ClockThứ Hai, 22/06/2015 11:08

Sẽ xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “xin - cho” chỉ tiêu biên chế

TTH - Sở Nội vụ vừa hoàn thành Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu ngạch công chức của tỉnh Thừa Thiên Huế. Về ý nghĩa và tầm quan trọng của đề án, ông Cái Vĩnh Tuấn, TUV, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết:

Xác định vị trí việc làm là một bước chuyển từ quản lý đội ngũ cán bộ, công chức theo hệ thống chức nghiệp sang quản lý đội ngũ cán bộ, công chức trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm. Bản chất của việc xác định vị trí việc làm là xem xét trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó. Xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức là một yếu tố khách quan của nền công vụ, là nhiệm vụ bắt buộc đối với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Việc xác định vị trí việc làm có ý nghĩa to lớn để xác định rõ cơ cấu công chức và định biên công chức nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, sắp xếp lại tổ chức và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, Đề án vị trí việc làm sẽ tạo nên bộ khung rõ ràng, minh bạch về số lượng, cơ cấu công chức, viên chức trong mỗi cơ quan, đơn vị; qua đó có thể xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “xin - cho” trong việc phân bổ chỉ tiêu biên chế; khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu và đánh giá đúng năng lực của công chức, viên chức, góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định.
Dựa trên cơ sở nào để xây dựng Đề án vị trí việc làm, thưa ông?
Để xây dựng đề án vị trí việc làm, phải dựa trên 2 cơ sở là pháp lý và thực tiễn:
Về thực tiễn, vị trí việc làm được xác định dựa trên những nguyên tắc như: phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn; mỗi vị trí việc làm luôn gắn với một chức danh ngạch công chức nhất định, đối với vị trí việc làm là lãnh đạo, quản lý thì có thêm chức danh lãnh đạo, quản lý; phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý công chức.
Bên cạnh đó, vị trí việc làm được xác định dựa trên 06 cơ sở chủ yếu như: văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền ban hành; tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; mức độ phức tạp, quy mô công việc, phạm vi và đối tượng phục vụ, quản lý, quy trình, thủ tục quản lý hoặc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; vị trí địa lý, tính chất, quy mô, cơ cấu dân số, tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh - trật tự; thực trạng bố trí, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Xin ông cho biết Đề án vị trí việc làm ở tỉnh ta đến thời điểm hiện nay được triển khai xây dựng như thế nào?
Đến giữa năm 2014, 100% các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh và UBND cấp huyện đã triển khai xong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị mình. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đã tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh, trình Bộ Nội vụ thẩm định, phê duyệt và đang chờ kết quả thẩm định của Bộ Nội vụ.
Đề án này có điểm gì mới, thưa ông?
Như đã nêu, hiện nay chúng ta đang chuyển từ mô hình chức nghiệp sang mô hình vị trí việc làm. Mô hình này thực chất là một hệ thống tiền lương được thiết lập dựa trên cơ sở đánh giá công việc, do đó coi trọng công việc hơn là đặc điểm cá nhân của người nắm giữ công việc. Công việc được sắp xếp theo một trật tự thứ bậc chứ không phải bản thân công chức, viên chức và trình độ học vấn của họ như hiện nay.
Mô hình việc làm dựa trên khái niệm “chuyên gia”, hay nói cách khác, mỗi công chức, viên chức được coi là một chuyên gia, bởi mỗi vị trí công việc nhất định đòi hỏi một công chức, viên chức cụ thể với những tiêu chuẩn phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc. Về nguyên tắc, công chức, viên chức cũng có thể chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, nhưng với điều kiện các vị trí đó phải có nhiệm vụ và mức độ trách nhiệm tương tự để họ được hưởng mức lương giống nhau.
Mô hình vị trí việc làm thường được coi là một mô hình “mở” vì nó tạo điều kiện cho tất cả những ai quan tâm đều có thể tiếp cận đến các vị trí công việc và cho phép dự tuyển vào công vụ bất cứ khi nào có vị trí công việc trống. Muốn đảm nhận các vị trí công việc ở mức cao hơn, các công chức phải thực thi tốt công việc hiện tại để chứng minh mình có thể hoàn thành các công việc phức tạp hơn. Điều đáng lưu ý ở đây là con đường phát triển chức nghiệp không tuân theo và không tồn tại khái niệm công việc suốt đời.
 Với những đặc trưng nêu trên, trong mô hình vị trí việc làm, công chức, viên chức linh hoạt, năng động, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường. Công chức, viên chức được coi trọng năng lực, công trạng và thực tài hơn là bằng cấp và thâm niên công tác của họ. Ngoài ra, hiệu suất hoạt động của nền công vụ cũng cao hơn do tận dụng được hết khả năng của từng công chức, viên chức thông qua môi trường “cạnh tranh” lành mạnh, công bằng.
Thưa ông, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm có giải quyết được vấn đề thừa, thiếu biên chế của tỉnh ta hay không?
Để đánh giá tình trạng thừa hay thiếu công chức, viên chức hiện nay là rất khó và chưa có cơ sở thuyết phục. Bởi vấn đề này có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức của từng đơn vị, địa phương. Nhiều cơ quan, đơn vị có khối lượng công việc lớn nhưng số lượng người làm việc chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; trong khi đó, một số đơn vị khác được giao biên chế nhưng chưa có sự bố trí hợp lý để sử dụng một cách hiệu quả nguồn nhân lực của mình, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Biên chế tăng hay giảm phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn chứ không phải cứ tăng lên là không phù hợp hoặc giảm đi là phù hợp. Phải có cái nhìn khách quan, công bằng trong việc xác định vị trí việc làm để dự kiến số lượng người làm việc. Nhiệm vụ này thuộc về các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đề án dựa trên những cơ sở quan trọng như đã nêu ở trên.
Nếu các đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền thông qua, trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương sẽ tiến hành sắp xếp, bố trí lại cán bộ, công chức, viên chức một cách hợp lý hơn theo đề án đã được phê duyệt, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu đội ngũ như thời gian qua.
Xin cám ơn ông!
Xác định vị trí việc làm là một bước chuyển từ quản lý đội ngũ cán bộ, công chức theo hệ thống chức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm
Return to top