ClockChủ Nhật, 03/04/2022 08:42

Say lời gió bay

TTH - Thư chẳng đề tên người gửi, anh ngạc nhiên từ lúc nhận, chẳng kịp đọc, vội nhìn chữ ký ở cuối thư, giật mình. Dễ đã gần mười năm, người con gái ấy lại gửi thư cho anh. Trái với nét chữ rắn rỏi hệt như của con trai là những lời ngọt ngào và chua xót khiến anh bất chợt bàng hoàng. Ký ức về những ngày xa, tưởng đã nhòa bỗng lay động.

Mây giăng cuối trờiGió từ sông mát rượi

Mười lăm năm trước, họ gặp nhau khi anh uống cà phê ở quán trước cổng trường, nơi chị là nhân viên chạy bàn. Anh dửng dưng nên đâu biết người con gái có nước da bồ quân và đôi mắt tròn to, luôn tất bật với khay thức uống trên tay hay lén nhìn mình. Sau này, chị thú thật rằng, đã đứng hình ngay lần đầu thấy anh, lại tìm cách đến gần để nghe giọng nói dễ gây nghiện và nhìn cái miệng duyên quá trời. Không riêng chị em, nhiều người say mê khi anh cất lời, không chỉ hùng hồn trên diễn đàn mà cả khi nhỏ nhẹ tâm tình. Cha anh bảo, lần đầu nhìn đứa con tí tẹo nhăn nheo, với cái miệng rộng hay khóc, ông liền đặt tên con có bộ thiệt (tức cái lưỡi) theo Hán tự. Dự báo của người cha về khả năng lợi khẩu của con quả là chính xác.

Khi anh thất tình lại là cơ hội cho người con gái làm thuê trong quán cà phê ấy. Lời đầu chị dành cho anh chẳng phải ngọt ngào cùng nụ cười e ấp mà là vẻ nhăn nhó, khó chịu: “Anh đừng hút thuốc nữa!”. Anh quay đi, khinh khỉnh: “Kệ tôi!”. Nhìn đám khói thuốc mù mịt phả ra từ mồm kẻ mới tập hút, không dám rít sâu và giữ khói lâu trong lồng ngực, chị nói như biết rồi: “Buồn rồi tự hại mình, không nên đâu, anh ạ”. Anh giật mình, bởi chị như thấu nỗi đau của kẻ bị dứt tình. Ánh mắt cảm thông cùng lời chia sẻ khiến kẻ thất tình chợt tỉnh sau buồn chán. Mỗi lần đến quán, anh quên cả thời gian, lại thích ngồi gần cái loa, cứ như mong âm nhạc phát ra từ đó xoa dịu cõi lòng. Khi quán vãn khách, chị lại gần anh, trò chuyện.

Tình yêu chị trao đã nâng anh đứng dậy sau đau khổ. Anh đến quán nhiều hơn, lại thích đi một mình và nhằm những lúc vắng khách. Ngồi với nhau, hầu như chỉ có lời anh; chị thì nghe say mê, nhìn đắm đuối, lại như muốn nghe anh nói nên rất hay hỏi. Chị vùng vằng lắc đầu, khi anh ép nhận tiền thức uống trước lúc ra về. Thấy anh chỉ về phía chủ quán với vẻ áy náy, chị hiểu ý, tươi cười: “Em không mời anh được ly cà phê sao?”.

Khoảnh khắc họ dành riêng cho nhau là những đêm anh được ra ngoài doanh trại, đưa chị về trên chiếc cúp 81, có tiếng máy nổ pạch pạch bất thường, nghe phát ngượng. Với anh, đoạn đường năm cây số sao quá ngắn, lại ao ước ngược đời giá như đi xe đạp. Mỗi lần chia tay, họ lại trao nhau nụ hôn dưới giàn thiên lý trước ngõ, mặc đèn pha ô-tô trên đường loang loáng quét qua. Anh đứng chờ chị mở cửa vào nhà rồi mới quay xe. Lắm hôm chị không muốn khép cổng, cứ quay lại nhắc “anh về đi”, anh thì bảo “em vào đi”, cứ thế dùng dằng.

