ClockThứ Năm, 26/11/2015 14:26

Sáng tạo quà lưu niệm cho thị trường du lịch

TTH - Trong xu thế phát triển, để khai thác các giá trị văn hoá truyền thống cần chú ý đến sự kế thừa có tính phát triển, sáng tạo. Ở Huế, sự sáng tạo trong các sản phẩm truyền thống dường như vẫn còn rất mới mẻ.

Từng là kinh đô trong suốt 143 năm (1802-1945) Huế là nơi hội tụ nhiều giá trị di sản, nghề thủ công truyền thống với những sản phẩm tinh xảo bậc nhất. Lịch sử đã để lại cho Huế một kho tàng văn hoá lớn, những giá trị vàng trong tiềm năng dịch vụ du lịch, đặc biệt là thị trường quà tặng. Mặc dù vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hiện nay, thị trường hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng phục vụ du lịch Huế vẫn còn nhiều yếu kém, chưa tương xứng với mong đợi của du khách.

Sản phẩm đèn xếp Huế

Phát triển nhóm quà tặng sáng tạo

Đến các nước có sự phát triển về du lịch như Thái Lan, Malaysia, Singapore… chúng ta dễ dàng nhận thấy sự nhộn nhịp đầy hào hứng của du khách đối với hàng lưu niệm. Những món quà đơn giản nhưng sáng tạo, không quá xa xỉ nhưng độc đáo khiến du khách “bị móc túi” một cách ngọt ngào, tự nguyện.

Máy in khắc cắt CNC

Để đem lại diện mạo mới của một ngành nghề là một điều không đơn giản, nó cần một quá trình với sự phối kết hợp của nhiều bên liên quan. Nhưng cốt lõi nhất theo chúng tôi, phải tạo nên sự hấp dẫn, giá trị cạnh tranh từ chính chất lượng và hình thức sản phẩm mà bước đột phá là chú trọng phát triển nhóm quà tặng sáng tạo. Để tạo nên một thị trường cung ứng hàng quà tặng sáng tạo, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ ở Huế nói chung và các làng nghề truyền thống nói riêng cần nhận thấy được vai trò của sự sáng tạo đổi mới sản phẩm. Sự sáng tạo trong cải tiến sản phẩm thủ công mỹ nghệ thể hiện rõ nét nhất ở năm khía cạnh: chất liệu, công năng sử dụng, phương thức sản xuất, đáp ứng nhu cầu khách hàng tiềm năng, mẫu mã bao bì sản phẩm.

Dù - nón Trúc Chỉ. Ảnh: Thanh Vân

Sự đa dạng về chất liệu sẽ góp phần tạo nên sự phong phú cho sản phẩm. Bên cạnh những chất liệu truyền thống như: đồng (Phường Đúc), mây tre (Bao La, Thuỷ Lập), gốm (Phước Tích), cẩn - khảm xà cừ (Địa Linh), gỗ điêu khắc (Mỹ Xuyên), kim hoàn (Kế Môn), tranh giấy (Làng Sình), hoa giấy (Thanh Tiên), thêu (Thuận Lộc), dệt zèng (A Lưới) thì những chất liệu như đá, thuỷ tinh, nhựa composite và những vật liệu thường có mặt trong thị trường hàng du lịch chưa được sử dụng nhiều ở Huế. Ngoài ra sự kết hợp các chất liệu, kết hợp giữa các ngành nghề có thể tạo ra nhiều dấu ấn sáng tạo mới, thể hiện rất rõ khi sản phẩm tạo được sự liên kết nhiều chức năng sử dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, khiến quà tặng lưu niệm trở nên hữu ích hơn trong cuộc sống, gia tăng sự thoả mãn của khách du lịch. Việc tích hợp thêm những mục đích sử dụng khác cần được khai thác nhiều hơn khi tạo nên những sản phẩm mới. Chẳng hạn sản phẩm Đèn xếp Huế của cơ sở Can Studio vừa chuyển tải vẻ đẹp truyền thống của tranh dân gian Làng Sình, tranh phong cảnh, tranh của các danh họa... lại vừa để dùng trong không gian nhỏ, cần ánh sáng vừa, khơi dậy cảm xúc, sự lãng mạn khi sử dụng.

Đèn Trúc Chỉ. Ảnh: Thanh Vân

Ứng dụng công nghệ mới

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ chế tác mới, việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ năng suất và hiệu quả hơn, có những cách làm mới giúp tạo nên những sản phẩm mới lạ. Ứng dụng các công nghệ mới vào cải tiến sản phẩm là một phương pháp cần được quan tâm trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hóa, để tạo nên các sản phẩm sáng tạo có hiệu quả kinh tế cao. Ví dụ, để điêu khắc một phù điêu hay chạm lọng một mẫu gỗ, sau khi có bản vẽ thiết kế trên máy vi tính, máy khắc cắt CNC có thể giúp tạo ra sản phẩm tương đối hoàn chỉnh, thợ thủ công chỉ tiếp tục làm đẹp và cân đối lại các chi tiết rất nhỏ. Các mặt hàng phục vụ du lịch, việc ứng dụng công nghệ là vô cùng cần thiết để tạo nên hàng loạt sản phẩm, đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường.

