ClockThứ Bảy, 18/11/2017 10:03

Sang nhờ vợ...

TTH - Chỉ dạy thay cho giáo viên bộ môn có mấy tiết trong suốt 3 năm học cấp III, nhưng "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", được tin thầy ốm đau, gia cảnh sa sút, anh em trong lớp chúng tôi vận động nhau chung tay giúp đỡ. Vì chỉ được học có mấy tiết, lại đã hơn 30 năm kể từ lúc ra trường, nhiều người phải nhắc mãi mới nhớ ra có người thầy tên ấy, dạy môn ấy, nhưng ai cũng nhiệt tình, kể cả có bạn đang ở Mỹ, ở Nhật nghe tin cũng gửi tiền về "góp gió".

Công việc bù đầu ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng được lớp giao nhiệm vụ, bạn tôi vui vẻ  thu xếp công việc, dọ hỏi, chạy xe hơn chục cây số, chui không biết bao nhiêu là ngõ là ngách mới tìm được nhà. Lúc bạn tôi đến, thấy ấm lòng là có đại diện một số lớp, một số khóa cũng đã có mặt. Thầy thì bây giờ mỗi ngồi một chỗ, lúc nhớ lúc quên. Đón và giao tiếp với khách chủ yếu là người vợ của thầy.

Sốc, và buồn! Đó là tâm trạng của bạn tôi, và của đại diện nhiều lớp khác khi ra về. Không một lời thăm hỏi xã giao, không một lời cảm ơn, dù là đưa đẩy. Người vợ của thầy cứ nhăm nhăm hỏi: Lớp nào? khóa nào? bao nhiêu? bao nhiêu?... "Thật thô thiển và phản cảm. Bà ấy cứ làm như đấy là trách nhiệm đương nhiên của lũ học trò! Mà không phải là cảm nhận của riêng mình đâu nhé, cùng ra về một lần, trao đổi với nhau, ai cũng đều có suy nghĩ như vậy."- Bạn tôi kể trong lần về thăm Huế mới rồi. Cũng vì kiểu ứng xử dở ẹc của bà vợ, nên có người nói lẫy: "Lớp dự định sẽ có kêu gọi tiếp đợt 2, đợt 3... Nhưng thôi, có lẽ nên stop".

Chuyện làm tôi nhớ lại một lần, đang đi trên đường thì gặp thầy giáo của mình đang khệ nệ đẩy bộ chiếc xe đạp đèo cái ghế gỗ to tổ chảng phía sau. Thấy thầy gò lưng đẩy, mồ hôi mồ kê nhễ nhại dưới cái nắng chang chang lúc xế trưa, không đành lòng, tôi chạy lại chào rồi kiếm dây, đưa chiếc ghế sang xe mình chở về tận nhà cho thầy. Đến cửa thì cũng vừa lúc vợ thầy đi đâu về. Bà nhìn tôi với chiếc ghế như người từ hành tinh khác ghé chơi. Chưa kịp cất tiếng chào bà đã hất mặt: "Ghế đâu ra thế?". "Của ba đấy, nhà trường hóa giá"- Thầy giáo của tôi đỡ lời, vẻ hồ hởi. Nhưng chưa kịp dứt tiếng thì đã nghe bà vợ tru tréo: "Ôi dào, nhà thiếu ghế à, sao ông còn rước cái của nợ ấy về?!!". Tôi hoảng hồn, dỡ ghế xuống bàn giao, rồi thoát lẹ. Từ dạo ấy, nhà thầy là địa chỉ đầy... kiêng kị của tôi. Người đâu mà lạ. "Đúng phép" ra, bà ấy nên cảm ơn tôi một tiếng, sau đó, khi chỉ còn 2 vợ chồng thì có nổi tam bành cũng còn kịp kia mà!

Có câu "Giàu nhờ bạn sang nhờ vợ". Nghề giáo với nhiều người là nghề thanh bần, khó giàu (tất nhiên, trừ những trường hợp chạy sô với các cua dạy thêm như sau này), song là nghề được cả xã hội tôn vinh, kính trọng. Vậy thì những bà vợ đáng kính ơi, nếu không làm sang trọng thêm được cho chồng mình thì cũng đừng nên ứng xử quá thô thiển để khỏi làm tổn thương hình ảnh "ông giáo", ít nhất là trong mắt những đứa học trò của chồng mình...

Hy Khả

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ

Bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ Trần Văn Anh bắt đầu từ năm 2015 đến nay đã được 9 năm đồng hành cùng với quý người già neo đơn, nghèo khó. Đây là chương trình giúp đỡ và bảo trợ đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị).

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ
Return to top