ClockThứ Năm, 06/09/2018 08:53

Sau những hàng cây ngân hạnh

TTH - Những thửa ruộng thâm thấp xanh. Những mảnh vườn được dựng, lợp bằng khung sắt, nilon và tất cả đều yên ả lắm khi xe đưa chúng tôi từ sân bay Incheon vào trung tâm thành phố. Nhưng ngay cả Soeul cũng thế, đâu có gì là náo nhiệt trong những ngả đường êm rộng. Tôi cũng đã nghĩ về một lời chào khi mưa ghé một chút lắc rắc trên vai lữ khách lúc bước vào cung điện Kyeongbokgung.

 

Sau những

hàng cây ngân hạnh

 

Những thửa ruộng thâm thấp xanh. Những mảnh vườn được dựng, lợp bằng khung sắt, nilon và tất cả đều yên ả lắm khi xe đưa chúng tôi từ sân bay Incheon vào trung tâm thành phố. Nhưng ngay cả Seoul cũng thế, đâu có gì là náo nhiệt trong những ngả đường êm rộng. Tôi cũng đã nghĩ về một lời chào khi mưa ghé một chút lắc rắc trên vai lữ khách lúc bước vào cung điện Kyeongbokgung.

Không biết do khoảng sân phóng khoáng gió hay vì màu xanh chủ đạo trên hệ thống mái của Kyeongbokgung mà trời có một chút se lạnh. Nhưng chính điều đó đã lấy đi chút ngái ngủ của người vừa xuống sân bay, chông chênh với múi giờ chênh lệch 2 tiếng và gần như chẳng ngủ được chút nào trong suốt chuyến bay. Không thấy nhiều cây xanh như trong khuôn viên Đại nội - Huế, nên tôi đã nghĩ về một sự uy nghi khác đã xa lắm của triều đại Joseon mà tên gọi của cung điện mang hàm nghĩa về một sự ban phước từ thiên nhiên. Chiều cao của Geunjeongjeon - điện chính của Cung điện, những khoảng trống hiện vật nhưng cũng có thể vì hệ mái hai tầng theo kiểu chồng diêm của điện chính, cả ở cổng Gwanghwamun và màu sắc của kiến trúc đã mang đến một cảm giác lạnh vắng. Nhưng điều đó cũng có thể vì tôi đã quá quen với kiến trúc màu vàng son của triều Nguyễn, nơi mình đang sống.

 

Không thấy núi Bugaksan và núi Namsan, chắc vì không có đủ thời gian, cũng vì không có ai nhắc gì về điều này nhưng có lẽ, những tòa nhà lắm tầng đã làm khuất lấp tầm nhìn về hai ngọn núi bao quanh cung điện. Sự hiện diện của kiến trúc hiện đại ngay bên cạnh kiến trúc truyền thống không phải là sự lấn át mà chứa đựng một thông điệp rõ ràng về phát triển và bảo tồn điều mà tôi tin chắc là không dễ được chấp nhận ở các vùng có di sản khác.

Nhưng Gyeongju thì khác. Màu xanh của những hàng cây dọc phố, những mái nhà thấp thoải tản mát trong các vườn cây, những khu nhà với độ cao vừa phải lại là sự lặng lẽ khiêm nhường khác của một cố đô - nơi phát tích của vương triều Silla và cũng là kinh đô của nhà nước này từ năm 57 trước Công nguyên. Tôi, thú thật cứ nghĩ về một nhịp thở trầm tĩnh trong suốt thời gian lưu trú có phần vội vã của mình ở nơi này. Thành phố trông có vẻ nhỏ nhắn với chừng 280.000 dân đã tích hợp trong mình một phong cách thuần nhất về lề lối và sự tương đồng ở màu sắc, kiểu dáng, mái ngói cổ trên hầu hết các công trình kiến trúc, từ nhà ở đến cửa hàng hay các trung tâm mua sắm.

