ClockThứ Ba, 10/08/2021 06:30

Sàng lọc phải đúng thực chất

TTH - Ngày 28/1/2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 28-CT/TW về: “Nâng cao chất lượng kết nạp Đảng và rà soát, sàng lọc đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Phát hiện sai phạm lâu nay chủ yếu từ thanh tra, kiểm tra và điều tra của cơ quan chức năng, trong khi khâu “rà soát, sàng lọc” là hết sức quan trọng, nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Công tác kiểm tra, “rà soát” và “ sàng lọc” trong Đảng cần được chú trọng.

Xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược: Cẩn trọng, loại bỏ 'hòn sỏi' mục ruỗng từ ban đầuChất lượng cán bộ là yếu tố quyết định

Bị cáo Nguyễn Thành Tài trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 16/9/2020. Ảnh: TTXVN

Mới đây, Ban chấp hành Trung ương khóa 13 quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Trước đó, một số cán bộ giữ chức vụ chủ chốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cán bộ cấp cao ở địa phương này bị khởi tố hình sự vì những vi phạm đến sử dụng đất công vụ. Đáng chú ý, ông Nam vi phạm từ hơn 10 năm trước, khi đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, lên Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng. Nếu không bị kỷ luật, ông Nam đã chính thức trở thành Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Không chỉ Bình Dương, một loạt cán bộ chủ chốt các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng... bị kỷ luật hoặc bị khởi tố hình sự vì đã vi phạm trong thời gian dài, nhưng không được kiểm tra cho đến khi lên giữ những chức vụ cao hơn.

Điều đáng bàn là những người bị kỷ luật đều là cán bộ cấp cao, người đứng đầu ở những cơ quan Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, quản lý nhà nước, phần lớn vi phạm khi còn giữ chức vụ thấp. Ngoài ra còn có hàng ngàn trường hợp khác từ trung ương, địa phương bị kỷ luật trong nhiệm kỳ khóa 12 cũng có những điểm tương tự.

Những dấu hiệu ban đầu, những quan hệ xung quanh “nhóm lợi ích”, vi phạm nhỏ đã không được cấp có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện ngay từ đầu. Sai phạm của lãnh đạo từ khi đang giữ chức vụ nhỏ đến khi được đề bạt cao hơn đã làm cho công tác kiểm tra, xác minh càng khó khăn hơn. Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã cố tình làm sai quy định từ khi đang còn là Phó Chủ tịch, qua mấy nhiệm kỳ, chức vụ ngày càng cao hơn. Do không được “sờ gáy” đã tạo cho cán bộ sai phạm ảo tưởng không ai biết, tìm cách tạo ra những che chắn sai phạm, tâm lý chủ quan với chức vụ cao hơn của mình.

Ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND T.P Hồ Chí Minh khai trước tòa cho rằng, mình sai do không nắm kỹ vấn đề, nhưng lại cố tình giấu chuyện đối tượng đã “ứng” cho ông 10 ngàn USD đi chữa bệnh một cách “vô tư” liệu có liên quan đến quyết định của ông?

Hay như Nguyễn Xuân Anh “mượn nhà”, “nhận xe ô tô” không phải là “món quà vô tình” của doanh nghiệp đưa đến “tặng” một cách vô tư, nếu như không có những lợi ích phía sau! Những món quà hữu hình, vô hình, những hứa hẹn, bắt tay “sau hậu trường” không thể cho là vô tư giữa những mối quan hệ đó. Lãnh đạo càng cao, tính chất quyết định càng lớn thì những khoản hoa hồng, “ơn nghĩa” càng lớn.

Cán bộ vi phạm có nhiều nguyên nhân, nhưng có một khâu là kiểm tra của các tổ chức Đảng chưa làm tròn chức năng về quản lý, giám sát đảng viên có dấu hiệu vi phạm.

Những năm gần đây, công tác phát hiện vi phạm của đảng viên, lãnh đạo hầu hết đều qua kiểm tra của cấp trên, ở cơ sở hầu như không phát hiện, dù nhiều vụ việc dấu hiệu tương đối rõ ràng. Tâm lý e ngại, sợ đụng chạm, sợ bị trù dập cùng với tư tưởng dĩ hòa vi quí, nể nang và cả những lợi ích cục bộ tạo ra những rào cản khó phá vỡ trong từng tập thể. Phê bình được cho là vũ khí sắc bén đấu tranh trong Đảng ở nhiều nơi không còn đúng thực chất chỉ vì không ai dám phê bình, dám dũng cảm tố cáo sai phạm của cấp trên.

Có chăng chỉ mới xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân, từ ảnh hưởng quyền lợi hoặc có sự giật dây của cục bộ, phe nhóm. Khi có những dấu hiệu không trong sáng, giàu lên bất thường, có dư luận xấu cấp trên chưa chủ động “kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm” theo Điều 31 Điều lệ Đảng. Nhiều nơi còn làm hình thức, kết luận theo kiểu đánh giá, không kết luận cụ thể rồi cho “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Đó cũng là một kiểu chạy tội, bao che, dung dưỡng cho cán bộ tiếp tục sai phạm.

Để chủ động phòng ngừa đòi hỏi phải chủ động công tác kiểm tra, xem xét ngay từ đầu, từ khâu quy hoạch đến đề bạt, từ khi còn giữ chức vụ nhỏ. Chủ động rà soát, sàng lọc thường xuyên, không chờ đến nhận xét cuối năm, cuối nhiệm kỳ hoặc xác minh chuẩn bị quy hoạch, bầu cử, bổ nhiệm.

Để đảm bảo cho cán bộ khi giới thiệu đúng người đòi hỏi mỗi kết luận của cấp trên là khâu đảm bảo quan trọng cho uy tín, chất lượng cán bộ. Làm không đúng, làm chậm hoặc làm qua loa, kết luận không khách quan sẽ tạo ra dư luận không tốt về cá nhân, tập thể, uy tín của Đảng.

Những sai phạm qua 2 nhiệm kỳ như ông Trần Văn Nam được xem như “Con voi chui lọt lỗ kim”, là sự tắc trách khó chấp nhận. Rà soát, sàng lọc qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn để lọt cán bộ có sai phạm nghiêm trọng, bị cách chức vụ là sự việc nghiêm trọng. Công tác “sàng lọc” không làm chu đáo dễ gây nên tình trạng có “sàng” nhưng không “lọc”.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top