ClockThứ Bảy, 09/06/2018 21:00

Singapore một nửa đất nước xanh cây

TTH - Ấn tượng khi đặt chân đến đất nước Singapore là những đường phố, những khu vườn rợp bóng cây xanh.

Singapore thiết lập hệ thống quản lý chất thải điện tử vào năm 2021Singapore: Sử dụng robot thiên nga giám sát chất lượng nướcSingapore là nhà đầu tư châu Á lớn thứ hai ở Hoa Kỳ

Những khu vườn rộng lớn như vườn chim Jurong, Botanic garden,...  thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Được mệnh danh là "đảo quốc xanh" hay "thành phố vườn", đất nước nhỏ hẹp chỉ với 710km2 nhưng có mật độ xây dựng dày đặc hoàn toàn không gây cảm giác ngột ngạt cho hơn chục triệu dân và du khách.

Cây xanh ở với người

 

Từ cây mưa đến siêu cây

Một trong những loại cây phổ biến ở Singapore là cây mưa (rain tree) hay còn gọi là cây muồng tím, thuộc họ Fabaceae. Cây được trồng rợp các tuyến đường, các công viên và đặc biệt dễ thấy là hàng cây số cây mưa đều tăm tắp dọc hai bên đường ra sân bay Changi. Cây mưa có thân lớn, bền chắc trước gió bão, nhiều nhánh bung tán rộng, tỏa bóng mát rượi. Cây cho hoa màu hồng hay tím nhạt, hoa rụng như mưa rơi nên "chết tên". Nhưng cũng có người nói cây khép lá vào ban đêm (tựa như cây trinh nữ) ủ hơi nước để ban ngày nở bung ra dưới ánh mặt trời làm rơi những hạt nước nhỏ như mưa. Hồi còn học dài ngày ở đây, những ngày cuối tuần tôi vẫn thường lang thang dọc con đường mua sắm trứ danh Orchard tấp nập bao nhiêu là người, rồi trở về nghỉ chân trên chiếc ghế gỗ trong bùng binh xanh đầu phố, cạnh bức điêu khắc bằng đồng "Trong dòng người và tiền bất tận", dưới tán cây mưa, cảm nhận sự trong lành dịu ngọt của trời đất. Bên cạnh muồng tím, bốn loài cây phổ biến khác ở Singapore là cây angsana, cây lim sét, cây xà cừ và cây lọng ô. Đặc điểm chung của những cây này là thân to chắc, tán rộng, chịu đựng được gió to bão lớn.

Theo Cơ quan công viên quốc gia Singapore, hiện cả nước có hơn 2.000 loài khác nhau (tất cả đều được lưu trữ nguồn gen) với hơn 2 triệu cây xanh phủ bóng mát cho gần 50% diện tích đất nước. Lưu ý rằng mật độ phủ xanh đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ từ 5- 15%, và hàng ngày hàng giờ vẫn đang bị đe dọa đốn bỏ để mở mang đường sá hay xây dựng các công trình! Cũng lưu ý thêm là để sống được 2.000 loài cây hiện hữu, Cơ quan công viên quốc gia Singapore đã kỳ công đem về trồng thử đến gấp 4 lần số đó, bởi đất đai xứ này không dễ trồng cây. Cô bạn Singapore xinh đẹp Melissajane Zehnder của tôi quả quyết rằng 2.000 loài cây nói trên là cây "Nhà nước trồng", phải kể thêm 2.000 loài cây trong dân nữa! Singapore là quốc gia nằm gần xích đạo, nắng gắt và mưa lớn quanh năm, chất đất lại nhiều a xít. Để có được những mảng xanh cây cỏ tốt tươi trong các công viên, sân vận động..., người ta bón phân thường xuyên, mà phải là phân trộn (compost) để không bị trôi, lại còn rắc vôi bột để trung hòa a xít. Người Singapore được truyền cảm hứng yêu cây xanh từ những người lãnh đạo của họ, đặc biệt là vị thủ tướng lập quốc Lý Quang Diệu. Họ trồng cây ở bất kỳ đâu có thể: góc ban công, lối đi nhỏ, sân thượng, cầu vượt... Đẹp và mát mắt làm sao một bãi cỏ xanh rộng lớn trên mái nghiêng của một tòa nhà trong trường đại học hay một bệnh viện! Họ có ngày trồng cây quốc gia vào chủ nhật đầu tiên của tháng 11 hàng năm, thời điểm bắt đầu mùa mưa (để tiết kiệm nước tưới).

