ClockThứ Năm, 10/11/2016 05:21

Sạt lở uy hiếp sản xuất, giao thông

TTH - Sạt lở do mưa lũ không chỉ xảy ra ven biển, đầm phá mà còn diễn biến phức tạp vùng ven thành phố, nông thôn, đang trở thành mối hiểm nguy với người dân.

Nhiều điểm sạt lở mới

Sau đợt mưa mới nhất, vùng cửa biển Lăng Cô (huyện Phú Lộc), đang bị xâm thực nặng nề, cửa biển ăn sâu vào đất liền khoảng 200 mét và đang có chiều hướng tiếp tục xâm thực sâu thêm. Người dân ở khu vực này cho biết, trước đây, tình trạng xâm thực, sạt lở chỉ xảy ra trong mùa mưa bão khi gặp triều cường, sóng lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu vực biển Lăng Cô sóng biển không lớn nhưng ở vùng cửa biển này lại đang bị xâm thực mạnh làm nhiều diện tích đất và cây trồng chắn gió, giữ đất ở vùng này bị cuốn trôi.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra một điểm sạt lở tại Vinh Hải, Phú Lộc.

Tại khu vực biển xã Vinh Hải của huyện này cũng xảy ra sạt lở, xâm thực trên chiều dài hơn 2,5km. Nhiều đoạn, triều cường đã xâm thực mạnh vào vùng sản xuất đất nông nghiệp, “uy hiếp” khoảng 260 ha đất, vùng nuôi trồng thủy sản của người dân và lấp một số đoạn đường ven biển. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Vinh Hải cho biết, sạt lở, xâm thực biển ảnh hưởng trực tiếp đến 4 thôn dân cư trên địa bàn. Từ năm 2013, tỉnh đã đầu tư 2,5 tỷ đồng để gia cố bờ biển bằng những rọ đá đoạn xung yếu với chiều dài gần 500m. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa bão, sóng lớn kết hợp với triều cường đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, xâm thực mới.

Do ảnh hưởng của các trận lũ, bão vừa qua, các con sông trên địa bàn tỉnh như sông Hương, Bồ, Ô Lâu đi qua các huyện, thị: Phú Vang, Phong Điền, Hương Trà, xảy ra nhiều điểm sạt lở mới trên chiều dài 30km ven sông. Điển hình mới đây nhất tại khu vực Tổ dân phố Thanh Lương 3 (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà), tình trạng sạt lở ven sông Bồ đã “ăn” vào đất liền 5m, trên chiều dài 50m, đe dọa tuyến giao thông cùng những công trình xây dựng ở khu vực này.

Do địa hình đồi, dốc, phường Thủy Xuân (TP. Huế) là một trong những địa phương có nhiều điểm sạt lở, trở thành mối đe dọa lớn trong việc mất an toàn giao thông (ATGT). đường kiệt thuộc tổ 22, khu vực 6, bị xói lở trên chiều dài hơn 100m. Bà Trần Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân cho hay, trước tình trạng xói lở đường kiệt, địa phương cũng đã phân bổ ngân sách khắc phục, nhưng do kinh phí có hạn, trong khi lại có quá nhiều điểm xói lở nên hiện tại vẫn chưa thể sửa chữa hết được.

Trên tuyến đường Tôn Quang Phiệt và Hải Triều (phường An Cựu) cũng xảy ra sạt lở trên chiều dài 1km, gây cản trở, nguy hiểm cho người dân đi lại ở khu vực này.

Từng bước đầu tư

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, phía Sở NN&PTNT đã có chuyến kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở xảy ra tại khu vực cửa biển Lăng Cô. Đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh có những giải pháp khắc phục kịp thời, hạn chế tình trạng xâm thực, giúp ổn định sản xuất và đời sống của người dân vùng biển Lăng Cô. Trong những ngày qua, hơn 100 cán bộ chiến sĩ Đồn BP Lăng Cô, Đại đội Cơ động BĐBP tỉnh đã cùng dân quân, người dân địa phương trên địa bàn thị trấn Lăng Cô, tiến hành sử dụng hàng trăm khối đất đá, rọ thép, vải bạt xây dựng kè đá ngăn chặn tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển ở khu vực này.