 

Phố bên sông Hàn
 
Gyeongju có phong thái như Huế của tôi, không phải vì sự kết nghĩa và ký kết thoả thuận hợp tác về văn hoá giữa hai địa phương của hai nước đã được thực hiện sắp tròn 11 năm nhưng có điều gì đó, như một dòng chảy chậm rãi, hiền hòa mà tôi gặp lại khi rời xa quê nhà. Bằng giọng nhẹ và hiền, câu chuyện mà chị Park Soon Hee – hướng dẫn viên tình nguyện của tòa thị chính, người dẫn đoàn trong hai ngày ở Gyeongju đã giúp chúng tôi mường tượng về quá trình hình thành và phát triển của thành phố, cũng như những nỗ lực trong bảo tồn những giá trị truyền thống. Tôi nhớ mình đã tìm thấy ở đâu đó thông tin về những người trẻ di cư ra các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm, cả sự quan ngại bắt đầu có về suy giảm nhân khẩu trước xu hướng này. Điều này thể hiện rõ rệt nhất là làng cổ Yangdong, nơi bây giờ hầu như chỉ còn người già bám trụ và phối hợp với chính quyền trong việc làm du lịch và giới thiệu với du khách đến từ khắp nơi những giá trị lịch sử kiến trúc và văn hóa truyền thống. Tôi thấy mình nhớ làng cổ Phước Tích khi đến bên hàng rào bằng loại cây gì đó, cũng được cắt xén thẳng tắp và vuông vức như chè tàu, chỉ khác là cứng hơn và đầy gai. Nó làm tôi thảng thốt khi dựa lưng vào khoảng xanh nom rất hiền ấy. Một ngỡ ngàng khác, đến từ nơi mà tôi và các bạn đồng nghiệp đã tưởng đó là những ngọn đồi xanh mướt màu cỏ ngay trong lòng thành phố. Té ra, đó lại là quần thể lăng mộ Daereungwon (hay còn gọi là hầm mộ Thiên Mã - biểu tượng được thể hiện nhiều nhất trên các di vật mà người ta tìm thấy khi khai quật các ngôi mộ cổ). Chị Park Soon Hee bảo, theo truyền thuyết thì những người có điều kiện ngày trước đã đắp mộ trên đất bằng với hy vọng kiếp sau mình vẫn được làm người. Trong hầm mộ thiên mã, đá được xếp theo lớp theo một trình tự nhất định xung quanh di quan và các hiện vật kèm theo, trên được đổ đất và trồng cỏ là một lát cắt khảo cổ học mà chúng tôi đã được mục kích khi đến tham quan quần thể này. Hoàn toàn là một kiến trúc lăng mộ khác, một quan niệm cũng hoàn toàn khác so với hệ thống lăng tẩm đang được gìn giữ và bảo tồn ở Cố đô Huế.

Làng cổ Yangdong 
 

Dễ chịu nhất là tôi đã gặp sen ở Gyeongju, trong mảnh ao nhỏ nhoi phía sau nhà hàng ở buổi ăn trưa mà đích thân ông Phó thị trưởng mới vừa nhậm chức chờ đợi; trong thửa ruộng không mấy rộng trên con đường dẫn vào làng Yangdong. Bên cạnh những đài sen già đang nuôi nấng đám hạt nâu là những bông sen cuối mùa màu hồng nhạt. Trông chúng cũng hân hoan không kém màu hoa của bách nhật hồng - một tên gọi khác của tường vi hay tử vi theo cách gọi của Huế - được trồng xen và thấp thoáng dưới những tán ngân hạnh mà chúng tôi nhìn thấy ở các thành phố mình qua.

