ClockThứ Ba, 21/11/2017 13:15

Sẻ chia

TTH - Tôi có anh bạn vừa sang định cư ở Canada. Nhờ có facebook, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc. Chân ướt chân ráo sang xứ người, phải thích nghi với cuộc sống mới, phải tìm việc mưu sinh vậy nhưng anh luôn cập nhật tình hình ở quê nhà. Đi được vài tháng thì quê nhà lũ lớn, anh nóng ruột lắm. Mỗi ngày, tôi vẫn thấy anh cập nhật dòng trạng thái lo lắng trước dòng nước lũ, ao ước mình vẫn đang còn ở quê để chung tay xắn áo giúp bà con.

Mà anh không chỉ lo “suông”, ở “bển”, anh tích cóp gửi tiền về cùng với bạn bè đi cứu trợ bà con vùng lũ. Thấy bạn đưa hình ảnh một phụ nữ ở Thanh Hóa vào Huế vào đúng dịp lũ bị mất hết giấy tờ, tiền bạc phải trú ngụ ngoài hiên một cửa hàng, anh nhờ bạn đến xác minh, nhờ bạn mua thức ăn, áo ấm, thuê nhà nghỉ chờ hết lụt rồi đưa về quê. Chu đáo như lo cho người thân...

Nghĩa cử của anh bạn cũng là việc mà rất nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đang làm để cứu trợ cho bà con vùng lũ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Biết bao tấm lòng đã tìm về, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, sẻ chia những khó khăn với người dân quê tôi. Những bao gạo, thùng mì tôm, chai dầu, tấm chăn...  ấm nồng sự sẻ chia trong lúc khốn khó. Giữa ngổn ngang bộn bề, những gói quà dù ít hay nhiều đã kịp thời làm vơi đi mất mát, đau thương, ấm áp tình người sau lũ.

Sự sẻ chia ấy không phải chỉ khi cuộc sống đủ đầy mới có. Tôi nhớ lúc nhỏ, Huế cứ mưa lũ mãi. Những lúc lũ lụt, tình làng nghĩa xóm dễ thương lạ. Xóm nghèo nhưng ai cũng đùm bọc, sẻ chia từng vá cơm, mảnh áo. Lương thực dự trữ được gom lại để chống đói cho cả xóm. Trong ngôi nhà cao ráo nhất được cả xóm tập kết về trốn lũ, mọi người quây quần quanh cái nồi đất bên bếp lửa hồng, củ khoai nướng, củ sắn luộc chia nhau càng thêm ấm nồng tình nghĩa... Sau lũ, có bao nỗi lo, bao điều mất mát. Những hạt thóc lên mầm, những cuốn vở bê bết bùn non, đôi dép đi học chỉ còn một chiếc; rau màu hư hết… Chúng tôi còn nhỏ, lại là con gái, chẳng giúp được cha mẹ nhiều. Vậy là cả xóm xắn tay giúp chúng tôi sửa lại nhà, khiêng đồ đạc, phơi lúa... 

Mấy năm rồi, Huế lại có lũ lớn. Sau lũ, người dân nghèo càng thêm khốn khó, chống chọi với mất mát, hư hại. Nhưng họ không cô đơn, sau lưng họ là sự sẻ chia, tiếp sức của đồng bào, để rồi mai đây những vụ mùa bội thu, ấm no sẽ trở lại. Và tôi sẽ lại thấy những nụ cười lấp lánh sau nếp da nhăn…

Nguyệt Tú

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
“Đòn bẩy” để người nghèo vươn lên

Xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, kết nối những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay với chính quyền địa phương để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đó là những gì Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam phường Đông Ba, TP. Huế đã và đang làm được để tạo nên những “đòn bẩy” giúp người nghèo vươn lên.

“Đòn bẩy” để người nghèo vươn lên
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh
Sống chung với mưa lũ

Ngày 16/11, nước còn ngập ở nhiều vùng. Người dân vẫn tìm cách thích nghi trong mưa lũ bởi với họ, vẫn phải sinh hoạt, mưu sinh. Dù khó khăn song trong hoạn nạn, ở đâu đó, sự sẻ chia là món quà sưởi ấm lòng người lúc này. ​

Sống chung với mưa lũ
Return to top