ClockThứ Sáu, 09/09/2016 13:55

Sát cơ sở, hỗ trợ hiệu quả

TTH - Những ngày gần đây, ngư dân trên địa bàn tỉnh phấn khởi khi nhận được hỗ trợ kịp thời sau sự cố môi trường biển vừa qua. Tuy nhiên, trăn trở và mong muốn của ngư dân lúc này, nhất là những ngư dân đánh bắt ven bờ là được hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp, đảm bảo sinh kế lâu dài.

Theo đánh giá bước đầu, sự cố môi trường biển gây ảnh hưởng cho  gần 3 nghìn tàu thuyền đánh bắt gần bờ với trên 6 nghìn hộ, 30.450 khẩu bị ảnh hưởng, hơn 1 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Thời gian qua, các địa phương cơ bản làm tốt việc thống kê thiệt hại và nắm bắt nguyện vọng hỗ trợ ổn định sinh kế lâu dài của ngư dân bị ảnh hưởng. Ngoài niêm yết công khai danh sách thiệt hại, một số địa phương còn có sổ góp ý để tại nơi niêm yết danh sách để người dân góp ý, đề xuất nguyện vọng như ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc). Với cách làm công khai, minh bạch, vấn đề hỗ trợ, đền bù ngư dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển nhận được sự đồng thuận của người dân.

Tuy nhiên, vấn đề hỗ trợ ngư dân ổn định sinh kế lâu dài lại đang gặp phải nhiều khó khăn. Qua khảo sát, nhu cầu chuyển đổi nghề của các nhóm đối tượng hết sức đa dạng, như chuyển từ nghề đánh bắt qua nuôi trồng thủy sản, phát triển trang trại, chăn nuôi, học nghề mới… Chính vì vậy, để hỗ trợ sinh kế lâu dài cho ngư dân một cách hiệu quả cần tiến hành khảo sát kỹ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa phương cụ thể. Chẳng hạn, những ngư dân vẫn thiết tha bám biển đa phần đều lớn tuổi, thiếu cả sức khỏe lẫn kiến thức, kinh nghiệm điều hành những con tàu lớn và cách đánh bắt xa bờ. Những người trẻ có sức khỏe, trình độ lại không thiết tha với nghề. Điều này không phải sau sự cố môi trường biển mới xuất hiện mà diễn ra từ lâu, khiến nhiều làng biển thiếu lao động. Một số ngư dân có nguyện vọng xuất khẩu lao động, nhưng lại gặp khó về tay nghề, tác phong lao động công nghiệp không dễ lọt mắt các nhà tuyển dụng. Một số ngư dân không có điều kiện và nhu cầu tiếp tục bám biển mong  muốn được cấp đất để phát triển trang trại. Nhưng vùng ven biển, quỹ đất không nhiều lại chủ yếu cát trắng nên điều này cũng không dễ thực hiện.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, cần tiếp tục khảo sát kỹ hơn để xây dựng các chính sách, đề án chuyển đồi nghề cho ngư dân hiệu quả. Chẳng hạn, ngoài hỗ trợ vay vốn cần đóng tàu cần có các dự án hỗ trợ  đào tạo nghề đánh bắt xa bờ, phát triển hậu cần nghề cá, chính sách về thuế. Để giúp đối tượng phát triển trang trại, ngoài tạo quỹ đất cần cử cán bộ nông nghiệp về cơ sở nghiên cứu các mô hình phù hợp, hiệu quả với từng địa phương trước khi triển khai. Chẳng hạn, mới đây tỉnh Quảng Trị cử 32 cán bộ nông nghiệp tăng cường cho 16 xã vùng ven biển bị ảnh hưởng để giúp người dân chuyển đổi nghề hiệu quả. Ngoài ra, có thể thực hiện hỗ trợ gián tiếp thông qua các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại chỗ có khả năng tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho ngư dân…

Hoàng Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Return to top