Họ chia tay đồng nghĩa với chia ly, khi anh tốt nghiệp ra trường. Người đi nhìn phía trước dấn bước, để lại lời yêu thương bay theo gió và kẻ mỏi mòn ngóng trông. Chị gửi lòng vào những bức thư dài nhưng chẳng tải hết nhớ thương, để rồi nhận lại là những dòng vội vàng, vắn tắt và cũng chẳng mấy khi. Những cuộc gọi cũng thường bắt đầu từ nơi chị, bởi muốn nghe giọng anh lâu hơn nên cứ nấn ná kéo dài nhưng đáp lại là lời thúc giục: “Thôi nhé, anh đang bận!”. Lắm lần tắt máy rồi, chị thẫn thờ, tự trách bởi cảm thấy mình quấy rầy anh; lại tủi thân trước sự ghẻ lạnh, hời hợt. Với ai kia “thời gian trong cách trở đốt cháy ngời tình yêu” nhưng với anh thì “xa mặt cách lòng”. Câu nghêu ngao thuở sinh viên “yêu em để được đỡ buồn/xong bốn năm học, anh chuồn về quê” hóa ra ứng nghiệm với anh. Khi anh lập gia đình thì mối tình ấy nhanh chóng thuộc về cõi khác, chị thì mãi sáu năm sau mới lấy chồng.

Chị lại gửi thư sau nhiều năm khiến người nhận tò mò, hồi hộp. Lướt qua những lời thăm hỏi khách sáo, anh đọc chậm: “Lắm lúc em muốn quên chuyện xưa nhưng bất lực với chính mình. Nghĩ lắm nhưng cũng chẳng thoát khỏi vòng luẩn quẩn tự giăng ra nhốt lấy mình trong mối tình giống vầng trăng khuyết (hình như) ngay từ lúc bắt đầu. Em không dám trách người đã lạnh lòng đổi ý, nhất là khi ta đã có ngả rẽ nhưng lẽ nào anh không có được vài phút thoải mái khi nhận cuộc gọi của em. Chẳng hiểu vì lẽ gì đã khiến anh khiên cưỡng đến gắng gượng khi nghe tiếng người xưa. Em không tin người nói hay khiến lắm kẻ đắm say lại nghèo từ ngữ đến nỗi chỉ có mỗi chữ “thanks” đáp lại tin nhắn chúc tết hay chúc mừng sinh nhật. Chúng ta không thuộc về nhau và không nên so đo tình cảm nhưng cũng chẳng cần biến thành kẻ lạ, đúng không anh? Em từng ước mình được như nhà thơ Bùi Giáng trong mối tình kỳ dị với nữ nghệ sĩ tài danh Kim Cương. Dẫu không được bà đáp lại tình yêu nhưng ông có thể vui bởi luôn được người mình yêu an ủi, tôn trọng”.

Nỗi hổ thẹn ập đến làm anh đơ người, không thể đọc tiếp. Nghe chị nhắc đến mối tình đơn phương của thi sĩ Bùi Giáng với kỳ nữ Kim Cương, anh lại nhớ những lần khuyên các bạn trẻ trong cơ quan rơi vào tình cảnh tương tự. Với người từ chối tình yêu đơn phương thì đừng hắt hủi kẻ đem lòng si mê, hãy đặt mình vào nỗi bất hạnh để cảm thông thấu hiểu, thoát ra nhưng không làm đối phương tổn thương. Với người ôm ấp tình yêu một chiều tuyệt vọng, hãy mở lòng với mọi người, để có niềm vui xua đi nỗi buồn, đừng để nỗi đau cố thủ, độc chiếm lòng mình… Những lời khuyên đại loại như thế đã phần nào xoa dịu nỗi đau rạn nứt hay đổ vỡ của những kẻ đang yêu.

