ClockThứ Tư, 15/11/2017 08:19

Sau lũ, ăn canh tập tàng

TTH - Trận lũ kéo dài từ ngày 5/11 đến hết đêm 8/11/2017 với 3 đợt nước dâng nước rút làm cho hai vợ chồng già bó gối nhìn nhau, nhìn trời đêm mịt mùng do mất điện lại ầm ào mưa gió.

Bốn ngày toàn ăn cơm với đậu khuôn kho thịt heo xắt nhỏ vợ mua vội sáng chủ nhật, đang lúc nước lên. Tủ lạnh mất điện một ngày đủ biến mấy trái mướp đắng vừa mua trước lũ bị úng thối, ráng bòn nấu được tô canh, ráng ăn cho có mùi rau củ.

Sau khi nước rút, cơn thèm rau cồn cào nổi lên, vội ra vườn tìm hái, chợt thấy cảnh tiêu điều xơ xác. Rau lang, rau dền, rau mồng tơi, rau ngót ta, rau ngót Nhật… và cả cây đậu bắp, tất cả ủ rũ úa tàn vì chìm ngập 4 ngày đêm. Rau luôn cần nước tưới mỗi ngày, nhưng khi bị ngâm nước quá lâu, nhất là nước lũ thì dù mình thương xót cố cứu vớt đến mấy, "các nàng" cũng tàn lụi! Cái kiểu nước ngâm này, cũng phải đợi nắng mạnh ít nhất ba hôm cho đất ráo bớt nước mới cuốc lật đất lên phơi cho khô, đập vỡ ra, vun thành luống, cuốc lỗ lót phân vi sinh rồi mới gieo trồng lại được. Cơ cảnh này muốn có rau sạch do mình tự trồng cũng mất chừng nửa tháng. Chao ơi! Thèm chi lạ tô canh rau tập tàng! Rau tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn! Ngạn ngữ có hai vế, mình chỉ chọn vế trước!

Hồi nhỏ, chỉ có hai mạ con ở nhà, đất vườn quê rộng thênh thang sát bờ sông Bồ, sau mỗi trận lụt lại tràn ngập phù sa, rau trong vườn cứ thế lên “vun vút” tha hồ ăn. Nhưng mình vẫn thích ăn canh tập tàng do mạ đi bòn mót khắp vườn khi nước xâm xấp leo lên vườn. Rau lang, rau bát bát, rau mồng tơi, lá ớt non, rau dệu (rệu), rau chiếu (như hình con sâu cuốn chiếu nên gọi thế), rau sam, rau dền, rau cỏ hôi, rau trai… Ơ rau trai, cái loại rau thuở nhỏ mình thấy mấy chị bà con hay hái về cho heo ăn, coi vậy mà có giá lắm. Tô canh tập tàng thiếu ngọn rau trai (còn gọi là rau thài lài) như thiếu đi hương vị. Cây bát bát chẳng trồng chẳng vun xới, từ đâu rớt hột vô vườn, cứ thế mọc lên, mỏng manh mà mạnh mẽ, kiên trì nhú những mầm non, cái loại rau leo bé mọn ấy chẳng thể sánh với các loại rau cao cấp, nhưng là loài rau có ích.

Không hiểu vì sao cây cỏ hôi bị bà con ngoài Bắc đặt cho cái tên đáng ngại “cây cứt lợn”, bởi nó không hôi như cứt lợn mà trái lại, mạ thường hái rau cỏ hôi cùng các loài rau dại mọc quanh vườn nấu canh tập tàng. Rau tập tàng mạ nấu với tép đồng, tôm rảo, tôm rằn đều ngon ngọt, nhất là sau mùa lũ hầu như cạn kiệt mọi nguồn rau. Trưa nay, vợ đem về một mớ rau tập tàng như thế, mình hăm hở tự nấu lấy tô canh. Ôi, ngọt quá, ngọt mát ruột gan!

Mạ ơi! Mạ đi xa gần bốn chục năm rồi, con vẫn nấu canh tập tàng mỗi khi mùa lũ tới!

Từ Hoàng Công

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vệ sinh rác, bèo để ổn định sau lũ

Sau các đợt lũ liên tiếp, bèo, rác ứ đọng trên các sông, hồ, cầu, cống… rất nhiều, làm dòng chảy khó lưu thông, nhất là khi nước rút, ảnh hưởng đến tốc độ rút lũ của công trình. Vì thế, ngoài tập trung vệ sinh trên bộ, trên cạn, một số nơi, người dân chủ động ra quân khơi thông cầu, cống, vệ sinh ao, hồ.

Vệ sinh rác, bèo để ổn định sau lũ
Những mầm rau đầu tiên sau lũ

Nước lũ trên đồng vừa khô cạn, nông dân lại tất bật vun trồng những luống rau phục vụ nhu cầu thị trường tiêu thụ sau lũ.

Những mầm rau đầu tiên sau lũ
Return to top