Siêu cây năng lượng

Hơn 50 năm phát triển đất nước, người Singapore chưa bao giờ vơi niềm cảm hứng trồng cây xanh. Ngày 29/6/2012, đất nước này đã giới thiệu với thế giới một kỳ quan mới của họ: Dự án công viên 247,5 hecta Gardens by the Bay (Những khu vườn bên vịnh), mà khai trương đầu tiên là khu vườn phía nam vịnh rộng 54 hecta trong đó "trồng" 18 "siêu cây" (super tree) bằng thép cao từ 25- 50m, 11 cây trong số đó là "cây năng lượng", được cấu thành từ 4 phần gồm lõi bê tông, khung kim loại, vòm lá, những tấm quang điện và đèn (sẽ chiếu sáng cây vào ban đêm). Ốp bên ngoài bộ khung sắt từ "gốc" lên đến "ngọn" là hàng trăm ngàn cây dây leo, dương xỉ, hoa lan...  Những siêu cây năng lượng này có nhiệm vụ thu nhận và chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành năng lượng thắp sáng cho hệ thống đèn trong công viên và các tòa nhà gần đó. Các tán cây hoạt động như những chiếc điều hòa nhiệt độ, hấp thụ và phân tán nhiệt, giúp mang lại không khí mát lành. Siêu cây cũng có nhiệm vụ hứng nước mưa và sử dụng cho chính các loại cây xanh đang lớn trên thân mình đồng thời cung cấp nước đến khu rừng nhỏ bao quanh. Toàn bộ khu vực như một máy lọc không khí lớn góp phần tăng cường thêm oxy cho đô thị. Tôi đứng tần ngần bên một gốc cây rộng, ở đó trên bệ xi măng người ta dựng các tấm bảng kể thêm một lần câu chuyện (bằng hình ảnh) nạn phá rừng đã gây hại ra sao cho trái đất, một bài học chưa bao giờ cũ, và không chỉ dành cho trẻ con! “Khu vườn là niềm tự hào của Singapore, trở thành điểm nhấn giữa không gian ồn ào và náo nhiệt của đô thị”, vẫn lời cố thủ tướng Lý Quang Diệu, dự kiến thu hút 5 triệu lượt du khách mỗi năm.

Minh triết của các thực hành bền vững

Có thể nói, màu xanh rộng lớn của "thành phố trong khu vườn" Singapore thể hiện tầm nhìn minh triết của vị thủ tướng lập quốc Lý Quang Diệu và được các thế hệ lãnh đạo và người dân đồng lòng tiếp nối. Tầm nhìn đó là ông muốn đưa Singapore thoát khỏi "thế giới thứ ba", nhập vào đẳng cấp của "thế giới thứ nhất" bằng cách trồng cây phủ xanh đất nước. Ông Lý Quang Diệu tin rằng một Singapore sạch sẽ và trong xanh sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước. Một thành phố xanh với khâu quản lý, quy hoạch hiệu quả sẽ gửi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư. "Phủ xanh thành phố là kế hoạch hiệu quả nhất mà tôi từng phát động", ông tự hào kể trong cuốn hồi ký "Từ Thế giới thứ Ba đến Thế giới thứ Nhất". Thay vì tư duy xây dựng đến đâu đụng cây xanh thì cho đốn bỏ, ở Singapore chính quyền sẵn sàng giải tỏa cả một khu phố sầm uất để trồng cây chỉ vì khu vực đó không có cây xanh. Quỹ đất cho cây trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công trình xây dựng. 

"Ngày Trồng cây quốc gia" vào chủ nhật đầu tiên của tháng 11 hàng năm là ngày hội thực sự của người dân, chính quyền và cả những người nước ngoài đang sinh sống làm việc tại Singapore, và ông Lý Quang Diệu- "vườn trưởng" như cách gọi thân mật của người dân- chưa từng vắng mặt một ngày trồng cây nào cho đến khi qua đời. Chính ông là nguồn cảm hứng trồng cây xanh cho người dân Singapore, khiến họ cảm thấy tự hào nhưng cũng đầy trách nhiệm khi được sống trong một không gian xanh rộng lớn.

Cây xanh ở với người

 

Nếu nói rằng khi đem cây mưa và nhiều loài cây khác nữa từ năm châu về trồng phổ biến ở Singapore thể hiện nguồn cảm hứng "làm vườn cho phố" thì dự án siêu cây năng lượng ở "Những khu vườn bên Vịnh" (Gardens by the Bay) chính là nguồn cảm hứng sáng tạo của một đô thị hiện đại. 50 năm từ ngày lập quốc, "đẳng cấp Singapore" đã nhảy một bước dài! Giờ đây trồng cây không chỉ là tạo cảnh quan, mảng xanh mà còn là thu năng lượng, điều hòa nhiệt độ, phát điện, cấp nước,... và tất nhiên, thu... trứng vàng du lịch! Rõ ràng, những "siêu cây" bê tông sắt thép bên bờ vịnh Marina mỗi ngày vẫn "sừng sững" sức sáng tạo của con người, “cho thấy những gì chúng ta có thể làm để mang thế giới các loài thực vật đến với tất cả người dân Singapore”, là nơi giới thiệu các thực hành bền vững. Và như thế, các dự án xanh ở đất nước này vẫn chưa bao giờ dừng lại.

Bài, ảnh: PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp "tinh hoa" của đất nước

Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo với chủ đề: "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng".

Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp tinh hoa của đất nước
Tìm hiểu đất nước Hàn Quốc qua cuộc thi hùng biện

Chiều 27/2, Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế phối hợp với tỉnh Gyeongsangbuk-do, Đại học Deagu Catholic, Quỹ giao lưu văn hóa, nghệ thuật Gyeongbuk, Đại học Yeungnam, Hàn Quốc tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Hàn Gyeongsangbuk-do năm 2024.

Tìm hiểu đất nước Hàn Quốc qua cuộc thi hùng biện

TIN MỚI

Return to top