ClockChủ Nhật, 03/04/2022 08:43

Sẽ rà soát, đề xuất tỉnh xem xét bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản

TTH - Giai đoạn 2021-2025, hàng loạt dự án (DA), công trình, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm đang triển khai ở địa phương có nhu cầu về nguồn đất san lấp khá lớn. Trao đổi vấn đề này với Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần, ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết:

Khai thác khoáng sản: Quy hoạch tích cực nhưng vướng thuếCông bố quy hoạch khoáng sảnQuy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản: Khép kín & có chọn lọc

Ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: HỮU PHÚC

Đó là vấn đề được ban, ngành chức năng địa phương quan tâm dự báo và đã tính đến khi UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1918 ngày 24/8/2017 và các Quyết định bổ sung, điều chỉnh. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT đã triển khai cấp phép thăm dò khai thác đất làm vật liệu san lấp (VLSL) theo quy định pháp luật khoáng sản và quy định liên quan với 2 phương thức: đấu giá quyền khai thác khoáng sản và cấp phép theo phương thức lựa chọn tổ chức, cá nhân để cấp phép, đáp ứng nhu cầu cung ứng cho các DA, công trình xây dựng đang triển khai tại địa phương.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, có 40 vị trí quy hoạch đất làm VLSL, với tổng diện tích 805ha và tổng trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 58 triệu m3.

Theo ông, với việc quy hoạch và trữ lượng khoáng sản này có đáp ứng đủ nhu cầu công trình, DA trọng điểm đang triển khai?

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 mỏ đất làm VLSL đang hoạt động với diện tích 123,86ha, tổng trữ lượng khai thác là hơn 11 triệu m3; công suất khai thác là hơn 2,37 triệu m3/năm. Ngoài ra, UBND tỉnh còn cấp phép khai thác khoáng sản đất tầng phủ của các mỏ đá làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh để phục vụ các nhu cầu đất đắp. Theo tính toán, với nhu cầu đất đắp phục vụ thi công công trình cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đến nay đã đảm bảo nguồn cung. Ngoài ra, nhu cầu đất đắp phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh hiện nay và thời gian đến là khoảng 25 triệu m3. Cụ thể, theo số liệu tổng hợp nhu cầu về đất làm VLSL để cung cấp cho các DA đầu tư xây dựng, gồm các công trình quốc phòng phục vụ di dời các cơ quan quân sự tại khu vực Mang Cá của BCH Quân sự tỉnh; DA đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; DA Đường phía Tây phá Tam Giang, DA Đường vành đai 3 phía Tây TP. Huế; DA đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An và các DA hạ tầng kỹ thuật dân cư thương mại…

Để đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu san lấp, Sở TN&MT sẽ tham mưu tỉnh bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản

Nếu vậy tại sao nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình lại cho rằng hiện đang khan hiếm nguồn đất đắp nền?

Do đặc thù yêu cầu các chỉ tiêu kỹ thuật khác nhau về đất đắp phục vụ cho từng loại công trình, chẳng hạn nhu cầu cơ lý đất đắp đường giao thông có chỉ tiêu kỹ thuật khác so với đắt đắp san nền mặt bằng..., vì vậy việc “nhiều công trình, DA kêu khó về đất đắp” có thể có nguồn gốc về yêu cầu tiêu chí, tiêu chuẩn đất đầu vào cho công trình.

Để gỡ khó vấn đề trên, theo ông cần giải pháp gì?

Để đảm bảo nhu cầu đất làm VLSL phục vụ cho các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, cũng như theo tinh thần cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho DA cao tốc, Sở TN&MT đã phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành rà soát nhu cầu đất làm VLSL. Trên cơ sở đó đã tham mưu và được UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2020, Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 16/3/2022 với 9 khu vực nằm trên địa bàn các huyện, thị xã để đấu giá khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, chủ yếu là các mỏ đất làm VLSL. Đồng thời, Sở TN&MT phối hợp với các ngành, địa phương rà soát đề xuất UBND tỉnh xem xét, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản theo thẩm quyền UBND tỉnh giai đoạn đến.

Thời gian qua đối với những mỏ đấu giá cấp quyền khai thác hoặc được cấp phép khai thác đã đáp ứng tiêu chí đề ra?

Đối với những mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các tổ chức, doanh nghiệp trúng đấu giá đã tuân thủ thực hiện quy trình thủ tục sau khi được công nhận trúng đấu giá và đến nay đi vào hoạt động khai thác ổn định. Qua kiểm tra các mỏ, hầu hết chưa có sai phạm, khai thác phù hợp với điều kiện tiêu chí đặt ra, như: hoạt động khai thác ổn định liên tục, khai thác đúng công nghệ, trình tự, hệ thống khai thác không vượt ranh giới, công suất cấp phép… Đơn cử như mỏ đất được cấp phép khai thác mỏ đất làm VLSL tại khu vực đồi Trốc Voi 3 (Thủy Phương, TX. Hương Thủy) của Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp 468 và trường hợp được cấp phép qua phương thức lựa chọn nhà đầu tư như mỏ đất tại Hiền Sỹ (Phong Sơn, Phong Điền) đã cung cấp VLSL cho DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn khá ổn định. Đây là những mỏ được Sở TN&MT đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, đưa vào quy hoạch, rà soát để cấp phép khai thác phục vụ cung ứng cho các công trình, DA trọng điểm của tỉnh.

Ngoài những mỏ đề cập trên, vậy còn một số điểm mỏ đang gặp vướng mắc dù đã được cấp phép, điểm mỏ chưa được gia hạn và cấp phép hoạt động, sở đã có những giải pháp gì để tháo gỡ nhằm sớm đưa vào khai thác?

Một số mỏ đang vướng mắc về hoạt động khai thác do đang thực hiện các thủ tục trước khi đi vào khai thác liên quan đến giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích đất trồng rừng sang mục đích khác... Về gia hạn thì không có trường hợp vướng mắc do sau khi hết hạn thì các mỏ đã hết thời hạn và không lập thủ tục gia hạn theo quy định nên phải thực hiện đóng cửa mỏ.

Đối với trách nhiệm của chủ đầu tư, doanh nghiệp trước hết đẩy nhanh và thực hiện hoàn chỉnh, đầy đủ nội dung quy định pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi luôn theo dõi, kiểm tra, rà soát kịp thời để hướng dẫn, giải quyết liên quan đến thủ tục đầu tư khai thác khoáng sản để đẩy nhanh thủ tục cấp phép cũng như đưa vào khai thác đúng quy định.

Dự báo, Thừa Thiên Huế sẽ đột phá về hạ tầng với rất nhiều công trình hạ tầng trọng điểm của Trung ương, tỉnh đang được triển khai, nên nhu cầu về nguồn vật VLSL là rất lớn. Sở TN&MT có những kế hoạch, phương án tối ưu gì để quản lý nhằm tránh tình trạng khan thiếu VLSL, ảnh hưởng đến tiến độ các DA?

Chúng tôi tiếp tục tính toán, phối hợp với các ngành, địa phương rà soát, cân đối lại nhu cầu để bổ sung vào quy hoạch cũng như đề xuất kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất làm VLSL phục vụ các DA một cách phù hợp. Tránh trường hợp bị động khi các DA đã triển khai xây dựng mà không có nguồn đất cung ứng dẫn đến làm chậm tiến độ...

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

MINH VĂN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top