ClockChủ Nhật, 24/06/2018 07:45

Sẽ là một không gian không dễ bỏ qua

TTH - “Ba, cho con đi đường sách chơi đi”. Thằng bé nhà tôi yêu cầu sau khi hoàn tất kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Tất nhiên là tôi rất sẵn lòng. Hai cha con thắng bộ, lên xe và thẳng tiến về đường sách Hai Bà Trưng. Đến nơi, thằng bé lập tức sà vào mấy cái giá sách để truyện cổ tích, truyện tranh để chọn, rồi ra một góc ngồi ngấu nghiến.

Sở dĩ cu cậu có cái đề xuất rất... sang trọng kia là bởi sau khi đường sách Hai Bà Trưng khai trương, trên đường chở cậu đi học về, tôi tranh thủ tạt qua xem mặt mũi đường sách của Huế nó thế nào. Nhác thấy hằng hà sa số sách và sách, trong đó, có những bộ truyện vẫn hớp hồn mình, cu cậu lao vào không dứt ra được. Kỳ thi quan trọng đang cận kề, số học sinh ứng thí cao hơn gần cả ngàn cháu so với mọi năm do hiệu ứng sinh con năm “dê vàng”, láng cháng là không có chỗ học như chơi, tôi phải vừa cảnh báo, vừa hứa với cháu gắng tập trung thi cử cho tốt. Xong “nợ bút nghiên” sẽ chở về cho “chơi” xả láng. Và bây giờ thì tôi đang giữ lời hứa với nó. Trẻ đi chơi đâu mới sợ, chứ đi đọc sách, chọn sách, khuyến khích quá đi chứ.

Đường sách của Huế khai trương từ đầu tháng 5/2018, nằm trên một đoạn vỉa hè đường Hai Bà Trưng, từ điểm tiếp giáp đường Nguyễn Huệ đến đường Phan Đình Phùng. Đây là đường sách đầu tiên của Huế với mục đích thỏa mãn nhu cầu đọc sách của người dân thành phố và khách du lịch, góp phần xây dựng một đô thị học tập cho Huế. Thật ra đường sách không phải là sản phẩm gì mới, bởi trước Huế thì Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều đã xây dựng và ra mắt không gian văn hóa trang nhã này. Chính điều đó đã làm cho không ít người Huế cảm thấy tự ái, bởi với họ, Huế là vùng đất văn hóa, vùng đất học. Kinh tế Huế có thể thua, nhưng chữ nghĩa, văn hóa thì Huế không thể chấp nhận đứng sau thiên hạ. Vậy cho nên, sự ra đời con đường sách ở Huế, cho dù quy mô khởi đầu vẫn còn ở mức khiêm tốn với chừng 10.000 đầu sách cả cũ và mới; không gian chưa thật đẹp, dịch vụ đi kèm chưa phong phú... song nó cũng giúp thỏa mãn được lòng “tự ái” của một bộ phận người Huế. Riêng với tôi, đường Hai Bà Trưng bây giờ trở thành một con đường yêu thích. Thỉnh thoảng vào buổi chiều, dù không có nhu cầu nhưng tôi cũng tạt qua một thoáng. Chẳng làm gì cả, mà chỉ để được thấy các cháu thiếu nhi, các bạn sinh viên, những người khách du lịch... đứng tần ngần trước các giá sách, hoặc chọn một góc yên tĩnh và chăm chú dán mắt vào một trang sách yêu thích. Lòng chợt dậy lên niềm vui thanh khiết, yên bình đến lạ. Trong những lần đi ngang như thế, có khi tôi bắt gặp những nhân vật đáng kính như Nguyễn Hữu Châu Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Hữu Thông... Họ đến để chọn sách, hoặc có khi chỉ ngồi nhâm nhi ly cà phê giữa một không gian ngập tràn chữ nghĩa và im lặng quan sát nhịp sống nơi con phố sách non trẻ. Dù có thể chưa hài lòng, nhưng chắc chắn cũng như tôi là họ đang vui. Chợt nghĩ, hình như sự xuất hiện những con người như họ cũng làm lấp lánh một phần hồn, một phần sắc màu sang trọng cho phố sách của Huế...

Có thể vạn sự khởi đầu nan, nhưng việc cho ra đời đường sách ở Huế là ý tưởng đáng trân trọng và rất cần được ủng hộ để duy trì và phát triển. Phố sách sau này nếu được mở rộng dần ra tuyến Phan Đình Phùng dọc theo dòng An Cựu lịch sử nắng đục mưa trong, lan lên gắn với ngôi nhà Trịnh Công Sơn và nhà văn Hoàng Phủ từng sống. Phía bên kia là Tòa Tổng giám mục, đối diện qua cây cầu nhỏ là thánh đường Phủ Cam nổi tiếng và đẹp tuyệt... - Đó sẽ là không gian, là điểm đến văn hóa không chỉ du khách mà cả nhiều người Huế nữa không dễ bỏ qua.

HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương

Cùng với các dự án (DA) chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm, TP. Huế tiếp tục chỉnh trang các công viên (CV), điểm xanh khu vực hai bờ sông Hương nhằm hoàn thiện hạ tầng đô thị, tạo thêm nhiều điểm đến phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, dạo bộ dành cho người dân và du khách.

Chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương
Chuyện từ Sốnglab

“Tôi không cố gắng làm những điều khác biệt, chỉ làm điều bản thân nghĩ là đúng và nên làm, như khi khởi nghiệp với mô hình co-working space (mô hình chia sẻ không gian chung với nhiều doanh nghiệp khác nhau) tích hợp yếu tố văn hóa, nghệ thuật từ 8 năm trước. Và nay, là không gian nghệ thuật kỹ thuật số Sốnglab tại Huế” - nhà sáng lập Dương Đỗ chia sẻ.

Chuyện từ Sốnglab
Tên về miền nhớ

Sáp nhập các đơn vị hành chính nghĩa là mở ra không gian phát triển mới, phù hợp với nhu cầu của thực tiễn. Và câu chuyện dự kiến sáp nhập tại một số địa phương đang dần tạo được sự đồng thuận của người dân, dẫu những cái tên sắp trở về miền nhớ.

Tên về miền nhớ
Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật

Bên cạnh lối trưng bày truyền thống, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần hướng đến kết hợp công nghệ số để thu hút, hấp dẫn, tăng cường khả năng trải nghiệm cho người xem. Công nghệ số cũng cần tập trung đến việc số hóa dữ liệu trưng bày để phục vụ, khai thác các giải pháp thông minh.

Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật
Return to top