ClockThứ Tư, 15/10/2014 07:29

Sẽ công khai danh tính

TTH - Liên tục trong những ngày gần đây, Báo Thừa Thiên Huế đã có nhiều thông tin về tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn. Đây là tồn tại khá nổi cộm trong cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Dù mức độ ở mỗi tỉnh, thành có thể khác nhau, song điều này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và tạo ra những bất ổn về an sinh xã hội.

Trên 76,3 tỷ đồng là con số nợ BHXH của 746 đơn vị, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại 9 huyện, thành phố nợ từ 3 tháng trở lên (tính đến hết tháng 8-2014) vừa được cơ quan BHXH tỉnh một lần nữa công bố tại cuộc họp về định hướng tuyên truyền về BHXH do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vào ngày 9-10 vừa qua. Trong số này, BHXH TP Huế có số lượng nợ đọng nhiều nhất (433 đơn vị với tổng số trên 36,6 tỷ đồng); tiếp theo là các đơn vị thuộc Văn phòng BHXH tỉnh quản lý (78 đơn vị, trên 16 tỷ đồng). Sau đó là Hương Thủy (40 đơn vị), Hương Trà (47 đơn vị), Phú Lộc (40 đơn vị), Phú Vang (31 đơn vị), Phong Điền (27 đơn vị), A Lưới (20 đơn vị), Quảng Điền (11 đơn vị) và ít nhất là Nam Đông (7 đơn vị). Điều đáng nói ở đây là bên cạnh những đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hàng hóa tồn đọng, thua lỗ... vẫn có những đơn vị vẫn hoạt động và giao dịch hàng hóa được nhưng cố tình không đóng BHXH. Lý do của việc cố tình này nếu tạm giữ số tiền phải đóng BHXH để đưa vào kinh doanh thì sau này nếu có truy thu, phần lãi suất phải trả cho BHXH vẫn ít hơn hẳn so với lãi suất vay của ngân hàng (BHXH chỉ tính lãi suất 10,5% và BHYT là 8% - nguồn từ báo Dân Việt), lại tránh được thế chấp và các thủ tục khác.

Một thực tế đã không chấp nhận được mà chúng tôi đã từng đề cập ở số báo gần đây là tình trạng nợ đọng đã “lây” ra các cơ quan hành chính sự nghiệp- nhưng đơn vị vốn đã được cấp ngân sách cho các khoản chi thường xuyên trong năm. 53 là tổng số các đơn vị thuộc khối này trên địa bàn nợ BHXH từ 3 tháng trở lên (tính đến ngày 31-8-2014 và số tiền thu tính đến ngày 22-9-2014) với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Danh sách mà chúng tôi nắm hiện có một trung tâm miền Trung tại Thừa Thiên Huế có số nợ trên 305 triệu đồng; có đơn vị cấp sở với số tiền nợ gần 220 triệu đồng; trên 15 trung tâm, viện trực thuộc các sở, ngành và phần còn lại là các phòng chức năng, chính quyền một số xã, phường, thị trấn...
Bên cạnh một số chế tài sẽ tiếp tục được thực hiện như truy thu lãi suất nợ đọng, gửi giấy thông báo đến lần thứ 3 về các đơn vị nợ đọng lâu, có biểu hiện chây ỳ, tỉnh sẽ thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có sự tham gia của các cơ quan báo chí về tình trạng này. Nếu tình hình không được cải thiện, sẽ công khai danh tính các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất lên các phương tiện thông tại chúng trước khi kiện ra tòa như đã từng thực hiện với một vài đơn vị trong thời gian qua.
An Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top