ClockThứ Bảy, 22/05/2021 06:30

Sẽ tiếp tục hoàn thiện để làm tốt nhiệm vụ ở cương vị mới

TTH - Nhận nhiệm vụ “người đứng đầu ngành y tế tỉnh” ngay thời điểm dịch bệnh COVID - 19 bùng phát lần thứ 4 trong nước, PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, tân Giám đốc Sở Y tế đã có những trao đổi nhanh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Kiêm Hảo được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Y tế

PGS.TS Trần Kiêm Hảo, tân Giám đốc Sở Y tế

Trước tiên, xin chúc mừng PGS.TS. Trần Kiêm Hảo được lãnh đạo tỉnh tin tưởng và giao nhiệm vụ mới là Giám đốc Sở Y tế. Ông có thể chia sẻ cảm xúc khi chuyển vị trí công tác từ một cơ sở điều trị tuyến Trung ương sang quản lý Nhà nước ở địa phương?

Tôi nhận thấy đây thực sự là vinh dự to lớn, song cũng là trách nhiệm lớn lao đối với bản thân mà lãnh đạo tỉnh đã tin tưởng giao phó. Ban đầu cũng có những khó khăn, nhưng tôi tin tưởng với những kinh nghiệm mà bản thân tích lũy được qua quá trình công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế trong vai trò quản lý, cùng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp của ngành y tế tỉnh, tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để hoàn thành tốt vai trò người đứng đầu ngành y tế tỉnh nhà.

Hệ thống y tế Thừa Thiên Huế cơ bản hoàn chỉnh, phát triển tương đối khá đồng bộ, đáp ứng được nhiệm vụ trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Thời gian đến, chúng tôi sẽ cố gắng để xây dựng ngành y tế ngày càng phát triển, xứng đáng với sự mong đợi của lãnh đạo tỉnh cũng như người dân.

Thừa Thiên Huế đã ghi nhận những ca bệnh COVID-19 trên địa bàn. Ngành y tế đã chuẩn bị cho tình huống này như thế nào?

Ngay từ những ngày đầu, Thừa Thiên Huế đã đề ra và duy trì chiến lược phòng chống COVID-19, gồm: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả và ổn định tình hình với phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ với phương châm “Phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch phòng, chống COVID-19 theo 3 tình huống: chưa ghi nhận ca bệnh tại tỉnh; xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào địa bàn (tình huống hiện nay) và dịch lây lan trong cộng đồng.

Ứng phó với đợt dịch bệnh COVID -19 bùng phát hiện nay, ngay khi địa bàn tỉnh ghi nhận những ca bệnh xuất hiện, Sở Y tế lập tức kiện toàn và khởi động Ban chỉ đạo phòng chống COVID -19 cũng như các tiểu ban: Giám sát và truyền thông, Điều trị và Hậu cần. Công tác giám sát, phát hiện ca bệnh COVID-19 được triển khai quyết liệt, thần tốc và triệt để. 41 đội phản ứng nhanh được kích hoạt, ứng trực 24/7. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với công an và các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19 các cấp quyết liệt phát hiện, truy vết và giám sát các ca bệnh nghi nhiễm trong cộng đồng. Chúng tôi cũng tăng cường áp dụng triệt để các ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong công tác báo cáo tình hình dịch và truy vết người nghi nhiễm, giám sát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về thông điệp 5K của Bộ Y tế: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế tại nơi cư trú.

Xét nghiệm diện rộng là yêu cầu then chốt trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Sở Y tế kiểm soát SARS-CoV-2 từ nhiệm vụ này như thế nào?

Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện xét nghiệm sàng lọc hơn 10.000 mẫu xét nghiệm PCR. Trung tâm đang tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, bảo đảm trang thiết bị, vật tư xét nghiệm, sinh phẩm, hóa chất, nhân lực thực hiện, tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát nguồn bệnh ở những khu vực có nguy cơ để kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả.

Xét nghiệm sàng lọc là nhiệm vụ quan trọng, quyết định thời gian phát hiện ca bệnh nghi nhiễm trong cộng đồng để Ban Chỉ đạo các cấp triển khai việc khoanh vùng nhanh gọn, phù hợp nhất có thể, truy vết nhanh các đối tượng tiếp xúc gần và thực hiện cách ly theo quy định. Chúng tôi cũng sẵn sàng phương án xét nghiệm diện rộng bao gồm phương án về nhân lực lấy mẫu, tổ chức thực hiện xét nghiệm, và các hóa chất, vật tư, sinh phẩm… Trong các phương án, chúng tôi có sự phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Trung ương Huế, trường Đại học Y dược Huế để tăng cường tổ chức xét nghiệm PCR đảm bảo theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Ngành y tế Thừa Thiên Huế đã và đang bảo vệ hệ thống cơ sở y tế như thế nào trong tình hình dịch bệnh hiện nay, thưa ông?