Chẳng biết từ bao giờ, anh được đồng nghiệp coi là chuyên gia tư vấn tình yêu - hôn nhân, tất nhiên chỉ trong cơ quan. Không ít lứa đôi tưởng phải chia lìa, thậm chí định dứt tình bằng cách ác độc hay kết thúc trong tận cùng bế tắt đều nhờ anh hóa giải. Anh thuyết phục người nghe bằng thực tế gần gũi, bằng lý lẽ và thơ ca, giọng trầm ấm cứ như tìm cách len vào chốn sâu thẳm lòng người. Nhiều cô cậu trắc trở tình duyên, gặp anh là dần lấy lại nụ cười cùng sự thăng bằng tâm trí. “Nghe sếp nói thấy nhẹ cả người”. Anh không lạ với những lời xuýt xoa như thế.

Anh đọc tiếp: “Rồi chồng em cũng nhận ra vợ còn nặng lòng với người cũ. Anh ấy biết cả việc em họa to tấm ảnh anh tặng ngày nào và cất riêng trong tủ; lại biết chuyện em tìm về quê anh, dù chỉ để ngắm cánh đồng hay nhìn con đường rợp bóng lộc vừng anh từng đi học ngày nhỏ. Khi cả gia đình đến du lịch thành phố đáng sống, em muốn mời gia đình anh cùng dùng cơm nhưng lại khiến anh ấy buồn. Ảnh còn biết em hỏi chuyện về anh thông qua những người thợ nề đến từ quê anh đang thuê trọ bên cạnh… Đức rộng lượng không phải vô biên và lòng tự trọng đòi được bảo vệ. Em không trách anh ấy, chỉ tự trách mình. Bọn em chia tay trong bình lặng”.

Anh hẫng hụt bởi kết cục buồn, mơ hồ thấy mình có lỗi, được nhớ thương trong trường hợp này chẳng song hành với niềm vui. Anh đọc chậm những dòng cuối trong bức thư dài: “Lần đầu và cũng lần cuối nói ra những điều này, em mong muốn thanh thản cho chính mình, viết cho anh nhưng để tự giải tỏa đấy, để chuyện xưa yên phận lùi vào dĩ vãng, để em không còn vấn vương quá khứ và tự mình sang trang với niềm vui mới. Thực tế là em đang đón niềm hạnh phúc mới, anh ạ. Vậy nên, anh hãy mừng cho em thay vì buồn khi đọc thư nhé. Mong sao những lời này không khuấy động sự bình yên đang hiện hữu trong anh”.

Anh thở phào, ngồi lặng nhìn về khoảng trời xa qua cửa sổ, không hay đã hết giờ làm việc. Bỗng giật mình nghe tiếng gõ cửa và cậu trợ lý hành chính hiện ra, anh lên tiếng: “Có gì đấy?”. Đáp lại là lời rụt rè: “Thủ trưởng hẹn em cuối giờ…”. Anh ngơ ngác rồi “à” lên, sực nhớ. Cậu này sắp cưới vợ nhưng gia đình bạn gái đột nhiên đổi ý, trì hoãn. Cậu nhờ anh tư vấn rồi thay mặt bố mẹ qua nói chuyện với người ta. Anh nhìn thuộc cấp, lúng túng, dịu giọng: “Việc này tôi sẽ trao đổi với anh chỉ huy phó để ảnh hỗ trợ cho, cậu về đi nhé”.

Đây là lần đầu anh từ chối việc làm quen thuộc bởi bỗng dưng thấy hổ thẹn và chua chát nhận ra điều trái ngược - kẻ hững hờ trước tình cảm người khác lại hay khuyên nhủ cho những ai kia ứng xử đúng mực trong tình yêu.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top