ClockThứ Năm, 25/05/2017 14:12

Seoul không phá đường cũ, làm 'vườn treo'

Thay vì tháo dỡ, chính quyền Seoul quyết định mang lại diện mạo mới cho một con đường trên cao cũ, biến nó thành biểu tượng của một thành phố thân thiện với người đi bộ.
Seoul không phá đường cũ, làm 'vườn treo'
Phối cảnh đường đi bộ Seoullo 7017 gần khu vực nhà ga Seoul - Ảnh: Chính quyền thành phố Seoul cung cấp

Với dự án Seoullo 7017, con đường trên cao từng dành riêng cho xe bốn bánh gần khu vực nhà ga Seoul của Hàn Quốc đã được chỉnh trang và đổi mới, với mục đích cũng hoàn toàn mới là phục vụ người đi bộ.

Biến đường cũ 
thành điểm du lịch

Ra đời vào năm 1970, con đường trên cao đã gắn liền với quá trình phát triển của thành phố Seoul trong giai đoạn này nhờ vào những đóng góp quan trọng cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tuy nhiên, khối bêtông ngày càng trở nên cũ kỹ và được cho ngừng sử dụng vào năm 2015.

Thay vào việc tháo dỡ như những công trình xuống cấp khác, chính quyền thành phố đã quyết định hồi sinh con đường này và biến nó thành một địa điểm du lịch mới mẻ, cũng như là biểu tượng của một Seoul thân thiện với người đi bộ.

Dựa vào thiết kế của kiến trúc sư người Hà Lan Winy Maas từ một cuộc thi do chính quyền địa phương tổ chức trước đó, dự án Seoullo 7017 được khởi công vào tháng 12/2015 và hoàn thành vào tháng 5/2017.

Đường đi bộ Seoullo 7017 chính thức ra mắt ngày 20/5, với hi vọng trở thành một địa điểm yêu thích mới của người dân địa phương cũng như du khách quốc tế.

Với độ dài 1.024m, con đường đi bộ mới này sẽ giúp kết nối nhiều địa danh nổi tiếng ở thủ đô Hàn Quốc như chợ Namdaemun, Namsan, Myeong-dong ở phía đông thành phố hay quảng trường Malli-dong ở phía tây.

Ngoài ra, Seoullo 7017 cũng được kết nối với 17 con đường đi bộ gần đó thông qua hệ thống thang máy, thang cuốn và thang bộ, cũng như có lối đi trực tiếp vào một số tòa nhà lân cận.

Khối kiến trúc này có thể được ví như một khu vườn treo tại trung tâm thành phố, với hơn 24.000 chậu cây và hoa của 228 loài thực vật đặt dọc lối đi.

Người tham quan có thể đi bộ, ngắm cảnh, ngồi nghỉ chân hoặc sử dụng dịch vụ tại các quán cà phê, nhà hàng và trung tâm hỗ trợ khách du lịch.

Theo chính quyền Seoul, địa điểm du lịch mới này sẽ là một nơi vui chơi lý tưởng suốt cả bốn mùa ở thành phố này.

Seoul không phá đường cũ, làm 'vườn treo'
Phối cảnh đường đi bộ Seoullo 7017 vào ban đêm - Ảnh: Chính quyền thành phố Seoul

Người đi bộ ngày càng quan trọng

Nhà ga Seoul được coi là khu vực huyết mạch của thành phố, vì nơi đây là điểm kết nối giữa nhiều tuyến tàu điện ngầm, tuyến xe buýt và cả tuyến đường sắt.

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển thường nhật của người dân địa phương, đây cũng là nơi tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài bởi nó được liên kết với sân bay quốc tế Incheon bằng tuyến tàu lửa tốc hành.

Tuy nhiên, theo ông Park Won Soon - thị trưởng thành phố Seoul, khu vực xung quanh nhà ga Seoul chưa phát huy tối đa được tiềm năng du lịch bởi các địa điểm nổi tiếng được phân bố rời rạc, thiếu sự gắn kết. Sự ra đời của Seoullo 7017 sẽ là mảnh ghép quan trọng tạo nên sự liền lạc tại khu vực này - thị trưởng Park cho biết.

Cùng với đường đi bộ trên cao này và các dự án tương tự trong tương lai, Seoul sẽ trở thành một thành phố hoàn toàn khác trong những năm tới.

Park Won Soon (thị trưởng thành phố Seoul)

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, thị trưởng Park khẳng định con đường trên cao cũ đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế thành phố trong nhiều thập niên qua. Tuy nhiên với xu hướng phát triển của Seoul trong thế kỷ 21, người đi bộ ngày càng quan trọng hơn xe cộ và Seoullo 7017 sẽ là bước đi đầu tiên của chính quyền địa phương trong nỗ lực cắt giảm số lượng xe bốn bánh và tạo dựng môi trường ngày càng thân thiện với người đi bộ.

Nếu như hướng phát triển cũ là tháo dỡ để xây dựng một hạ tầng giao thông khác, thì tầm nhìn mới của chính quyền thành phố là tận dụng khối kiến trúc sẵn có để phục vụ du lịch và người dân.

Trong hai ngày đầu mở cửa cho công chúng, Seoullo 7017 đã chào đón hơn 250.000 khách tham quan, theo báo Korea Times. Nhiều người đến đây đã có phản hồi tích cực về địa điểm du lịch mới này.

Trả lời phỏng vấn với Đài Ariang, một du khách người Đức cho rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời. “Các thành phố hiện đại ngày càng có nhiều xe cộ, nhà cao tầng mà dần mất đi các mảng xanh thực vật và các yếu tố thiên nhiên khác” - du khách Đức cho biết.

Trong khi đó, một người dân Seoul thừa nhận anh đã lo lắng khi biết đến dự án này, bởi nó có thể khiến ùn tắc giao thông trong khu vực ngày càng nghiêm trọng. Nhưng sau khi đặt chân lên con đường đi bộ này cùng gia đình mình, anh cảm thấy rất vui vì Seoul đang dần trở nên thân thiện với con người và môi trường.

Cái tên Seoullo 7017 gắn liền với các đặc điểm quan trọng của dự án này. Diễn giải đầy đủ gồm Seoullo có nghĩa là “con đường Seoul“ (“lo” trong tiếng Hàn có nghĩa là “con đường”), trong khi đó số 70 chính là 1970 - năm ra đời của đường trên cao cũ.

Số 17 ẩn chứa ba tầng ý nghĩa, một là năm 2017, thời điểm con đường trên cao này được hồi sinh, hai là 17 đường đi bộ được liên kết với Seoullo và ba là độ cao 17m của kiến trúc này.

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam là biểu tượng của phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa, các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới. Đây là lời khẳng định của Giáo sư Ezequiel Ramoneda, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CESEA) thuộc Viện quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata Argentina (UNLP).

Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

TIN MỚI

Return to top