ClockThứ Tư, 10/07/2019 10:32

Sản xuất đá không phép, gây ô nhiễm

TTH - Nhiều năm nay, đời sống của các hộ dân ở thôn 3, 4, 5 quanh khu vực mỏ đá xã Hương Hữu, huyện Nam Đông bị ảnh hưởng lớn do hoạt động khai thác và sản xuất đá của Công ty TNHH Thạch Phú Hưng.

Nuôi gia súc trong khu dân cư gây ô nhiễm

Nhà máy sản xuất đá của Công ty TNHH Thạch Phú Hưng đang bị đình chỉ sản xuất

Dù đã hết hạn khai thác từ năm 2011 nhưng công ty này vẫn sản xuất đá dân dụng.

Ruộng bị bồi lấp, khe suối khô cạn

Một cán bộ xã Hương Hữu dẫn chúng tôi vào khu vực khai thác đá và nhà xưởng chế tác đá. Theo ghi nhận tại hiện trường, quá trình cưa đá đã thải ra môi trường một lượng lớn bột đá. Số bột đá này được xử lý qua một hồ lắng nhưng theo người dân, khi nắng vẫn gây bụi mù mịt, khi mưa thì bột đá tràn ra khu vực ruộng lúa gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Cách đó không xa, con suối A Rò và khe Dầu là nguồn nước sinh hoạt chính của hàng chục hộ dân trong thôn đã bị bồi lấp, khô cạn. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi quãng đường rất xa để lấy nước. Theo người dân, nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động khai thác và sản xuất đá không đảm bảo môi trường của Công ty TNHH Thạch Phú Hưng gây ra.

Gia đình bà Lê Thị Chín ở thôn 4 có 3 sào ruộng, nhiều năm nay là nguồn lương thực chính của cả nhà. Từ khi công trình mỏ đá và nhà xưởng chế tác đá hoạt động, khu ruộng của bà bị hoang hóa, trơ sỏi đá không thể canh tác được. Tượng tự, ông Phan Văn Loi có 2 sào ruộng trong khu vực cũng bỏ hoang. Ông Loi nói, không những toàn bộ diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, giếng nước sinh hoạt của gia đình ông trước đây nhiều nước nhưng hiện cũng trơ cạn đáy, gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.

Ông Phạm Văn Cơn, Trưởng thôn 4 xã Hương Hữu cho biết, trước đây con suối A Rò rất nhiều nước nhưng nay bị khô cạn. Quá trình khai thác đá làm thay đổi hệ thống nước tự chảy dẫn đến thiếu nước sinh hoạt của nhiều hộ dân. Ruộng đồng cũng không có nước để canh tác. Nhà máy thường cưa xẻ đá vào đêm khuya gây ồn ào, không ngủ được. Trước mắt, đề nghị phía nhà máy có động thái để hỗ trợ cho dân; về lâu dài cần di dời nhà máy đi nơi khác.

Chủ tịch UBND xã Hương Hữu, ông Huỳnh Minh Tròn thông tin, kể từ khi nhà máy hoạt động đã gây nhiều hệ lụy cho dân. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị nhưng nhà máy vẫn lén lút sản xuất vào ban đêm. Xe chở đá cũng đã làm hư hỏng đường vào khu sản xuất của người dân thôn 4. Xã đã đề nghị huyện cử Phòng Tài nguyên và Môi trường lên nắm tình hình để có hướng khắc phục kịp thời.

Cần điều tra làm rõ những thiệt hại gây ra đối với môi trường, người dân

Ông Đặng Quốc Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thạch Phú Hưng thừa nhận, năm 2008 công ty được cấp giấy phép có thời hạn 3 năm nhằm tận thu những phiến đá trên mặt đất để làm đá dân dụng. Đến năm 2012,  mặc dù hết hạn nhưng công ty cam kết không khai thác đá mà chỉ gia công số đá đã khai thác trước đây nhằm giải quyết việc làm cho khoảng 30 công nhân. Trong quá trình sản xuất, có lúc thải ra lượng bột đá làm ô nhiễm môi trường nhưng việc làm suy giảm mạch nước ngầm thì không phải nguyên nhân từ phía nhà máy. Bởi công ty sử dụng công nghệ khoan đóng chèn nêm để khai thác đá trên mặt, tuyệt đối không có nổ mìn khai thác. Chúng tôi đang có kế hoạch tiếp tục xin UBND tỉnh tái khởi động dự án 13ha. Trong kế hoạch, sẽ có giải pháp để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tác động với người dân xung quanh; đồng thời, sẽ xem xét để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng.

Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Nam Đông thông tin, UBND tỉnh cho phép Công ty TNHH Thạch Phú Hưng khai thác tận thu từ năm 2008 đến 2011 hết hạn. Sau một thời gian tạm nghỉ, đến năm 2016, công ty này xin phép tiếp tục tận thu số đá đã khai thác. Quá trình khai thác theo cách tận thu, công ty đã thực hiện nghĩa vụ các khoản thuế, nhưng đã vi phạm một số nội dung như: Không có bãi thải mà thải thẳng bột đá ra môi trường gây ô nhiễm; không thẩm định về xả thải; gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân... Mới đây, Công an tỉnh đã phối hợp với công an huyện đình chỉ hoạt động của nhà máy, để phục vụ công tác điều tra.

Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ông Trần Quốc Phụng cho biết, Công ty TNHH Thạch Phú Hưng đã không có giấy phép cấp mỏ từ lâu, do hết hạn. Trước đây UBND tỉnh chỉ cấp giấy phép tận thu trong 3 năm chứ không cấp mỏ (2008- 2011). Nếu được phép khai thác trở lại, yêu cầu công ty phải có tất cả những điều kiện đảm bảo, có bãi thải, có giấy phép xây dựng nhà xưởng, không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người dân.  

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm

Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân vào giai đoạn làm đòng, sắp trổ đại trà, một số diện tích gieo cấy sớm đã trổ. Đây là giai đoạn quan trọng trong các thời kỳ sinh trưởng của lúa, gần như quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm tốt của vụ mùa với điều kiện không bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại.

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top