ClockThứ Tư, 25/09/2019 19:04

Sạt lở bờ sông: Nỗi lo mùa bão lũ

TTH.VN - Không riêng gì sông Bồ, hầu như dọc theo tất cả các con sông trên địa bàn tỉnh đều xuất hiện sạt lở. Mưa bão đến sạt lở lại diễn ra, đặc biệt dọc sông Hương đoạn chảy qua các địa phương Hương Thọ, Hương Hồ (Hương Trà), Thủy Bằng (Hương Thủy).

Hàng rào tre trên sông Bồ đã được tháo dỡBờ sông Bồ sạt lở đe dọa hàng trăm hộ dân

Vùng sạt lở tại thôn Hiền sĩ đã sát móng nhà dân

"Điệp khúc" sạt lở

Nhiều năm rồi, cứ đến mùa mưa bão, bà Hồ Thị Luận (thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) lại đứng ngồi không yên bởi triền đất phía sau nhà bà đã bị dòng nước lẹm vào sâu hoắm. Những bụi tre giữ đất đã trơ rễ, đổ nghiêng về phía dòng sông. Chỉ cần bão đến, nghe đài báo bà phải khăn gói di dời đến nơi an toàn. “Năm mô cũng rứa, đến mùa mưa là tui lại lo âu. Nếu không di dời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Sạt lở như ri diễn ra hơn 5 năm rồi, năm sau nặng hơn năm trước”, bà Luận nói.

Cũng như bà Luận, nhiều hộ dân sống dọc sông Bồ tại thôn Hiền Sĩ cũng chịu ảnh hưởng của sạt lở khi đến mùa mưa bão. Trước đây, khoảng cách mặt nước sông đến nhà dân hơn 15m nhưng nay chỉ còn già hơn 1m. Theo người dân địa phương, biến đổi khí hậu khiến tình trạng xâm thực diễn ra trầm trọng, việc khai thác cát trên sông ồ ạt cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Quyền Chủ tịch UBND xã Phong Sơn - Trịnh Xuân Nhân thừa nhận, tại địa phương này đang tồn tại 6 điểm sạt lở. Tuyến sông bồ có 3 điểm sạt lở, trong đó có khu vực sạt lở mới trong năm 2019. 3 điểm còn lại trên tuyến sông rẽ nhánh Ô Hô. Tình hình sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nhà dân. “Đến mùa mưa bão, di dời dân vùng sạt lở là phương án rất quan trọng trong công tác phòng chống lụt bão. Sạt lở đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Hiện, do nguồn lực hạn chế nên chúng tôi chỉ mới gia cố tạm thời một điểm sạt lở, trước mắt chưa ảnh hưởng đến dân sinh”, ông Nhân thông tin.

Không riêng gì sông Bồ, hầu như dọc theo tất cả các con sông trên địa bàn tỉnh đều xuất hiện sạt lở. Mưa bão đến sạt lở lại diễn ra, đặc biệt dọc sông Hương đoạn chảy qua các địa phương Hương Thọ, Hương Hồ (Hương Trà), Thủy Bằng (Hương Thủy).

Những năm qua, khoảng 15 hộ dân tổ dân phố 3 (phường Hương Hồ) lại đối diện với hiểm nguy vào mùa mưa lũ. Diện tích đất đai của người dân chạy dọc bờ sông bị nước ăn sâu ảnh hưởng đến móng nhà. Điệp khúc di dời luôn thường trực trong tâm trí người dân nơi đây. “Trước đây, khoảng cách từ nền móng nhà tôi cách bờ sông rất xa, nhưng nay sạt lở đã ăn vào phần móng. Lúc thời tiết bình thường đã cảm thấy bất an, đến mùa mưa lại càng nguy hiểm”, ông Nguyễn Trọng Thức (phường Hương Hồ) chia sẻ.

