ClockThứ Sáu, 19/02/2016 05:54

Sẽ nhân văn hơn nhiều

TTH - Hãy thôi nhân danh “nhân văn” để duy trì, cổ súy cho một tập tục không còn phù hợp với đời sống văn minh và gây quá nhiều phiền lụy cho xã hội...

Vàng mã được vô tư rải xuống sông Hương

Những ngày cuối năm, trong lúc nhà nhà hân hoan du xuân sắm tết thì những công nhân của các đơn vị cây xanh, môi trường phải làm việc cật lực cho thành phố tinh tươm, sạch đẹp để đón chào năm mới. Nhìn các anh chị em làm việc dưới trời mưa lạnh, tôi thấy lòng rưng rưng cảm kích và tri ân. Thầm mong trời nhanh nhanh tạnh mưa cho anh em đỡ khổ; lại tự nhắc mình nếu không giúp gì được thì cũng rất nên có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, nhắc nhở người nhà không xả rác ra đường, tập kết rác đúng nơi đúng chỗ cho các anh, các chị đỡ vất vả.

Sáng 29 tháng Chạp (tức 30 Tết, do năm rồi tháng thiếu), cả gia đình tôi kéo nhau về nội để cúng cỗ “lên nêu”. Trời hôm ấy bắt đầu tạnh ráo. Đường Điện Biên Phủ quang rạng, tươm tất sẵn sàng cho thời khắc giao thừa. Bỗng một đám ma xuất hiện, rồi tiền vàng tung tóe; lại thêm một đám nữa xuất hiện, lại tiền vàng tung tóe... Ngày cuối năm, các gia đình có người xấu số đều tập trung đưa tang, tránh để đám 2 năm. Và những con đường dẫn về nghĩa trang lãnh đủ. Và công sức của các anh, các chị công nhân môi trường cũng trở nên công cốc. Chia sẻ với nỗi mất mát của những gia đình có người “tử biệt sinh ly”, nhưng quả là không thể thông cảm, không thể kìm được nỗi bất bình trước sự vô cảm của họ đối với lợi ích công cộng!

Xin đừng làm nhọc nhằn thêm công việc của những người vớt rác 

Chưa hết, bắt đầu từ trưa 30, cả con sông An Cựu (mà chắc là còn thêm nhiều con sông, mặt hồ khác nữa, do ngày cuối năm tôi không có thời gian khảo sát hết) tràn ngập “áo binh” được nhiều người cúng xong thả xuống. Tệ nạn này đã xuất hiện vào mỗi dịp “sóc, vọng” hàng tháng, đã gây bức xúc nhiều trong dư luận. Dịp cuối tết nhất lại càng rộ tợn, khiến con sông như trở thành con sông rác. Thật bức bối không thể chịu được!

Đã có nhiều tiếng nói phản đối, đã có những phân tích, kiến nghị tiết giảm, bài trừ vàng mã do sự bất tiện, phí phạm, ô nhiễm, “vô minh” và phản cảm. Một số địa phương đã thấu biết và có giải pháp. Thừa Thiên Huế chúng ta cũng đã có quy định cấm rải vàng mã trên một số tuyến đường...Tuy nhiên, cho thật sòng phẳng mà nói, hiệu quả thu lại vẫn chưa như mong muốn. Nhiều, thậm chí rất nhiều trường hợp vi phạm nhưng không bị xử lý. Do vậy người ta sinh nhờn, vàng mã vẫn rộng đường “sống”.

Có lẽ đã đến lúc phải làm một cuộc vận động tổng lực để thay đổi nhận thức. Trong đó, các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà nghiên cứu văn hóa là lực lượng chủ công. Tiếp nữa, các cơ quan quản lý cần phải có hành động rốt ráo, từ quy định, xử lý cho đến những chính sách “hậu vàng mã” cho đối tượng làm nghề.

Xin hãy thôi nhân danh “nhân văn” để duy trì, cổ súy cho một tập tục không còn phù hợp với đời sống văn minh và gây quá nhiều phiền lụy cho xã hội. Thay vì hóa tro, hãy để dành tiền giúp người nghèo khám chữa bệnh, thêm ngôi nhà nhân ái hay manh áo ấm mùa đông...; Hãy thương lấy những công nhân làm vệ sinh môi trường, hãy thương lấy môi trường sống của chúng ta vốn đã oằn mình chống chịu với vô vàn ô nhiễm. Có lẽ như thế sẽ nhân văn hơn nhiều...

Thượng Bích

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Return to top