ClockThứ Năm, 24/01/2013 17:29

Sẽ làm có hệ thống

TTH - Người dân thôn Cự Lại Trung (xã Phú Hải, huyện Phú Vang) bức xúc vì bãi rác ngay trong khu dân cư, rác lưu cữu năm này qua năm khác khiến mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Tương tự, người dân ở một số vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng phản ánh nạn rác thải tràn lan, gây ô nhiễm, không được xử lý.

Tự “xử” hoặc “xử” không xuể

Ngày 7/1, chúng tôi có mặt tại xã Phú Hải và thực sự “khủng khiếp” trước bãi rác đồ sộ ngay trong khu dân cư. Rác không chỉ chất thành đống lớn mà còn bị vứt bừa bãi trong diện rộng xung quanh đó. Dù mới mưa xong, nhưng những hộ dân gần khu vực bãi rác vẫn phải chịu đựng mùi hôi khá “đậm” cùng vô số ruồi. Người dân cho biết, trước đó không lâu, 1 công dân trong thôn qua đời, khi đưa người quá cố ra nghĩa địa, đến gần bãi rác, nhiều người đã ngất xỉu vì mùi hôi quá nồng nặc…
 

Rác trong rừng phòng hộ xã Vinh Thanh không được chuyển đi, đã chất đống (ảnh chụp ngày 12/1)

 
 
Hiện tỉnh đang đóng cửa 2 điểm ô nhiễm lớn là bãi rác Phú Hải và bãi rác Nam Đông và đầu tư 1 hệ thống thu gom xử lý nước thải của Bệnh viện TP Huế với tổng kinh phí 21 tỉ đồng, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương. Đối với bãi rác Phú Hải: xử lý triệt để rác thải (chuyển toàn bộ rác đi nơi khác) sau đó xây dựng 1 nhà có mái che, có hệ thống thu gom nước rỉ của rác, xuồng đựng rác. Đây sẽ là điểm trung chuyển rác của xã. Đối với bãi rác Nam Đông. Đưa toàn bộ rác qua bãi bên cạnh xử lý đáy bãi rác sau đó đưa rác về lại, quy trình thực hiện theo qui định của Bộ Xây dựng và Bộ TNMT. Đóng cửa xong bãi này, sẽ trồng cỏ lên. Năm 2013 tỉnh cũng đang xin nguồn Trung ương, dự kiến 15 tỉ đồng để đóng cửa bãi rác ở Quảng Điền (ô nhiễm rất lớn) và xử lý nước thải của Bệnh viện Y học cổ truyền.
Ngày 12/1, tại xã Vinh Thanh, dọc Quốc lộ 49B, cứ cách một khoảng ngắn lại có 1 hoặc vài đống rác lớn, nhỏ nằm bên vệ đường. Càng về gần khu vực chợ chiều (tự phát) Vinh Thanh và những địa điểm có nhiều quán xá hoạt động kinh doanh buôn bán, rác tấp bên lề đường càng nhiều hơn. Đi sâu vào khu vực dân cư nằm xa Quốc lộ 49B, có một số “bãi” là những khoảng đất không người canh tác, mọc đầy cỏ dại, người dân mang rác tới vứt. Tại khu vực cầu Vinh An (vùng An Thượng, thôn An Bằng xã Vinh An), rác “tập kết” ngay giữa dòng nước chảy dưới cầu. Một bì rác lớn không trôi được, mắc cạn bên mép nước. Trên khoảng đất rộng (dưới cầu, xung quanh chân cầu) rác vứt bừa bãi, “vô tư” như thể đây là khu vực dùng để tập kết rác thải.
 
Ông N.V.B (xã Vinh Thanh) và chị N.T.H (xã Vinh An) cho biết, do không có hoạt động thu gom rác nên 1 bộ phận người dân tự “xử lý” bằng cách đổ lung tung xuống khe suối. Rác sẽ trôi ra phá. Với “bãi” là những khoảnh đất bỏ hoang, mùa mưa nước dâng lên, rác (thường đựng trong những bịch ni lông) trôi xuống vùng đất trũng, thấp hơn gây bẩn thỉu, ô nhiễm. “Ở đây, vòng “tuần hoàn” của rác thường là như vậy. Hoặc gom rác để đốt, là cách mà người dân vùng nông thôn sử dụng, để tự xử lý vấn đề rác thải”-ông B nói.
 
 Theo thông tin của UBND xã Vinh Thanh: 4 năm nay, xã nỗ lực thực hiện đề án thu gom, xử lý rác thải (của xã), đã thành lập tổ thu gom, trước tiên ưu tiên thu gom dọc Quốc lộ 49B (từ thôn 1 đến thôn 5), cứ 2 lần mỗi tuần, tổ này thu gom rác đưa đến bãi rác nằm trong rừng phòng hộ (không có kinh phí chở rác lên bãi rác của tỉnh để xử lý, nên hiện nay đã chất đống). Do xe của tổ thu gom bị hỏng, đang sửa chữa, do đó thời gian này việc thu gom tạm thời ngưng, nên mới có hiện tượng rác “chờ” dọc đường như vậy. Còn ông Phan Thắng, Chủ tịch UBND xã Phú Hải cho biết: Sau 3 năm thực hiện thu gom rác đến bãi trung chuyển, để đưa đi nơi khác, số tiền chi phí âm quá lớn. Thu không bù chi, 1 năm âm 60 triệu đồng. Không đủ tiền để chuyển hết rác ra khỏi bãi này, nên xảy ra tình trạng rác tràn lan...
 