Toàn phường Hương Hồ có 4 điểm sạt lở bờ sông ảnh hưởng trực tiếp đến 50 hộ dân. “Điểm sạt lở bờ sông Hương tại tổ dân phố 3 nặng nề nhất, người dân tại đây buộc phải di dời khi đến mùa mưa lũ. Tỉnh cũng đã có chủ trương xây dựng các tuyến kè tại những điểm sạt lở nhưng đến nay vẫn chưa thấy khởi công”, ông Trần Mạnh Hùng, Chỉ tịch UBND phường Hương Hồ chia sẻ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, trong tổng số 1.056 km bờ sông chính toàn tỉnh đang có gần 65km hiện bị sạt lở nặng ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.000 hộ dân, làm mất hơn 60 ha đất cach tác.

Người dân phường Hương Hồ xây dựng bờ tường bằng bê tông ngăn sạt lở

Ưu tiên xử lý các điểm khẩn cấp

Các cơ quan chức năng cho rằng, thực tế hiện nay, đến mùa mưa lũ, tình hình sạt lở bờ sông vẫn cứ diễn ra. Ngoài trách nhiệm của các cấp chính quyền, các hộ dân sống ven các con sông cần chủ động để đảm bảo tính mạng về người và tài sản khi mùa mưa bão đến.

Còn nhớ, mưa lũ năm 2017, một vụ sạt lở nặng diễn ra ngay trước Trường tiểu học Hương Thọ khiến giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh một phen khiếp vía. Nhà trường buộc phải đập một phần hàng rào ngay bên hông trường để làm lối đi tạm cho học sinh. “Tại Hương Thọ, ngoài điểm sạt lở này còn có nhiều điểm khác chạy dọc sông Hương. Năm vừa qua, Nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng các tuyến kè nên tình hình sạt lở tương đối ổn định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 1km sạt lở vẫn chưa có kinh phí để xây dựng kè”, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ Nguyễn Văn Quý thông tin.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 11 điểm sạt lở nặng ảnh hưởng trực tiếp, nguy hiểm đến tính mạng của người dân và thuộc vào diện cần ưu tiên xây dựng đê kè. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chủ yếu do thời tiết, việc xã lũ của các hồ thủy điện, yếu tố địa hình các con sông ngắn và dốc, lượng phù sa, bùn cát trong dòng sông bị mất cân bằng.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, toàn tỉnh có khoảng 25km bờ sông bị sạt lở cấp bách cần phải xây dựng kè với kinh phí trên 350 tỉ đồng nằm dọc theo bờ sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu.

“Trong số các tuyến kè chống sạt lở bờ sông cần xây dựng thì một số dự án được phê duyệt, đã và đang triển khai như, Dự án sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua các xã Phong An, Phong Sơn (huyện Phong Điền) và các phường Hương Vân, Tứ Hạ, Hương Xuân, Hương Toàn (thị xã  Hương Trà); Dự án sạt lở bờ sông Hương đoạn qua các phường Hương Hồ, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà và xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy). Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới trong khi nguồn lực tỉnh còn khó khăn nên thời gian đến để tiếp tục đầu tư xử lý cấp bách các khu vực sạt lở bờ sông, chúng tôi cũng đã đề nghị Trung ương hỗ trợ với kinh phí đồng để sớm đầu tư xử lý các điểm bị sạt lở nguy hiểm nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân”, ông Hùng thông tin.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư kè ứng phó sạt lở bờ sông

Sau các đợt mưa lũ từ cuối năm 2023, tình hình sạt lở các tuyến kè, bờ sông diễn biến phức tạp gây nguy cơ mất đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng khu dân cư. Các địa phương đề xuất bố trí nguồn kinh phí khắc phục sạt lở lâu dài nhằm ổn định cuộc sống người dân.

Đầu tư kè ứng phó sạt lở bờ sông
Có khả năng xuất hiện đợt lũ mới

Từ đêm ngày 1 đến ngày 3/12, trên các sông khu vực Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đề phòng sạt lở đất khu vực miền núi, ngập úng vùng trũng.

Có khả năng xuất hiện đợt lũ mới
Return to top