ClockThứ Ba, 21/02/2017 21:17

Sẽ sớm giải phóng các toa tàu ra khỏi hiện trường

TTH.VN - Vụ tai nạn đường sắt chiều 20/2 được đánh giá khá nghiêm trọng, nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế lái xe tải băng qua đường ngang dân sinh thiếu quan sát. Trong một diễn biến khác, trả lời câu hỏi chất lượng những tuyến đường ngang dân sinh tại Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện thông tin, các tuyến đường ngang dân sinh hầu như không đủ tiêu chuẩn.

Đang nỗ lực thông tuyến sau vụ lật tàu chở khách tại Phú LộcLật tàu chở khách, ít nhất 3 người chếtNhững hình ảnh kinh hoàng sau khi thông tuyến vụ lật tàu

Huyết mạch nhưng không rào chắn

Chứng kiến vụ tai nạn khiến 7 người thương vong, ông Nguyễn Văn Sanh (70 tuổi, thôn Thủy Yên Hạ, xã Lộc Thủy), người dân sống sát đường tàu, vẫn còn bàng hoàng khi thuật lại sự việc. “Trước khi va chạm tui nghe tiếng còi dài, sau đó tiếng đổ ầm. Tất cả người dân sống xung quanh khu vực tập trung ra hiện trường và chứng kiến cảnh hãi hùng. Tui liền điện thoại báo cho Công an huyện Phú Lộc trình bày sự việc. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường cùng người dân cứu hộ, cứu nạn”.

Cũng cách “điểm đen” này chừng vài chục mét về phía Bắc năm trước, một vụ lật tàu chở hàng cũng đã xảy ra. Cụ thể hơn, trong 5 năm gần nhất đã xảy ra 3 vụ tại nạn đường sắt xung quanh khu vực này. Đó là chưa kể, những lần tàu “húc” trâu, bò, và cả người.

Tuyến đường sắt đi qua điểm xảy ra tai nạn đã thông suốt trưa 21/2.

Nhiều người dân địa phương cho biết, đường ngang này là tuyến đường huyết mạch liên xã. Theo ông Sanh, sau năm 1954, con đường này được cách mạng dùng để liên lạc giữa khu 2 và khu 3. Hiện nay, ngoài mật độ giao thông dày đặc, đây còn là đường công vụ dẫn vào hồ chứa nước Thủy Yên-Thủy Cam. Lượng xe tải, xe ben phải chạy qua “điểm đen” này rất lớn. “Tại ngã giao nhau giữa đường sắt và đường ngang này có hàng trăm học sinh qua lại. Ngoài ra, đây là tuyến giao thông chính của hàng ngàn phương tiện lớn nhỏ”, ông Sanh nói.

Tai nạn đã xảy ra, người dân chứng kiến đã trợ giúp cơ quan chức năng đưa hành khách an toàn ra khỏi hiện trường. “Khi tàu lật, tui chạy đến các toa tàu để cứu những người bị thương. Những hành khách không bị thương ai cũng lo lắng, hốt hoảng. Đặc biệt, trên tàu có du khách nước ngoài, những người chưa hề chứng kiến tai nạn kinh hoàng tương tự, vì thế họ không biết xử lý như thế nào”, anh Nguyễn Văn Phước (35 tuổi, thôn Thủy Yên Hạ) chia sẻ.

Theo các nhân chứng có mặt tại hiện trường, ngoài nguyên do chủ quan là từ tài xế xe tải, nguyên nhân sâu xa là do không có barrie tại điểm đường ngang dân sinh nên đã xảy ra tai nạn giao thông khu vực này. “Tui cũng như bà con ở đây khẩn thiết mong lắp đặt barrie tự động nhằm đảm bảo an toàn cho người qua lại”, ông Sanh đề nghị.

Tích cực giải phóng hiện trường

Thông tin từ ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, toàn huyện Phú Lộc có gần 60 đường ngang dân sinh. Thế nhưng, thông tin các đường ngang dân sinh đa số không đảm bảo từ ông Mạnh khiến ai cũng phải giật mình. “Trong 5 năm qua, tai nạn liên quan đến đường sắt xung quanh “điểm đen” này làm chết 5 người. Về chất lượng các đường ngang dân sinh, trong điều kiện còn khó khăn như hiện nay mong các cấp chính quyền hỗ trợ để có phương án nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn”, ông Mạnh nói thêm.

Các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường đường ngang nơi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng

Hiện, đường sắt Bắc Nam đã được thông tuyến. Thế nhưng với những gì còn sót lại trên hiện trường, chính quyền địa phương cũng đã cắt cử người giám sát, khắc phục. Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết: “Sau khi xảy ra tai nạn, chúng tôi huy động lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ để phong tỏa hiện trường, cứu hộ, cứu nạn. Hiện, tuyến đường sắt đã thông nhưng luôn có lực lượng trực theo dõi”.

Sáng mai (21/2), tại Đà Nẵng, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, sẽ có cuộc họp bàn phương án để “giải phóng” những toa tàu bị trật bánh và không trật bánh ra khỏi hiện trường. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên Huế cho biết: “Đối với những toa tàu bị trật bánh, mỗi toa đều có một nhân viên túc trực ở đó. Phía chi nhánh Thừa Thiên Huế cắt cử thêm một nhân viên bảo vệ đến túc trực giám sát. Còn những toa tàu không trật bánh, sau cuộc họp ngày mai, tổng công ty sẽ bàn phương án kéo về Đà Nẵng sửa chữa”. “Dự kiến, tối mai sẽ có chuyến kéo toa tàu không trật bánh về Đà Nẵng đầu tiên. Thời điểm kéo sẽ là lúc đường ray đang rảnh. Trong tuần này sẽ “giải phóng” tất cả các toa tàu khỏi hiện trường”, ông Sơn cho biết thêm.

Một số hình ảnh chúng tôi ghi lại tại hiện trường sau khi thông tuyến đường sắt Bắc Nam:

Nhân viên đường sắt thu dọn lại hành lý, vật dụng trên các toa tàu rơi vương vãi ra ngoài

 

Cơ quan chức năng tiếp tục khám nghiệm hiện trường sau khi thông tuyến

Vết tích một toa tàu còn lại sau vụ tan nạn

Cánh cửa bên trong toa tàu cũng gãy đổ

Một thành viên đang khám nghiệm hiện trường bên trong đầu tàu

Chụp ảnh hiện trường khu vực cách bánh xe lửa ở đầu tàu

Xe tải trơ trọi khung cũng được kiểm tra rất kĩ càng

Bài, ảnh: Lê Thọ - Phan Thành

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn:
Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian gần đây cho thấy, bên cạnh yếu tố hạ tầng thì ý thức của người tham gia giao thông nói chung và của “cánh tài xế” là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức
Rà soát toàn bộ hệ thống giao thông để hạn chế tai nạn trên cao tốc

Sau 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra liên tiếp trên cao tốc 2 làn xe La Sơn – Tuý Loan (ngày 23/1/2024) và Cam Lộ - La Sơn (ngày 18/2/2024), theo lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, bên cạnh việc xác định nguyên nhân TNGT, cần làm rõ các nguyên nhân khác trên toàn bộ hệ thống gia thông để phòng ngừa, hạn chế TNGT xảy ra.

Rà soát toàn bộ hệ thống giao thông để hạn chế tai nạn trên cao tốc
Return to top