Sạt lở tuyến đường ven sông vùng nông thôn thị xã Hương Trà, ảnh hưởng đến giao thông

Tại vùng biển xã Vinh Hải, Chi cục Thủy lợi tỉnh cùng UBND huyện Phú Lộc, đã huy động nhân lực, lên phương án, sử dụng vải bạt mềm, rọ đá, gia cố những vùng xung yếu, xâm thực nặng tại đây nhằm bảo vệ đất sản xuất, công trình giao thông trong khu dân cư. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí xây kè chống sạt lở.

Vùng nông thôn thuộc các tuyến sông Truồi, Nong, Cầu Hai, Bù Lu (huyện Phú Lộc), cũng xảy ra tình trạng sạt lở sau mưa lũ. Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án kè chống sạt lở bờ sông Nong, Truồi. “Đối với kè chống sạt lở sông Cầu Hai, Bù Lu, UBND tỉnh đã giao Sở KH&ĐT cùng UBND huyện Phú Lộc tiếp tục nghiên cứu tham mưu bố trí nguồn lực thực hiện”, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc thông tin.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng kè chống sạt lở trên sông Bồ đoạn qua địa bàn thị xã Hương Trà với chiều dài hơn 7,5km. Năm 2016, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xử lý khẩn cấp kè chống sạt lở sông Bồ đoạn qua tổ dân phố 8, phường Tứ Hạ (thượng lưu chân cầu Tứ Phú). “Để đảm bảo an toàn trước mắt, UBND thị xã Hương Trà sẽ nghiên cứu việc di dời, tái định cư một số hộ dân trong vùng nguy hiểm; có biện pháp bố trí tiêu vè, biển báo, rào chắn các đoạn bị sạt lở nặng. Về lâu dài, cần tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông ở những điểm còn lại”, ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cho hay.

Riêng tuyến đê tây phá Cầu Hai đoạn từ cống Phường 6 đến cống Quan thuộc xã Vinh Hà (huyện Phú Vang), dài khoảng 2,5km đã xuống cấp, “đe dọa” xâm nhập mặn với diện tích khoảng 450 ha lúa một vụ của vùng Bàu Ô (xã Vinh Hà). Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hàng năm, bằng nhiều nguồn vốn, đơn vị đã duy tu sửa chữa đảm bảo nhiệm vụ ngăn mặn giữ ngọt, bảo vệ diện tích lúa đang sản xuất. Tuyến đê này được lập dự án, sẽ có kế hoạch đầu tư trong các năm đến.

Trước tình trạng sạt lở hai bờ sông An Cựu, kè chống xói lở tại đây đã được UBND TP Huế triển khai xây dựng. Công trình với nguồn kinh phí gần 21 tỷ đồng, do Ban Đầu tư và Xây dựng TP Huế (Ban ĐT&XD TP Huế) làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong 3 năm. Ông Hoàng Thiện, Giám đốc Ban ĐT&XD TP Huế cho biết, công trình nhằm bảo vệ các tuyến đường Tôn Quang Phiệt và đường Hải Triều; bảo vệ đất đai, nhà cửa, công trình hạ tầng kỹ thuật giúp ổn định cuộc sống của người dân sống dọc bờ sông; cũng như kết hợp chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường trong khu vực.

Hiện nay, ngoài những công trình do UBND TP. Huế đầu tư, phân bổ kinh phí, hàng năm các phường trên địa bàn đều trích từ 30 đến 100 triệu đồng tùy vào nguồn ngân sách để sửa chữa, nâng cấp đường kiệt.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay khu vực bờ biển tỉnh, các tuyến sông có hàng chục điểm sạt lở với chiều dài gần 70km. Trong đó, liên quan đến sạt lở ven biển có khoảng 10km có mức độ sạt lở nghiêm trọng, thuộc địa bàn các xã Phong Hải (Phong Điền), Quảng Công (Quảng Điền), thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận (Phú Vang), xã Vinh Hải, Vinh Hiền và thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc).

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top