ClockThứ Năm, 11/11/2021 16:14

Sáng tạo với phù điêu

TTH - Từ những hoa văn, họa tiết thường dùng với ý nghĩa tâm linh, những bức tranh phù điêu được biến tấu, thay đổi kiểu cách để làm đẹp thêm cho những mảng tường khô khan. Không chỉ tươi mới, lạ mắt, phù điêu đắp nổi đã mang lại thu nhập ổn định cho các bạn trẻ xứ Huế.

Tỉ mỉ tô màu cho phù điêu đắp nổi

Ngay từ tên gọi

Tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế, công việc đầu tiên mà Lê Minh Hùng, chàng trai sinh năm 1990 làm là vẽ tranh tường. Minh Hùng cho biết: “Ba mình cũng là họa sĩ nên mình có thêm động lực để đến với nghề. Từ tranh tường, mình nỗ lực học hỏi không ngừng để đa dạng phong cách và hình thức thể hiện. Phù điêu là một trong những thử thách khó vượt qua”.

Khác với vẽ tranh đơn thuần, phù điêu là tổng hòa của tranh vẽ và điêu khắc. Phù điêu thành hình bằng cách đắp nổi hoặc khoét lõm để tạo ra chi tiết, sau đó phối kết hợp với màu vẽ để hoàn thiện sản phẩm. Phù điêu có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Nhưng vài năm trở lại đây, hình thức nghệ thuật này dần biến tấu, trở thành trào lưu mới khi các hộ gia đình chọn lựa phù điêu để trang trí nhà cửa.

Nguyễn Văn Tiên, gắn bó với phù điêu 2 năm nay, chia sẻ: “Không chỉ mang hơi thở hiện đại, phù điêu trang trí gia đình còn có ý nghĩa đặc biệt về mặt phong thủy. Điều đó được thể hiện bằng sự cập nhật không ngừng về kiểu mã, sắc màu như mã đáo thành công, cửu ngư quần hội, thuận buồm xuôi gió, các loài động vật mạnh mẽ và đẹp như chim công, sư tử, đại bàng…”. Ngay cả với tên gọi phù điêu, nhiều người đã bình dị gọi thể loại này bằng tranh đắp nổi, được yêu chuộng và sử dụng để tăng thêm vẻ đẹp cho ngôi nhà.

Làm nên các bức tranh phù điêu đắp nổi hầu hết đều là những vật liệu bền, đa dạng như xi măng, thạch cao, gỗ, đá…Trong đó, đa phần Lê Minh Hùng và Nguyễn Văn Tiên chọn lựa xi măng để gia công các bức phù điêu bởi tính ứng dụng cao và giá thành phù hợp.

Minh Hùng phân tích: “Xi măng có độ bền cao, chi phí thấp và tính nghệ thuật cũng không thua kém các vật liệu khác. Hơn nữa, phù điêu xi măng là vật liệu dễ chỉnh sửa mà không cần tạo mẫu trước nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí”. Và điều này cũng tạo nên đặc trưng cho những họa sĩ phù điêu đắp nổi. “Vì làm việc trực tiếp nên đòi hỏi họa sĩ phải có tay nghề cao. Cũng như mỗi tác phẩm phù điêu sẽ mang đậm dấu ấn của người tạo nên nó”, Nguyễn Văn Tiên nói.

“Phù thủy” của xi măng

Để biến xi măng từ vật liệu tưởng chừng quen thuộc nhất trở thành những tác phẩm nghệ thuật, những họa sĩ phù điêu đắp nổi phải trải qua nhiều công đoạn như làm cốt, da, chi tiết, xả nhám, lót và tô màu. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Theo Nguyễn Văn Tiên, tùy vào dạng tranh mà người làm cần đến cả cốt thép để cố định mẫu. Như tranh mã đáo thành công chẳng hạn, mỗi con trong số tám con ngựa đều phải được cố định bằng khung thép vững chãi để đỡ được sức nặng của phần xi măng đắp nổi ra ngoài như đầu, chi, bờm ngựa.

Sau công đoạn làm cốt, da, việc tỉa chi tiết phải thật tỉ mỉ để làm bật sắc thái và biểu cảm của từng chú ngựa. Nhưng tựu trung phải đảm bảo yêu cầu khắt khe như ngựa phải khỏe mạnh, vạm vỡ và mang lại năng lượng tích cực. “Vì thế, ngoài các dụng cụ như bay, bút sắt, chúng mình phải chế các dụng cụ khác như tăm, vỏ cây hay thậm chí là muỗng, nĩa để đi những nét phức tạp mà các dụng cụ hay dùng không thể tạo hình nên được”, Tiên chia sẻ kinh nghiệm.

Ngoài phần gia công phức tạp, khác với những bức tranh tường, phù điêu đắp nổi còn tinh tế đến từng chi tiết. Lê Minh Hùng nói: “Bởi thế, đến cả ánh sáng bình minh hay hoàng hôn hắt vào phòng, chúng mình cũng phải tính toán cẩn thận. Chỉ khi nào phần bóng của phù điêu và bóng nắng hài hòa, lúc ấy phù điêu mới đạt hiệu ứng hình ảnh tốt nhất”.

Nguyễn Văn Tiên và Lê Minh Hùng đã và đang mang những bức tranh phù điêu đắp nổi đến gần hơn với nhiều người. Cùng nhau tạo nên những sản phẩm chất lượng, hai bạn trẻ xứ Huế còn thường xuyên chia sẻ những video để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm đến những người có chung đam mê. Nguyễn Văn Tiên cho biết, hiện tại mỗi bức phù điêu đắp nổi có giá dao động từ 10 - 30 triệu đồng, tùy diện tích và độ phức tạp. Dạng tranh này đang rất “hot” ở các tỉnh phía Bắc và dần trở thành trào lưu tại Huế. “Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, chúng tôi đã được thỏa sức sáng tạo với đam mê từ loại hình nghệ thuật mới này”, Nguyễn Văn Tiên hồ hởi.

Bài: Mai Huế

Ảnh: Nhân vật cung cấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

Những hoạt động của chiến dịch “Hãy làm sạch biển” không chỉ góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường biển mà còn truyền thông điệp về tình yêu với biển, với Tổ quốc.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng

Vòng xe chúng tôi lăn bánh từ Nghệ An rồi trở lại Huế, chưa có chuyến đi nào đầy cảm xúc như chuyến đi này. Mỗi gia đình người hiến mô/tạng là một câu chuyện khác nhau, song tựu trung vẫn là cái nhìn vị nhân sinh, sự cho đi nặng trĩu tình người…

Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng
Không để xảy ra biến tướng, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi trong dịp Tết

Chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, Bộ vừa có văn bản đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo, các cơ sở tín ngưỡng bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

Không để xảy ra biến tướng, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi trong dịp Tết

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top