Sẽ thu gom xử lý có hệ thống
 
Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường): Trước thực
Bãi rác Thủy Phương gần đầy, tỉnh đang dự kiến quy hoạch 2 khu liêp hợp xử lý rác thải, 1 ở Phú Sơn (Hương Thủy) và 1 ở Hương Bình (Hương Trà). Hiện, một số nhà đầu tư đang tìm hiểu, xúc tiến đầu tư.
trạng và bức xúc về vấn đề rác thải nông thôn (RTNT) trong thời gian qua (1 ngày khoảng 250 tấn không được thu gom, thải ra đồng ruộng, đầm phá, các nơi khác), tỉnh chỉ đạo yêu cầu cơ quan quản lý là Sở TN&MT phải có giải pháp. Do đó, Sở có báo cáo về thực trạng thu gom RTNT và tham mưu đề xuất xây dựng 1 đề án. Hiện, đề án thu gom và xử lý rác thải của tỉnh, định hướng đến năm 2020, đã được phê duyệt cuối năm 2011. Theo đó, năm 2013, tổng kinh phí của tỉnh bố trí để phục vụ thu gom, xử lý rác là 107 tỉ đồng, tập trung chủ yếu cho vùng nông thôn (kinh phí sự nghiệp môi trường trước đây hàng năm khoảng 50-60 tỉ đồng và chủ yếu phục vụ cho TP Huế).

Hiện, các địa phương như Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà… đều xây dựng đề án và cũng đã được phê duyệt. Vấn đề thu gom, xử lý RTNT đã bắt đầu khởi động và sẽ có hệ thống. Trong năm 2013, tại tất cả các địa phương sẽ phải hình thành các hệ thống thu gom và xử lý rác thải (các phương tiện cho cấp xã, huyện như: xuồng, xe thu gom… do tỉnh đầu tư từ kinh phí 107 tỉ đồng), với phương thức cấp huyện và cấp xã phải chịu trách nhiệm tự thu gom rác thải, mà nguồn chi trả chính, là từ phí vệ sinh môi trường (địa phương thu từ người dân) như UBND tỉnh ban hành. Phí này được chi trả lại cho các HTX, các đội, tổ, nhóm đi thu gom rác thải ở vùng nông thôn. Ngoài ra, địa phương phải hình thành các điểm tập kết rác hoặc các điểm trung chuyển. Còn vận chuyển rác (từ điểm trung chuyển đến bãi của tỉnh) và xử lý rác do Công ty Môi trường đảm nhiệm. Chi phí vận chuyển, xử lý rác sẽ cân đối từ ngân sách tỉnh là chủ yếu và 1 phần từ ngân sách huyện. Nếu 107 tỉ kinh phí đã cân đối, vẫn không đủ, thì phải dùng nguồn dự phòng để hỗ trợ, vì vấn đề thu gom xử lý rác thải nói chung và RTNT nói riêng, tỉnh quyết tâm phải làm rốt ráo, từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong vấn đề môi trường nói chung và xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh:
 
“Trách nhiệm chính thuộc chính quyền cấp huyện, xã…”
 
Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ, đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm giải quyết vấn đề môi trường ở địa phương. Nhưng chính quyền cấp huyện, xã nghĩ việc đó trách nhiệm chính do cơ quan quản lý cấp tỉnh, như Sở Xây dựng, Sở TN&MT. Nhưng quan điểm như vậy là sai hoàn toàn. Các đơn vị cấp tỉnh chỉ hình thành lên các quy hoạch, cơ chế, các chế tài trong quản lý. Ví dụ, xây dựng và thực hiện đề án thu gom xử lý rác thải của tỉnh là do Sở TN&MT làm. Hay quy hoạch thu gom xử lý rác thải là Sở Xây dựng và Sở TN&MT làm. Nhưng vấn đề làm cụ thể là phải huyện. Tuy nhiên, một thời gian dài trước đây, phần lớn họ không làm hoặc làm nửa vời.
 
Ngân sách tỉnh không cấp về cho anh làm, mà anh phải đề xuất. Ví dụ, anh thấy nhu cầu bức bách của mình, thì có văn bản đề xuất với cơ quan chuyên môn. Ngoài việc đề xuất rồi, anh phải bố trí một phần kinh phí để thuê tư vấn xây dựng dự án, giúp cho mình làm dự án và phê duyệt dự án đó. Sau khi tỉnh phê duyệt dự án xong thì tỉnh cấp tiền thôi. Nhưng phần lớn những động tác đó họ không chủ động mà đều phải có sự tác động của cơ quan quản lý cấp tỉnh…
 
Ông Phan Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh:
 
“Người dân cần chung tay với Nhà nước để làm”
 
