ClockThứ Bảy, 11/12/2021 07:00

Sẽ có thêm nguồn lực trùng tu di sản

TTH - “Việc Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế là tin vui đối với Quần thể Di tích Cố đô Huế để có thêm nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản” là khẳng định của Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - ông Hoàng Việt Trung khi trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Vận hội cho di sản

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Sau thời gian dài đầu tư trùng tu, bảo tồn, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần được hồi phục. Công tác trùng tu, bảo tồn di sản đã được quan tâm như thế nào, thưa ông?

Sau chiến tranh, Quần thể Di tích Cố đô Huế bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ còn hơn 400 công trình trong tình trạng đổ nát, hư hỏng (so với 1.400 công trình lúc còn nguyên vẹn). Các di sản phi vật thể bị hủy hoại, thất tán; hệ thống lễ hội cung đình không còn tồn tại sau khi triều Nguyễn chấm dứt…

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế được triển khai, đạt kết quả to lớn. Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế; phát huy giá trị di sản... Nhiều công trình di tích lớn, nhỏ được đầu tư trùng tu, bảo tồn, tiêu biểu là Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống các lăng…

Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản qua nhiều giai đoạn, thời kỳ rất được tỉnh quan tâm, xem đó là sứ mệnh. Thừa Thiên Huế được UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu của Việt Nam về bảo tồn di sản. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Cùng với việc trùng tu, bảo tồn di sản, chúng ta cũng đã thiết lập được hệ thống quản lý di sản, từng bước nâng cao ý thức người dân chung tay bảo vệ di sản. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế đang sở hữu quá nhiều di sản. So với khối lượng di tích khổng lồ thì nguồn lực đầu tư chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ.

Nhu cầu đầu tư cho công tác trùng tu, bảo tồn di sản hiện nay như thế nào?

Nhu cầu đầu tư cho công tác này rất lớn. Trong giai đoạn 1996-2020, tổng nguồn vốn đầu tư bảo tồn, tu bổ di tích khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch cũng chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng cho 5 năm. Mặc dù Trung ương và địa phương rất quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trùng tu di sản. Nguồn lực đầu tư cho công tác này vẫn hạn chế, hiện tại mới chỉ đáp ứng một phần.

Vì vậy, trong công tác trùng tu, căn cứ khả năng cân đối nguồn lực, ưu tiên thực hiện trước những di tích xuống cấp nghiêm trọng, mang giá trị đặc biệt. Giai đoạn tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành trùng tu điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Kiến Trung, các lăng, hệ thống Thượng thành, hộ Thành hào…

Thiếu nguồn lực khiến công tác bảo tồn di sản gặp nhiều khó khăn?

Nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, chúng tôi rất mong muốn trùng tu nhưng thiếu kinh phí nên đành chịu hoặc chỉ có thể chống xuống cấp cấp thiết. Chẳng hạn, điện Thái Hòa đã xuống cấp nhiều năm phải chống đỡ, chống mối mọt, thấm dột đến bây giờ mới có kinh phí trùng tu. Nhiều công trình khác cũng trong tình trạng như vậy.

Sắp tới sẽ có thêm nhiều di tích được trùng tu từ nguồn của Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Không giống các công trình dân dụng thông thường, một dự án Trùng tu di tích cần có thời gian chuẩn bị rất công phu, từ nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, khảo cổ, đánh giá thực trạng đến lập dự án, thiết kế… với nhiều thủ tục từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, nếu đủ nguồn lực thì sẽ chủ động được giai đoạn chuẩn bị đầu tư, sẵn sàng triển khai khi có vốn. Việc tập trung nguồn lực sẽ rút ngắn thời gian thực hiện, khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải kéo dài trong nhiều năm.

Theo ông, việc Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế sẽ giúp ích  thế nào trong công tác trùng tu, bảo tồn di sản?

Quần thể Di tích Cố đô Huế không phải là di sản của riêng Thừa Thiên Huế, mà là di sản của cả dân tộc. Trước đây, nhiều địa phương khi đến Huế tham quan, chứng kiến cảnh di tích xuống cấp cũng xót xa và mong muốn được hỗ trợ. Tuy nhiên, Luật Ngân sách không cho phép dùng ngân sách của địa phương này hỗ trợ cho địa phương khác.

Việc Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế sẽ khai mở cho vấn đề này, bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ rất nhiều cho việc bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể.

Quỹ Bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận nguồn ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Nguồn thu của quỹ dùng để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Ngoài ra, phí tham quan di tích sau khi trừ chi phí được trích để lại cho Trung tâm trang trải chi phí hoạt động, ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách Nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di sản. Hy vọng, cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế vừa được Quốc hội ban hành sẽ đóng góp một phần đáng kể cho công tác giữ gìn, bảo vệ di sản.

Ngoài trùng tu di sản, nhiều người hy vọng Quỹ Bảo tồn di sản Huế cũng sẽ là một hướng mở cho việc đưa cổ vật hồi hương khi nhiều cổ vật triều Nguyễn có giá trị được bán ở nước ngoài nhưng chúng ta không đủ nguồn lực?

Vấn đề mua cổ vật ở nước ngoài đã được nhiều người đặt ra. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề liên quan về pháp lý khi sử dụng ngân sách mua cổ vật. Giá trị của cổ vật rất khó xác định thông qua hình ảnh, nhất là cổ vật được bán ở các sàn đấu giá. Giá cả cũng bị thổi phồng gấp nhiều lần giá trị thật của cổ vật.

Diện mạo di sản Huế đang dần được hồi sinh

Tuy vậy, có thể sử dụng quỹ hỗ trợ để mua những cổ vật có hồ sơ pháp lý đầy đủ, có nguồn gốc rõ ràng, được hội đồng thẩm định về giá trị và giá cả. Trước đây, một số nhà sưu tập ở Huế muốn bán cổ vật cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nhưng do không có sự chuẩn bị về nguồn lực cũng như thủ tục pháp lý nên cũng không mua được. Hy vọng, Quỹ Bảo tồn di sản Huế sẽ hỗ trợ để thực hiện những việc này.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mong muốn Quỹ sẽ được vận hành như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn di sản?

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mong có nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân hảo tâm quan tâm hỗ trợ, đóng góp, chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đây là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh trực tiếp quản lý nên các địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp hoàn toàn yên tâm vì Quỹ hoạt động trên cơ sở Nghị định được Chính phủ ban hành, trong đó quy định rõ về cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động. Tất cả được kiểm soát như ngân sách Nhà nước.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng sẽ góp phần vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp cho Quỹ thông qua hợp tác, đối ngoại; đồng thời, chia sẻ, cung cấp thông tin để mọi người hiểu thêm giá trị của di sản Huế và đóng góp nguồn lực, chung tay gìn giữ, bảo tồn những giá trị di sản, văn hóa do cha ông để lại.

Xin cảm ơn ông!

MINH HIỀN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ
Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại
Return to top