ClockThứ Sáu, 13/05/2016 14:11

Siết chặt quản lý nguồn thải

TTH - Vụ việc cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung chưa lắng xuống, những ngày qua thông tin cá chết tiếp tục xảy ở các địa phương, nguyên nhân ban đầu được xác định là do ô nhiễm nguồn nước. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý nguồn xả thải, nhất là nguồn nước thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất hiện nay.

Trong các vụ cá chết hàng loạt gần đây, có trường hợp xác định ngay được thủ phạm gây ô nhiễm, như vụ cá tự nhiên và cá lồng của người dân trên sông Bưởi, đoạn chảy qua địa bàn huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) bị chết. Nhà máy đường Hòa Bình đã nhận trách nhiệm xả thải chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên và thống nhất phương án đền bù cho người dân bị thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng. Có vụ xác định được thủ phạm, nhưng đối tượng không chịu nhận trách nhiệm, buộc người dân phải khởi kiện, như vụ hơn 30 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và ở xã Châu Sơn, TP. Vũng Tàu khởi kiện 14 doanh nghiệp chế biến hải sản tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành) yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc xác định thủ phạm gặp không ít khó khăn như vụ cá biển chết ở ven biển miền Trung; cá lồng bị chết ở cửa biển Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa)…

Trước diễn biến của tình hình ô nhiễm môi trường trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường đề nghị các địa phương ven biển, ven sông lớn rà soát, lập danh sách để kiểm tra các cơ sở có nguồn chất thải lớn và lượng xả nước thải lớn, đặc biệt là các nguồn thải có liên quan đến nguồn nước (sông và biển). Theo Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc kiểm tra này được tiến hành toàn diện, bài bản, từ việc thực hiện theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây dựng trạm xử lý nước thải, rác thải, công tác vận hành, giám sát môi trường...

Tại Thừa Thiên Huế, tình trạng các nhà máy gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước cũng đang diễn ra phức tạp, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Đơn cử, tại cụm công nghiệp Thủy Phương (Hương Thủy) một số doanh nghiệp sản xuất giấy, nhựa tái chế gây ô nhiễm môi trường, làm suối Cầu Đôi ô nhiễm nặng, người nuôi cá phải bỏ nghề, nước giếng không thể dùng được, vì tắm bị ghẻ lở, mẩn ngứa đầy người. Hoặc, Nhà máy xử lý Thủy Phương thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa xử lý rác không đảm bảo, nước rác chảy ra ngoài, mùi hôi thối nồng nặc, gây bức xúc cho dân cư trong vùng…

Để phục vụ phát triển kinh tế, trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án mới đầu tư trên địa bàn tỉnh, điển hình là việc xây dựng khu công nghiệp phụ trợ dệt may ở Phong Điền, vấn đề xử lý các nguồn thải phải được tính toán kỳ. Vẫn biết chi phí xử lý nước thải, chất thải là khoản đầu tư không nhỏ, nhưng nếu không đầu tư trước một bước cho việc xử lý chất thải, nước thải ở các khu, cụm công nghiệp thì hậu quả sẽ nặng nề và rất khó khắc phục sau này.

Hoàng Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hoàng mai Huế"

Sáng 2/2, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Hoàng mai Huế, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam tổ chức công bố ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế và tập huấn về các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế
Xử lý nước thải đô thị còn nhiều hạn chế

Mặc dù đã có chuyển biến so với trước, nhưng vấn đề xử lý chất thải khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, cần tập trung đầu tư để môi trường được cải thiện hơn.

Xử lý nước thải đô thị còn nhiều hạn chế

TIN MỚI

Return to top