Nếu có thể nói về sự thanh thản, tôi nghĩ chắc chắn đó là Mungyeong – thành phố thuộc tỉnh Gyeongsangbuk, nằm chủ yếu trên dãy núi Sobaek. Đây cũng là nơi có làng gốm truyền thống và lễ hội gốm sứ nổi tiếng Mungyeong Chasabal được tổ chức thường niên vào tháng 5. Nhưng điều làm tôi thấy mình bị quyến rũ không chỉ là màu men lạ lẫm trên các cá thể gốm cũ mới, hay kiểu lò nung khá đặc biệt trong quy trình sản xuất đồ gốm gia truyền mà là ở những con suối như còn ban sơ chảy giữa cỏ và đá, ngay trong lòng thành phố, trên tuyến đường di chuyển đến ngôi chùa cổ có tên là Bongam. May mắn nhất là chúng tôi cũng được chính Phó thị trưởng của Mungyeong - ngài Kwon KiSup - kết nối để có thể đến thăm ngôi chùa hơn 1.200 năm tuổi, khá “kén” khách khi các nhà sư vừa kết thúc một khóa trường tu đến mấy tháng. Trong bữa cơm tối khi cơn mưa dùng dằng ngoài hiên, Thị trưởng thành phố - ngài Ko Yun Hwan - đã chia sẻ với chúng tôi về nền nông nghiệp xanh và các chính sách bảo vệ môi trường mà Mungyeong vẫn tiếp tục theo đuổi trên địa bàn rộng hơn 1,5 lần so với Seoul, nhưng chỉ có trên 75.000 dân.

Một góc chùa Bongam - ngôi chùa hơn 1.200 năm tuổi
 
Tối ấy, giấc ngủ mãi mới đến, có thể do hai phần trà trong buổi trà đạo mà chúng tôi được mời ở Bảo tàng gốm sứ. Tỉnh giấc khi trời nhè nhẹ sáng, tôi đã ngồi bệt xuống sàn với một ly café G7 bốc khói - thức uống từ Việt Nam được người Hàn Quốc khá ưa chuộng để nhìn mãi ra những rặng núi phủ mây và mong ước sẽ quay trở lại nơi này trong mùa tuyết rơi trắng xoá...
 

Những con đường chỉ đông và có thể di chuyển chậm hơn chút ít vào cuối ngày trong giờ tan tầm; màu ấm của bách nhật hồng thấp thoáng phía sau các ngả đường từ đô thị đến vùng nông thôn; những cánh rừng xanh ngắt phía trên các cao tốc mịn màng có lẽ cũng là một ghi nhận khác của chúng tôi khi “checkin” Seoul và một số tỉnh thành khác của Hàn Quốc. Hệ thống giao thông công cộng với xe buýt, tàu điện ngầm và tàu điện trên cao đã góp phần đáng kể vào vấn đề giao thông của người dân. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới bắt gặp một chiếc xe máy. Những chiếc ô tô không hề lầm lụi bụi ngay cả khi chạy trên đường trường. Người đàn ông cúi xuống nhặt cọng rác ở trạm xăng vắng vẻ trên tuyến cao tốc từ Dague đến Gyeongju. Những hình ảnh không lời đã chuyển tải thông điệp trong từng việc làm cụ thể cho môi trường xanh, sạch.

Đến Hàn Quốc sớm hơn mùa thu vài ngày nên chúng tôi không có dịp hội ngộ mùa lá phong đỏ và những lối đi vàng rực lá ngân hạnh trên các ngả đường. Trả lời câu hỏi vì sao cây ngân hạnh lại được trồng nhiều đến thế và gần như là một loài cây chiếm vị thế chủ đạo ở rất nhiều tuyến đường, tôi đã được giải thích, rằng ngân hạnh là loại thân gỗ ít bị mối mọt và có độ bền cao, lại có tán dầy, xanh và có nhiều đóng góp cho môi trường và cảnh quan nữa.

 

Phó Thị trưởng TP Gyeongju tiếp đón Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam Hồ Quang Lợi

Câu trả lời có vẻ đơn giản, nhưng đó chắc hẳn là một lựa chọn kỹ càng. Phía sau những hàng cây ngân hạnh, là một đất nước đang trỗi dậy với kiến trúc cao tầng được quy hoạch trong một chỉnh thể, bao gồm các tòa nhà công sở, trung tâm mua sắm, chung cư, các khu dân cư độc lập, các khu văn hóa công cộng…và là một dòng chảy của sự phát triển như là điều không thể khác.

Nội dung: HOÀNG MAI

Thiết kế: QUANG THIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Return to top