ClockThứ Hai, 27/01/2014 06:22

Sáng tạo để Huế thêm sức sống

TTH - Năm 2013 được xem là năm thành công Le Brothers-hai anh em sinh đôi-nghệ sĩ thị giác Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải với cả hai phương diện: sáng tạo cá nhân và vai trò điều hành N.S.A.F (New Space Art Foudation).

Ngoại trừ các dịp Festival hai năm một lần, gần như công chúng Cố đô Huế chỉ tiếp xúc với nghệ thuật đương đại trong nước và quốc tế thông qua NSAF. Vậy NSAF đã làm gì và bằng cách nào để các nghệ sĩ quốc tế đến với NSAF?

Trước khi thành lập năm 2008, New Space Arts Foundation đã mở một trang web để quảng bá, ở đó, chúng tôi đưa ra những chương trình hoạt động và mẫu đơn đăng ký. Trong thời đại thông tin, chúng tôi nghĩ, tất cả các thông tin để tìm về một địa chỉ nghệ thuật đã có sẵn trên mạng internet, họ có thể dùng những từ khóa để tìm ra chúng tôi và các hoạt động nghệ thuật của chúng tôi. Đồng thời, những nghệ sĩ đã từng tham gia chương trình có thể giới thiệu bạn bè đến với NSAF. Chúng tôi có một hệ thống giám tuyển, những người bạn thân thiết, họ sẽ giúp đỡ trong quá trình quảng bá. Khi nhận được đơn đăng ký, cứ sáu tháng một lần, chúng tôi có những cuộc họp với ban cố vấn và ở đó, ban cố vấn sẽ chọn ra những nghệ sĩ theo đúng với mục đích và tiêu chí của NSAF.

Giường nội trú, sắp đặt, Le Brothers

Chúng tôi hoạt động theo các tiêu chí từng năm. Năm 2013, chúng tôi thiên về các hoạt động giáo dục nghệ thuật. Nghệ sĩ phải có trách nhiệm với công chúng Huế trong việc giáo dục thưởng thức nghệ thuật đương đại. Khi đến đây thì họ đều tổ chức các workshop giảng dạy trong thời gian ngắn. Đây là một tín hiệu tích cực, các học viên đều có tác phẩm, kết quả và báo cáo rất tốt. Qua đây, nghệ sĩ có thể tương tác và tiếp xúc với nghệ sĩ địa phương, hiểu thêm về thành phố và biết cách giới thiệu tác phẩm tốt hơn. Biết công chúng cần gì, thiếu gì.

Singapore Biennale 2013 là sự kiện triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có 10 tác phẩm và 11 nghệ sĩ tham gia. Hai anh cảm thấy thế nào khi mình được chọn tham dự triển lãm?

Singapore Bienale 2013 là một chương trình hết sức thú vị cho nghệ thuật đương đại. Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự, khi có được trải nghiệm lần đầu tiên ở sân chơi khu vực. Qua đấy chúng tôi thấy được tinh thần nghệ thuật của các nghệ sĩ khu vực Đông Nam Á trong các tác phẩm. 10 tác phẩm, 11 nghệ sĩ của Việt Nam đã phần nào khái quát được đời sống nghệ thuật đương đại trên đất nước mình. Công chúng có cơ hội hiểu hơn về cách tiếp cận, thao tác thực hành từ các chất liệu vốn có và các phương tiện mới của nghệ sĩ Việt Nam.

Singapore Bienale 2013 cho chúng tôi có cơ hội được xem, được ngắm, được nhìn thấy và tiếp xúc với tác phẩm của các nghệ sĩ quốc tế khác, với những ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, đó là điều may mắn. Được chiêm nghiệm, thực hành ở một lễ hội nghệ thuật tầm cỡ, 1 trong 10 Biennale lớn nhất thế giới (có khoảng 600 Bienale trên toàn cầu), chúng tôi cảm thấy rất tự hào.

Các anh thấy tác phẩm mình như thế nào khi so sánh với nghệ sĩ trong khu vực?