Bước đầu triển khai đề án thu gom rác thải ở địa phương đã đạt được một số hiệu quả tích cực. Nhưng một số bộ phận người dân ý thức chưa cao (đặc biệt là ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác nơi công cộng) nên khó khăn cho xã. Ví dụ: thời gian qua, xảy ra tình trạng nhếch nhác ở đọan đường cầu Trường Hà, là con đường dân nhiều xã qua lại. Người dân không có ý thức, nên khi đi chợ… họ chở theo bao rác của nhà mình, đến đọan đường này (vắng) vứt xuống. Xã đau đầu về vấn đề này. Cứ 1-2 tháng, rác nhiều quá, xã phải huy động dân ra dọn dẹp. Từ đầu tháng 1-2013, xã triển khai 1 tổ phục kích, nếu bắt được người đem rác tới xả sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Hiện nay xã thu phí theo quy định của tỉnh, hộ mặt tiền 10.000 đ/hộ/tháng, mặt hậu 8.000 đ/hộ/tháng, nhưng không đáp ứng đủ công tác thu gom, vận chuyển đến bãi rác trong rừng phòng hộ. Tuy nhiên, do rất quan tâm vấn đề này, nên thời gian qua, mỗi tháng xã phải chi từ 3,5 đến 4 triệu đồng để bù thêm.
 
Công tác vệ sinh môi trường thuộc xã hội hóa, người dân cần chung tay với Nhà nước để làm. Theo đó, người dân cần ủng hộ thêm (đóng tiền cao hơn) để làm tốt công tác này. Vừa qua, xã đã tổ chức họp các cụm dân cư để tuyên truyền vận động thuyết phục người dân tham gia chương trình này, cùng chính quyền cương quyết không để tình trạng xả rác xảy ra. Xã đang lập dự án cùng với huyện thu gom xử lý tốt hơn, chuyển rác từ bãi trung chuyển đến bãi rác của tỉnh để xử lý.
 
Ông Nguyễn Tuấn, thôn 5 xã Vinh Thanh:
 
“Phấn khởi và ủng hộ nếu xã tổ chức thu gom đến tận nơi”
 
Vì hoạt động thu gom rác chỉ có ở mặt tiền thôi (ý nói dọc QL49B) nên khu vực tôi ở người dân tự xử lý. Có nhiều gia đình, thường chỗ nào vắng họ đưa rác đến đổ bậy đổ bạ. Nhà chúng tôi ở gần 1 “bãi rác” như vậy nên rất khó chịu vì mùi hôi. Nhưng khổ nỗi, khoảng đất đó thuộc địa phận xã Vinh An nên nếu mình nói, họ “vặc” lại, họ đâu có đổ trên đất của ai? Vả lại, cũng sợ mất lòng nhau nên không ai dám nói, ai làm chi kệ họ (!). Tuy nhiên, cũng rất nhiều gia đình có ý thức trong chuyện này, tự đào hố chôn rác hoặc đốt. Như gia đình tôi, mỗi khi đốt phải tính hướng gió sao cho khói bay về nơi không có nhà ở, đốt xong, chôn trong vườn mình. Ô nhiễm nhưng cũng phải chịu vậy thôi chứ biết sao!
 
Nếu xã tổ chức thu gom đến tận nơi, chúng tôi rất phấn khởi và hoàn toàn ủng hộ. Mỗi tháng đóng 10.000 đồng, coi như tiết kiệm mua cái bánh, đổi lại, rác được chuyển đến nơi khác, được xử lý đúng cách. Như vậy, môi trường sống của người dân chúng tôi được sạch sẽ, phòng ngừa được nhiều bệnh tật…
 
Chị Bùi Thị Diệu, thôn Thủy Phù 1, Hương Thủy:
 
“Ngoài thường xuyên tuyên truyền, cần phạt theo quy định”
 
Xuất phát từ việc, ở nông thôn không có thùng rác để người dân bỏ rác vào, nên họ cứ theo thói quen xả rác bừa bãi hoặc ngay bên vệ đường (nhất là những đoạn đường chung dân nhiều thôn, nhiều xã qua lại, khó giám sát quản lý). Do đó, chúng tôi kiến nghị, nên có thùng rác công cộng gần khu dân cư. Có thể lúc đầu người dân ở nông thôn chưa quen “động tác” gom rác ở nhà ra bỏ vào thùng. Nhưng có người này làm, người kia cũng sẽ làm, dần dần sẽ tạo thành thói quen tốt. Cần thường xuyên tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường, chứ không chỉ tuyên truyền trong các ngày môi trường mà thôi. Ở thôn tôi, nếu ai bị bắt gặp đổ rác bừa bãi, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, là bị nhắc nhở, bị “dọa” phạt (nhưng chưa phạt), do đó, người dân trong thôn có ý thức khá cao trong việc xử lý rác nhà mình. Theo tôi, ngoài việc vận động, tuyên truyền, nếu người nào xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường cũng bị phạt theo quy định của pháp luật, thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao trong việc làm chuyển biến ý thức của người dân.
 
Phạm Thùy Chi (ghi)

 

Bài và ảnh: Quỳnh Anh - Nguyễn Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Return to top