Chúng tôi chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và báo cáo kết quả định kỳ theo quy định. Song song, Sở Y tế thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở và yêu cầu chấn chỉnh kịp thời những nội dung, nhiệm vụ chưa đảm bảo an toàn theo các tiêu chí. Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị y tế rà soát các phương án phòng chống dịch bệnh hiện có, kịp thời bổ sung các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra với các biện pháp phòng chống phù hợp. Mọi nguồn lực của các đơn vị đều được huy động tối đa, ưu tiên nhiệm vụ phòng chống dịch.

Chủ động phát hiện sớm người bệnh có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở y tế, chúng tôi tăng cường xét nghiệm sàng lọc những người bệnh có yếu tố dịch tễ và có yếu tố nghi ngờ. Trong đó, đặc biệt chú ý nhóm nhạy cảm như người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mãn tính có hay không có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19. Các cơ sở y tế cũng tăng cường việc lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên khi có các triệu chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp, nhân viên có tiếp xúc điều trị với người bị nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi cấp, nhân viên lấy mẫu, hồi sức cấp cứu…

Tại một số địa phương, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong các khu công nghiệp (KCN). Sở Y tế đã hỗ trợ như thế nào đối với các KCN trong tỉnh để phòng chống sự xâm nhập của dịch bệnh?

KCN của tỉnh đã triển khai một cách triệt để bộ tiêu chí an toàn và những quy tắc ứng xử trong phòng chống dịch COVID-19. Với nhiệm vụ của ngành, chúng tôi đã phối hợp với Ban Quản lý các Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh và các địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các công ty trong việc thực hiện các nội dung của bộ tiêu chí.

Chúng tôi cũng có những phương án sẵn sàng ứng phó với những tình huống cụ thể; trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là chủ động phát hiện sớm ca bệnh, nếu có, để kịp thời khoanh vùng, dập dịch nhất là ở những KCN, công ty có số lượng công nhân đông. Chúng tôi cũng tiến hành việc xét nghiệm sàng lọc ưu tiên đối với người lao động có những yếu tố nguy cơ. Hy vọng, khi đảm bảo đủ năng lực xét nghiệm thì 100% người lao động tại các KCN trong tỉnh sẽ được sàng lọc, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Năm nay, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Ngành y tế đã chuẩn bị như thế nào cho nhiệm vụ đảm bảo an toàn phòng dịch trong bầu cử sắp tới, thưa ông?

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong công tác bầu cử, chúng tôi đã lên tất cả các phương án để thực hiện nhiệm vụ. Toàn tỉnh có 936 điểm bầu cử. Tại các điểm, chúng tôi bố trí 2 cán bộ y tế và có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Bên cạnh đó, chúng tôi bố trí thêm các tổ y tế lưu động, ở trạng thái “chờ”, sẵn sàng ứng trực hỗ trợ cho những tình huống phát sinh. Bám sát những quy định của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và UBND tỉnh, chúng tôi cũng chủ động chuẩn bị sẵn sàng các tình huống bầu cử cho người dân ở các khu cách ly, các điểm giãn cách, phong tỏa, đảm bảo an toàn trong công tác bầu cử.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người dân vẫn được tiêm miễn phí vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế vừa có quyết định 2227/QĐ-BYT về ban hành kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2023 để tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi trở lên, đồng thời chuẩn bị để triển khai tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi, tiêm các mũi nhắc lại tiếp theo khi có khuyến cáo. Kế hoạch này giúp các địa phương tự xác định nhu cầu vaccine, xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn phù hợp với tình hình.

Người dân vẫn được tiêm miễn phí vaccine phòng COVID-19
Các bệnh viện “xốc lại” tinh thần phòng dịch

Dịch COVID-19 quay trở lại, với số mắc tăng cao; các cơ sở y tế là nơi nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh nên cần xiết lại chế độ phòng dịch, thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn.

Các bệnh viện “xốc lại” tinh thần phòng dịch
Return to top