ClockThứ Tư, 12/07/2017 13:36

Sẽ chú trọng công tác phân bổ thị trường

TTH - Đó là một trong những mục tiêu mà Sở Công thương đẩy mạnh triển khai năm 2017 nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kết nối tiêu thụ sản phẩm nông- đặc sản và hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN). Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh, TUV, Giám đốc Sở Công thương.

HTX Dệt zèng A Lưới ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ thông qua hội nghị kết nối

Nói về những "nút thắt" trong tiêu thụ nông- đặc sản, hàng TCMN cũng như chương trình hợp tác và phát triển thị trường, ông Nguyễn Thanh cho biết:

Huế là địa phương có khá nhiều sản phẩm nông- đặc sản và hàng TCMN đặc trưng, song con số sản phẩm đứng chân tại hệ thống siêu thị, nhà phân phối lớn ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên cũng như cả nước còn quá ít. Trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, có hai "nút thắt" tồn tại lâu nay, đó là các cơ sở sản xuất, các làng nghề chưa đủ tiềm lực để đầu tư máy móc hiện đại sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp cho hệ thống siêu thị. Thứ nữa, do các chi phí như kiểm nghiệm, bao bì đóng gói và nhãn mác cao, trong khi đa số cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên rất khó thực hiện. Đây chính là vấn đề đặt ra để ngành công thương và các ban ngành liên quan cùng ngồi lại bàn bạc tìm  giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, đồng thời đa dạng hóa chủng loại sản phẩm tại các kênh phân phối hiện đại.

Trong hai năm 2016 và 2017, Sở đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, đưa các nhà phân phối lớn ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng như các siêu thị lớn ở các tỉnh, thành như Cà Mau, An Giang, Đà Nẵng, Đà Lạt về Huế tham quan quy trình sản xuất các loại nông- đặc sản và hàng TCMN để ký kết hợp đồng. Hiện, đã có một số sản phẩm như mứt gừng, tỏi đen, trà rau má, trà vả, dầu tràm, mè xửng, tôm chua và các sản phẩm TCMN đứng chân tại các siêu thị lớn.

Qua những lần kết nối phát triển thị trường, kết quả cụ thể như thế nào, ông có thể nói rõ hơn?

Đến nay Siêu thị Co.opMart Huế đã khai thác được trên 20 nhà cung cấp, Siêu thị Big C Huế hiện có 15 nhà cung cấp các sản phẩm nông- đặc sản của tỉnh để làm đầu mối, cung ứng cho chuỗi siêu thị trong cả nước. Nhiều DN của tỉnh đã nỗ lực tìm kiếm được các đại lý, nhà phân phối ngoại tỉnh như cơ sở sản xuất thực phẩm Tâm Huế đã đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại Siêu thị Tứ Sơn (An Giang), đồng thời liên kết với các DN đưa sản phẩm tiêu thụ ở Campuchia; đặc sản mè xửng của Công ty TNHH Thiên Hương đã tiêu thụ tại một số nước như Thái Lan, Nga và Mỹ; cơ sở trà cung đình Đức Phượng đã cung ứng sản phẩm tại các siêu thị trên toàn quốc; Công ty TNHH Sản xuất tinh dầu Kim Vui tìm kiếm được các đại lý tiêu thụ tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; cơ sở tranh đồng Đại Nghĩa tìm được các đại lý tiêu thụ tại Hà Nội, Đà Nẵng…

Trao đổi thông tin giữa các cơ sở sản xuất và nhà phân phối tại hội nghị kết nối tiêu thụ nông- đặc sản và hàng TCMN tại A Lưới

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, Sở chú trọng đến công tác phân bổ thị trường nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Đối với các siếu thị lớn, đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe thì lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng và bao bì đóng gói đạt chuẩn; còn các sản phẩm bình dân sẽ chọn nhà phân phối nhỏ nhằm mục tiêu đưa tất cả sản phẩm của tỉnh đi tiêu thụ tại các kênh phân phối lớn trong cả nước.

Tiêu thụ sản phẩm nông - đặc sản và hàng TCMN hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn,  Sở sẽ làm gì để tháo gỡ những khó khăn này?

 Tiêu thụ và kết nối hàng nông- đặc sản và TCMN trên địa bàn tỉnh có hai vấn đề vướng mắc, đó là chất lượng và số lượng. Do đa số các cơ sở, làng nghề chủ yếu sản xuất thủ công nên chất lượng khá tốt, song giá thành cao và số lượng ít nên không đáp ứng nguồn cung cho các nhà phân phối lớn. Mặt khác, đa số sản phẩm khi đưa vào kiểm tra, kiểm soát đều không đảm bảo các tiêu chí nên rất khó để đưa vào hệ thống siêu thị. Vì vậy, vừa qua Sở đã tổ chức hội nghị kết nối, đồng thời đưa các nhà phân phối đến các địa phương như A Lưới, Quảng Điền để tìm hiểu và gặp trực tiếp các cơ sở sản xuất nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc.

Một vấn đề tồn tại lâu nay đó là các cơ sở sản xuất chưa chú trọng đến vấn đề bao bì đóng gói, nhãn mác và công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm. Thông qua các nguồn vốn khuyến công, phát triển nghề, sắp tới nhiều cơ sở sản xuất sẽ được hỗ trợ vốn cải tiến bao bì đóng gói, thay đổi mẫu mã và đẩy mạnh công tác tiếp thị sản phẩm.

Một khó khăn nữa đó là thiếu công nghệ và máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do đa số các cơ sở đều có quy mô nhỏ nên chưa đủ tiềm lực để lập đề án vay vốn. Sắp tới, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư một số công nghệ để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, đồng thời lựa chọn một số ngành nghề truyền thống như chế biến mật ong, dầu tràm, mè xửng, dệt zèng, mây tre đan… , qua đó đề xuất các địa phương lập đề án cấp vốn khuyến công để thay đổi quy mô, sản lượng và chất lượng nhằm mở rộng thị trường.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho các cơ sở sản xuất, đồng thời tăng cường kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ nông- đặc sản và hàng TCMN, trong hai ngày 11 và 12/7/2017, Sở tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như khai mạc hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung- Tây nguyên với quy mô 400 gian hàng; hội nghị hợp tác phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn và đặc sản các vùng cố đô; hội nghị ngành công thương 15 tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây nguyên...

Xin cám ơn ông!

Thanh Hương (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4
Điểm sáng trong công tác tuyên truyền

Thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, hết lòng hỗ trợ ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An là điểm sáng, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền về không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); tuyên truyền ngư dân đồng lòng trong phòng, chống hoạt động giã cào trái phép.

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền

TIN MỚI

Return to top