ClockThứ Tư, 06/09/2017 08:39

Siết chặt quản lý thông tin mạng

TTH - Internet và mạng xã hội (MXH)- social networt hiện đang trở nên rất phổ biến, mang lại nhiều giá trị tích cực, đồng thời ẩn chứa nhiều bất cập và hiểm họa khó lường nếu sử dụng không đúng mục đích.

"Con dao hai lưỡi”

Với nhiều người dùng, MXH là một trong những cách để giới thiệu bản thân, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ quan điểm cá nhân, gắn kết cộng đồng...

Chị Huyền Trang, ở đường Hùng Vương, tham gia bán hàng online qua facebook chia sẻ: “MXH thực sự là môi trường kinh doanh lý tưởng, đầy tiềm năng, nhất là trong việc gia tăng bán hàng, giảm chi phí marketing cũng như tiếp cận khách hàng trực tiếp. Thông qua MXH facebook, mình cùng bạn bè tham gia và kêu gọi mọi người hưởng ứng những hoạt động từ thiện đã tạo sức lan tỏa nhanh chóng và nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều người”.

Tuy nhiên, cũng có không ít người lựa chọn MXH để bày tỏ quan điểm của cá nhân mình về người khác, để nói xấu, công kích, miệt thị, thậm chí đưa thông tin sai lệch để vùi dập người khác.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhiều thông tin trên MXH hàm chứa nội dung xấu, độc, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo... Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, nhất là giới trẻ.

Theo ông Nguyễn Hữu Lương, Phó Trưởng phòng Thông tin- Báo chí- Xuất bản, Sở TT&TT, tại Thừa Thiên Huế, khoảng 3 năm trở lại đây, các tài khoản MXH, fanpage (diễn đàn trên MXH facebook) của các tổ chức, cá nhân phát triển với số lượng lớn và có tính lan tỏa rất cao. Tuy nhiên, nếu tài khoản cá nhân khá phức tạp (nhiều trang face đưa tin giả mạo, đưa tin không đúng, cố tình xuyên tạc để câu like, câu view) thì đa số các fanpage của các tổ chức, doanh nghiệp đưa thông tin chính thống và có cơ chế kiểm soát các bình luận, kiểm soát các chia sẻ.

Siết chặt quản lý

Ông Nguyễn Hữu Lương cho biết, cùng với sự phát triển “trăm hoa đua nở” của MXH, công tác quản lý Nhà nước đối với MXH cũng phát sinh nhiều phức tạp.

Hiện, ngoài việc quản lý nội dung thông tin, bình luận trên MXH, Sở TT&TT còn tăng cường quản lý các chia sẻ của các tài khoản khi chia sẻ lại các tài khoản khác.

Đơn cử như gần đây, trên facebook cá nhân của ông H.C.T- lãnh đạo một đơn vị tại huyện P. có đăng thông tin xuyên tạc và phát ngôn thiếu chuẩn mực với Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bảo đảm an ninh bệnh viện. Trong khi, thực tế Bộ Y tế và Sở Y tế Thừa Thiên Huế đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự trong bệnh viện. Căn cứ theo Nghị định 174 và đề nghị của Bộ Y tế, trường hợp này Chánh thanh tra Sở TT&TT đã xử phạt ông H.C.T với số tiền 5 triệu đồng.

Vụ việc tài khoản facebook Huda Beer xuất hiện các hình ảnh về di tích Ngọ Môn, cầu Trường Tiền “ốp” đầy những chai bia Huda, Sở cũng đã mời DN lên, nhắc nhở để họ gỡ bỏ... “Sở TT&TT cũng nhận được nhiều đơn khiếu nại, kiến nghị của nhiều cá nhân, tổ chức về nói xấu, bôi nhọ, mạo danh trên facebook, đòi hỏi việc tăng cường, siết chặt quản lý nội dung thông tin  trên MXH”, ông Lương nói.

Cùng với Thông tư 38 của Bộ TT&TT quy định về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới và Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin  trên mạng, Sở TT&TT bằng nhiều biện pháp sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với MXH, nhất là nội dung thông tin  mạng kết hợp với công tác phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên mặt trận tư tưởng, báo chí. Các fanpage, trang MXH chính thức của cơ quan Nhà nước, tổ chức phải đảm bảo cơ chế chặt chẽ về quản lý bình luận, quản lý việc chia sẻ của người đọc.

Sở cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về mặt tốt, mặt xấu của MXH, nhất là tuyên truyền đến người dân việc tự bảo vệ bản thân, biết chọn lọc thông tin trên MXH. Đồng thời, cùng với các cơ quan liên quan, đưa nội dung an toàn thông tin  vào trường học nhằm giúp thế hệ trẻ tiếp thu có chọn lọc trên mạng, giáo dục về pháp luật để các em tự biết bảo vệ mình trước các thông tin  xấu, thông tin xuyên tạc, lừa đảo trên môi trường mạng...

MXH ở Việt Nam có thể phân thành 2 loại, một là MXH do các doanh nghiệp (DN) trong nước xây dựng, được Bộ TT&TT cấp phép và thứ hai là MXH do DN nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình như facebook, youtube, google, twitter. Trong đó, facebook và youtube được lựa chọn sử dụng nhiều nhất, với khoảng 45 triệu người Việt Nam có tài khoản facebook (70% trong số đó có độ tuổi từ 18 đến 34).

Theo báo cáo của google, Việt Nam là một trong nhóm 10 nước có lượng người dùng youtube cao nhất trên thế giới.

Các trang MXH do DN Việt Nam cung cấp, nhất là các trang được cấp phép phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Tính đến 15/8/2017, đã có 331 MXH được cấp giấy phép hoạt động; tuy nhiên, qua rà soát, không có trang nào ở Huế.

ưLiên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

Tăng hiểu biết cho người dân, nhất là đối tượng người yếu thế, người già, phụ nữ, các đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa… về tài chính không chỉ tăng khả năng tiếp cận tín dụng giúp họ độc lập trong phát triển kinh tế, mà còn giảm thiểu được những rủi ro tài chính, nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính.

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

TIN MỚI

Return to top