Việc so sánh thực sự rất khó, nhưng chúng tôi vẫn luôn tin tưởng rằng, tác phẩm chúng tôi đã truyền tải được thông điệp nghệ thuật tương đối thuyết phục tới công chúng, người yêu nghệ thuật, qua đấy họ hiểu được phần nào diện mạo nghệ thuật đương đại Việt Nam. Đặc biệt, sống và làm việc tại Huế, một thành phố yên bình, ít bị tác động từ bên ngoài, chúng tôi hoạt động nghệ thuật để làm cho Huế có thêm sức sống. Đây là điều thú vị với công chúng quốc tế khi đến Việt Nam, bởi vì đối với họ, nghệ thuật đương đại ở Việt Nam được họ nhìn nhận như là một đơn vị nhỏ lẻ và không rực rỡ khi so sánh với các nước khác.

Được biết hai anh được chọn làm đại sứ nghệ thuật cho Việt Nam của dự án Worldwide Peace Marker Project Colletive trong đó mỗi quốc gia chỉ có một nghệ sĩ đại diện. Cụ thể các anh sẽ phải làm gì trong vai trò đại diện?

Đây là một tổ chức phi chính phủ. Với vai trò là một đại sứ, dù chưa có nhiều chương trình làm việc giữa hai bên nhưng chúng tôi luôn hướng mục đích làm việc vì hòa bình như tiêu chí của dự án. Không thúc ép, mà cùng nhau chia sẻ thông điệp hòa bình thông qua nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại. Chúng tôi sẽ giới thiệu ra quốc tế các nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu, cũng như các hoạt động nghệ thuật tại nước mình thông qua các chương trình hoạt động hợp tác với của tổ chức này.

N.S.A.F và Le Brothers năm 2014 sẽ có điểm gì mới?

Năm 2014 là một năm bận rộn vì đây cũng là năm diễn ra sự kiện lớn Festival Huế lần thứ 8. Bên cạnh tổ chức các triển lãm, chúng tôi sẽ tổ chức giám tuyển cho một nhóm nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là nghệ sĩ Việt Nam thiên về nghệ thuật đa phương tiện; xếp lịch nghiệm trú cho các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Các nghệ sĩ có các dự án chưa hoàn thành vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2014 và tổ chức triển lãm trong năm. Như nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai vừa trở về từ chương trình nhiệm trú ở Hàn Quốc, nghệ sĩ Hoàng Anh tiếp tục dự án từ 2013 sang 2014, nghệ sĩ Trương Thiện, vừa kết thúc chương trình nhiệm trú ở Singapore. Nghệ sĩ Lê Quốc Hoàn sẽ tham gia chương trình nhiệm trú hợp tác với The Hive, Hàn Quốc trong 3 tháng gần cuối năm. Tổng cộng có khoảng 12 nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia chương trình trong năm 2014. Họ sẽ tổ chức song song việc sáng tác và các hoạt động giáo dục - mở workshop.

Le Brothers chúng tôi trong năm tới vẫn sẽ liên tục làm việc và kết thúc dự ánThe Game - ba kênh màu 36 tiếng, mỗi kênh 12 tiếng. Song song đó, chúng tôi sẽ thực hiện các dự án mới đa phương tiện: vẽ, sắp đặt, tương tác trình diễn trong tác phẩm.

Cảm ơn hai nghệ sĩ!

Võ Xuân Huy (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

Phòng tranh con giáp do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những góc nhìn thú vị về rồng - loài linh vật trong truyền thuyết.

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ
Ngắm di sản từ “Vọng Huế”

Hơn 20 tác phẩm hội họa vẽ về đề tài di sản Huế vừa được họa sĩ Lê Hữu Long giới thiệu đến công chúng tại triển lãm có tên “Vọng Huế”, khai mạc chiều 10/1 tại Tạp chí Sông Hương (9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế).

Ngắm di sản từ “Vọng Huế”
Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên

Sáng 9/1, Hội sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp với Đoàn thanh niên trường tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2024 chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2024).

Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên
“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu

Đặng Mậu Tựu, một họa sĩ tràn đầy năng lượng sáng tạo không biết mệt mỏi. Trở về với quê hương bản quán Bình Định, với nơi chôn nhau cắt rốn, ông mang theo cả một gánh hành trang nặng trĩu trái tim mình trong những câu chuyện của sắc màu. Vẫn phong cách tươi tắn sôi nổi, nhiệt huyết yêu thương của một họa sĩ của xứ dừa Tam Quan nhưng lỡ say mê sông Hương núi Ngự, ngỡ rằng đang ẩn mình trong cõi chiêm bao, hóa ra lại trần thế như một hạt bụi nhân gian vô thường vậy.

“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top