du đã phải để tang chồng. Nhà chồng Du cách trường hơn chục cây số. Nhà mẹ Du lại sát ngay cạnh trường. Mỗi ngày sau giờ dạy, Du đều tranh thủ ghé nhà thăm bố mẹ. Nhịp sống vẫn y đúc như hồi còn Huy. Người làng đôi khi cũng kéo tay mẹ Du bảo: “Sao không về dưới xin đón con bé lên đây ở. Cứ ở miết dưới đó, bao giờ mới lấy được chồng?”. Mẹ Du cười cười, bảo tùy nó. Mẹ Huy đã nói với bà, hôm đám giỗ con trai lần thứ 3. “Thằng Huy không còn, nhưng nơi đây mãi mãi là nhà con bé. Nếu con bé tái hôn, tôi sẽ đứng ra lo liệu như con gái”. Mẹ Huy khóc, bà cũng khóc. Năm đó, con gái bà gỡ xuống miếng khăn tang treo trên ngực áo, nhưng Du vẫn ở lại nhà chồng. Nơi đó, đầy ắp kỷ niệm về Huy. Có những người vẫn nhắc về Huy mỗi ngày.

Thời gian đầu, ai gặp Du cũng hỏi: “Khi nào thì lấy chồng?”. Hoặc hối thúc Du: “Lấy chồng đi”. Du chỉ cười cười. Hôm nào trong người không vui, Du xẵng giọng đáp: “Lấy ai? Không lẽ lấy chồng người ta?”. Sự quan tâm của người xung quanh, đôi khi khiến Du thấy mệt. Ngay chuyện Du ở nhà chồng hay nên về nhà mẹ cũng khiến họ lào xào. Nhà Du đông anh em. Vợ chồng em trai Du cũng ở trong nhà. Các chị Du đều ở quanh quanh gần nhà. Bố mẹ chồng Du lại khác, đứa con gái lấy chồng xa tận Sài Gòn. Khi chồng Du mất, em gái Huy còn chưa vào cấp ba, đang tuổi nổi loạn. Bố mẹ chồng đều già, Du muốn ở cạnh bên, thay chồng dạy dỗ đứa em út. Giờ cô út cũng vào Sài Gòn học đại học, nhà chỉ mỗi ông bà già, lúc nào cũng vắng ngắt, lạnh lẽo.

Lần giỗ thứ 10 của Huy, mẹ chồng Du vào Sài Gòn khám bệnh, không ngờ dịch bùng phát, nên kẹt lại trong đó. Sáng sớm lúc Du đi chợ về, thấy bố chồng ngồi nơi bậc cửa, dáng quạnh quẽ. Người đàn ông chưa đến 70 tuổi mà trông già nua. Du nhớ chỉ những khi đám học trò của mình ghé nhà, sự rộn rã của tuổi trẻ mới khiến đôi mắt đục ngầu của ông hiện lên ý cười. Giống như hôm nay, khi nhìn đám học trò cũ của Du xúm xít bưng thức ăn đặt lên bàn thờ con trai, những nếp nhăn trên mặt ông giãn ra, miệng cười vui vẻ. “Thằng Khải dạo này làm ở đâu rồi bây? Đã có vợ chưa?”. “Anh Khải bữa nay làm ca sĩ rồi ông ơi. Còn lo sự nghiệp đã, chưa lấy vợ đâu”. Khải chưa kịp trả lời thì Mơ đã giành nói trước.

Hồi Khải chuyển về lớp Du, cả lớp gọi Khải là cánh chim lạc đàn. Khải bị lưu ban năm lớp 11, bị phân về lớp thầy Viên. Thầy Viên tìm đến nhà Khải, nói với phụ huynh nên cho Khải nghỉ học. Khải có học tiếp cũng không lên được lớp, ảnh hưởng thi đua của lớp. Khải ở trong nhà nghe được, cầm ghế nện xuống sàn nhà, suýt thì trúng vào người thầy Viên. Thầy Viên không nhận Khải vào lớp. Các giáo viên khác cũng không muốn nhận. Khải quậy nhất trường lại không chịu học hành. Thầy hiệu trưởng gọi Du, bảo Du nhận học sinh cá biệt này đi. Trường sẽ để tên Khải ngoài danh sách lớp, không lo ảnh hưởng thi đua của lớp Du. Du nhận, nhưng nhất quyết yêu cầu đưa Khải vào danh sách lớp. Khải quậy, nhưng hát hay. Du để Khải làm lớp phó văn thể mỹ, và cả lớp phó trật tự. Không ngờ ôm “trách nhiệm” trên vai, Khải thay đổi. Tuy học không giỏi, nhưng cũng không kéo chân lớp. Giờ thì theo đuổi đam mê ca hát.

Mơ cũng là học sinh khiến Du nhớ mãi. Nhà Mơ có điều kiện. Cha Mơ bắt con gái phải học đại học, nhưng Mơ chỉ thích nghề làm đẹp. Cha Mơ bảo, nếu không nghe lời, ông cắt hết sinh hoạt phí. Mơ chọn ước mơ của mình. Mấy đứa học trò cũ mỗi lần nói đến công việc, ước mơ, đều bảo: “Nhờ cô em mới có lựa chọn đúng đắn nhất”. Du không nghĩ mình đã tác động được gì lên chúng, nhưng vẫn thấy vui khi đứa nào cũng có cuộc sống vui vẻ.

Đám học trò nhao nhao lên kế hoạch đi du lịch. Chỉ cần du lịch mở cửa trở lại, cả bọn sẽ kéo nhau đi miền Trung. Ghé Hội An ngắm phố cổ. Lên Bà Nà ngắm mây bay. Ra Huế thưởng thức đặc sản mưa. Huế đang mùa mưa bay. Ngồi cà phê Chiều ngắm thành quách chìm trong mưa, chắc đẹp lắm. “Cô đi cùng tụi em đi cô”. “Lần này cô nhất định phải đi”. “Cô không đi, tụi em cứ đến ở lỳ đây”. Đám học trò mỗi đứa một câu, rộn rã y như đám chim sâu nơi cây măng cụt mỗi sớm khiến Du bật cười.

Bao nhiêu năm nay, Du ít khi cười. Từ hồi Huy không còn, Du cũng bỏ thói quen đi đây đó khi có thời gian. Chiếc ba lô du lịch từ lâu đã nằm mốc meo dưới ngăn tủ. Du nghĩ, chắc phải lấy ba lô ra giặt. Tranh thủ mấy hôm nay có nắng, nếu không quần áo xếp vào sẽ ám mùi ẩm mốc. Trước sân, đám hoa chiều tím đang nở tím rịm. Nắng vàng ươm rải đầy trên khoảng sân. Nắng hắt lên mấy cánh hoa rực rỡ. Hoa đung đưa trong gió. Hoa không buồn.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Return to top