ClockThứ Năm, 14/10/2021 14:38

Siết chặt các khoản thu đầu năm

TTH - Theo ông Nguyễn Thuận, quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường được thu phí phục vụ bán trú; trong đó, có tiền ăn học sinh, điện, nước, công cụ dụng cụ ban đầu phục vụ lớp bán trú...

Xử lý nghiêm đối với trường học lạm thu trái quy địnhNhiều khoản thu đầu năm học: Phụ huynh “bạc mặt” lo tiền

Học sinh được đo thân nhiệt trước khi vào trường

Chị Nguyễn Thị Lành, có 2 con học tiểu học bộc bạch, số tiền được quỹ bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp hỗ trợ cho hai vợ chồng suốt thời gian không có việc làm, đành phải dành dụm để mua máy tính cho hai chị em học online nên giờ rất khó khăn. Khoản tiền đầu năm của hai con là gần 3 triệu (chưa kể tiền ăn bán trú) nên chị Lành đã đề nghị giáo viên cho chậm đóng tiền bảo hiểm y tế khi thẻ chưa hết thời hạn. “Tôi chỉ mong, trường học đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng phụ huynh. Chỉ thu những khoản bắt buộc và thực sự cần thiết. Những khoản nào cắt giảm được nên bỏ qua, để giảm gánh nặng về tài chính cho gia đình. Ngoài ra, các trường nên thu thành nhiều đợt trong năm, tránh tập trung thu vào đầu năm học hoặc đầu học kỳ II” – chị Lành bày tỏ.

Khảo sát một vòng quanh các trường, mức thu bình quân đầu năm ở cấp tiểu học tầm 1,2 đến 1,5 triệu đồng/em/ năm, trong đó, có khoản thu BHYT học sinh, cơ sở vật chất bán trú, đội sao, bảng tên, sổ liên lạc... Nhiều trường “liệu cơm gắp mắm” trong việc cân nhắc các khoản thu. Nhiều trường không đưa loại hình bảo hiểm thân thể vào khoản đóng đầu năm. Tiền BHYT các em có thể đóng nhiều đợt/năm học. Thậm chí, nhiều giáo viên chịu khó thu giãn các khoản tiền như học phí nộp từng tháng, BHYT nộp 3 tháng 1 lần... để phụ huynh dễ nộp, nhất là những gia đình có hai con học cùng trường.

Tuy nhiên, tiền quỹ hội phụ huynh và mua sắm điều hòa, ti vi… cho học sinh ở một số lớp thuộc các trường trên địa bàn khiến nhiều người không đồng tình. Theo công văn của phòng giáo dục, các trường học chưa được huy động kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, trường ngay trong phiên họp phụ huynh đầu năm 2021-2022; chỉ thực hiện sau khi nhà trường đã ổn định vào năm học mới và được sự đồng thuận, nhất trí của cha mẹ học sinh.Tuy nhiên, tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản đã có lớp thu quỹ này với mức 600.000 đồng/em/năm học.

Vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm, hầu như lớp 1 ở nhiều trường đều thu tiền lắp điều hòa với số tiền từ 500.000 đồng. Cụ thể, một lớp học ở Trường tiểu học An Cựu đã thu đến 700.000 đồng/em. Thậm chí có lớp, phụ huynh thống nhất đóng 1 triệu đồng mua điều hòa và tivi cho các cháu (phụ huynh tự đi mua). Ông Nguyễn Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế cho biết, phòng đang chấn chỉnh tình trạng này ở một số trường. Dẫu biết đây là sự tự nguyện của hội phụ huynh ở mỗi lớp, nhưng giáo viên chủ nhiệm phải từ chối việc bắt điều hòa khi trời đang vào đông và nhất là trong mùa dịch. Chưa kể, việc bắt điều hòa kèm theo thu tiền điện ở các trường tiểu học Vinh Ninh, Lê Lợi 190.000 đồng/em/ năm cũng gây khó khăn cho phụ huynh.

 Học sinh đã trở lại lớp trong trạng thái bình thường mới

Thêm một khoản tự nguyện nhưng bất hợp lý trong thời điểm này là một số trường trên địa bàn TP. Huế thu tiền học môn kỹ năng sống (50.000 đồng/em/tháng) và học tiếng Anh tăng cường (170.000 đồng/tháng). Dẫu biết là phụ huynh có thể đăng ký cho con hoặc không, nhưng đặt vào cái thế này rất khó từ chối. Cùng một lớp học, nhưng đến giờ các bạn học mà con mình không được học, phụ huynh lại không cam lòng.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, ngành giáo dục đã yêu cầu các địa phương không đưa bộ môn kỹ năng sống và tăng cường tiếng Anh vào trường học trong thời điểm hiện nay, tránh tạo gánh nặng cho phụ huynh. Ngoài ra, học sinh cũng cần có thời gian để ôn tập, học bài mới theo đúng tiến độ. Khi nào tình hình dịch bệnh ổn định, các em sẽ tiếp tục học hai môn này cũng chưa muộn.

Theo ông Nguyễn Thuận, quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường được thu phí phục vụ bán trú; trong đó, có tiền ăn học sinh, điện, nước, công cụ dụng cụ ban đầu phục vụ lớp bán trú...Trang cấp cơ sở vật chất cho bếp ăn bán trú được mua sắm phù hợp để giảm mức thấp nhất. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục phải họp và thống nhất bằng văn bản với cha mẹ học sinh. Tùy theo tình hình thực tế để thỏa thuận mức thu phù hợp và đảm bảo nguyên tắc kế thừa tài sản, tránh lãng phí. Năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục quyết tâm ngăn chặn hiện tượng lạm thu bằng việc tăng trách nhiệm, tăng chế tài để xử lý nghiêm sai phạm. Sắp đến, phòng thành lập đoàn kiểm tra để nắm tình hình thu các khoản đầu năm ở các trường, nếu phát hiện trường nào thu không đúng sẽ yêu cầu trả lại, chấn chỉnh các trường thu theo quy định.

Bài, ảnh: An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Ngày 6/4, Trường cao đẳng Công nghiệp (CĐCN) Huế tổ chức hội nghị phân luồng giáo dục lần thứ 4, năm 2024. Chương trình được phối hợp với các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn về một số hoạt động giáo dục, hướng nghiệp gắn với mục tiêu việc làm bền vững cho học sinh, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo theo định hướng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh
Return to top