Đồ gốm tích hợp ly ăn súp và khay đựng bánh theo phong cách phương Tây

Tính sáng tạo còn thể hiện ở việc đáp ứng nhu cầu khách hàng tiềm năng. Ngoài việc thoả mãn các yêu cầu chung của nhiều khách du lịch như: Sản phẩm cần gọn, nhẹ, dễ vận chuyển, độ bền và mức độ an toàn cao, giá cả “mềm”, thị trường cung ứng quà tặng Huế cần chú trọng những sản phẩm thể hiện sự quan tâm đến các đối tượng du lịch riêng biệt. Chẳng hạn nhóm du khách phương tây, nhóm du khách nội địa, nhóm trí thức (trong các hội nghị, hội thảo tổ chức tại Huế), nhóm thanh niên, nhóm phụ nữ, nhóm trẻ em...

Hình thức bao bì sản phẩm cũng góp phần thể hiện sự đổi mới, phát triển nền công nghiệp hàng hoá giàu tính sáng tạo.Thay vì dùng những túi nilon thuần tuý như hiện tại, các cơ sở cần đầu tư thay đổi mẫu mã, kiểu dáng những vật dụng bao bọc sản phẩm. Cần chinh phục du khách từ cái nhìn đầu tiên, giá trị của sản phẩm phải thể hiện ngay từ bao bì chứ không nên coi nhẹ “cái bên ngoài”. Đồng thời, cần sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường, cách làm mà nhiều ngành du lịch trên thế giới đã và đang chú ý đến.

Ngoài ra, bao bì cần tạo nên những dấu hiệu nhận biết riêng biệt, phù hợp với sản phẩm, thoả mãn cả chức năng thẩm mỹ lẫn công năng sử dụng góp phần tạo dựng nên giá trị của thương hiệu, xây dựng giá trị ghi nhớ lâu bền trong lòng du khách.

Chuyển tải văn hóa địa phương

Để tạo sự sáng tạo, độc đáo, chúng ta cần đề cao việc kết hợp chuyển tải những giá trị văn hoá địa phương bên trong những sản phẩm mới. Sự lãng quên tính truyền thống, hoặc chỉ biết sao chép rập khuôn những mẫu đã có chỉ biến chúng ta thành những cỗ máy photo copy nhàm chán, không tạo nên được thương hiệu và không đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch.

Sản phẩm đèn xếp Huế được đánh giá cao tại nhiều cuộc thi sáng tạo toàn quốc.

Để thúc đẩy môi trường sản xuất hàng thủ công sáng tạo theo hướng đi trên, cần sự nỗ lực chuyển biến tích cực từ nhiều phía, đầu tiên từ các nghệ nhân ở cơ sở, từ sự hỗ trợ của các chuyên gia và đội ngũ thiết kế mỹ thuật chuyên nghiệp, những người có khả năng sáng tạo mới, sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước.

Từ những đòi hỏi của sự phát triển sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch Huế, nên có một trung tâm tư vấn thiết kế mẫu mã cho các cơ sở sản xuất hàng quà tặng, lưu niệm và các làng nghề. Trung tâm này sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm vừa đẹp, vừa độc đáo, vừa hấp dẫn du khách. Với lợi thế hiện nay, Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật, Huế được xem là nơi tập hợp đội ngũ những chuyên gia thiết kế hàng đầu ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sẽ là đội ngũ cốt yếu hỗ trợ trung tâm tư vấn thiết kế phát triển bền vững và hiệu quả. Từ đó, nhiều mẫu thiết kế quà tặng sáng tạo mới sẽ xuất hiện.

Nguyễn Thị Thanh Trà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng

Trong khi vườn hoa hướng dương toả sắc vàng nằm ở khu đất cạnh lòng hồ Khe Ngang thuộc thôn Chầm (phường Hương Hồ, TX. Hương Trà) được người dân, du khách đến tham quan trầm trồ khen ngợi thì chủ nhân của nó lại ngậm ngùi vì vườn hoa sẽ bị tháo dỡ trong nay mai.

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng
Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách

Suối Tiên – một trong những không gian du lịch còn khá hoang sơ nằm sâu trong lòng hồ Thủy Yên thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc không chỉ có cảnh sắc thơ mộng, sự bình yên vốn có của núi rừng thời gian gần đây trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách
Du lịch Thủy Yên: Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ

Không chỉ là công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta lúa và hoa màu, hồ Thủy Yên nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc giờ đây nổi tiếng là điểm đến du lịch. Từ dưới chân hồ, những chiếc thuyền du lịch đón khách ngắm cảnh giữa lòng hồ, ngược theo dòng nước đi sâu vào những suối thác với vẻ đẹp thơ mộng hoang sơ.

Du lịch Thủy Yên Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ
A nor hút khách gần, xa

Từ một địa điểm hoang sơ, thác A nor (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) trở thành điểm đến hấp dẫn khi du khách ghé thăm miền sơn cước này. Mô hình du lịch cộng đồng tại đây đã tạo ra sinh kế cho người dân.

A nor hút khách gần, xa
Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

Cuối tháng mười, tôi bắt gặp những hình ảnh xưa cũ ở những đô thị Tây Nguyên vừa như đang ngái ngủ vừa như đang cựa mình. Những hình ảnh thấp thoáng sau vạt nắng nhẹ sắp sửa mùa khô vốn chỉ đủ sưởi ấm một nửa tán lá cây. Nửa còn lại đương ủ sương chưa vội tan đi.

Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

TIN MỚI

Return to top